Lùm xùm BOT Cai Lậy: Bộ GTVT thừa nhận có bất cập

“Với tuyến tránh Cai Lậy, chúng tôi cho rằng vẫn còn bất cập đối với người dân gần khu vực trạm và trước mắt sẽ giải quyết theo hướng giảm phí”.

Chỉ đảm bảo công bằng tương đối

Ngày 16/8, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công-tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có cuộc trao đổi với báo chí về các vấn đề liên quan đến trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

Ông Huy nhận định, trạm BOT bị phản đối có lẽ do công tác tuyên truyền chưa đến được với người dân đầy đủ, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân là căn nguyên của vấn đề.

lum xum bot cai lay bo gtvt thua nhan co bat cap
Bộ GTVT thừa nhận có bất cập tại trạm BOT Cai Lậy

Về mức phí của tuyến đường tránh Cai Lậy với cao tốc TP.HCM-Trung Lương quá chênh lệch, ông Huy cho rằng đây là vấn đề cần phải nhìn nhận đầy đủ.

Theo đó, ngoài việc đầu tư 12km tuyến tránh thì nhà đầu tư còn phải đầu tư 26,5km nâng cấp, cải tạo mặt đường cũng hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang, bao gồm cả đoạn đi qua Cai Lậy.

Trong khi đó cao tốc TP.HCM-Trung Lương được đầu tư bằng tiền ngân sách nên mức phí khác với đường do nhà đầu tư bỏ tiền ra. Nhà đầu tư đầu tư đường họ phải tính tới lãi vay ngân hàng, lợi nhuận từ nguồn vốn họ bỏ ra.

“Hình thức thu phí của TPHCM -Trung Lương là thu phí kín, tức là đi bao nhiêu km đường thì tính tiền bấy nhiêu với mức 1.000 đồng/km, trong khi đó trên quốc lộ đang thu phí hở và hạn chế là cứ đi qua trạm sẽ bị thu phí toàn tuyến”, ông Huy khẳng định với tờ Dân trí.

Ông Huy thừa nhận, thu phí kín thì đảm bảo công bằng tuyệt đối, còn thu phí hở như BOT Cai Lậy chỉ đảm bảo công bằng tương đối cho đại bộ phận người tham gia giao thông.

“Có thể có bất cập, nhưng theo tôi chúng ta nên nhìn nhận lợi ích mang lại cho đại đa số hay thiểu số. Thực tế có những người đi quãng đường dài giữa 2 trạm thu phí nhưng cũng không phải trả phí...”, ông Huy nhấn mạnh.

Trạm BOT đặt đúng phạm vi dự án

Cũng thông tin với tờ Dân trí, ông Huy khẳng định, trước khi triển khai dự án, Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án chỉ đầu tư mở rộng tuyến đường trung tâm thị xã Cai Lậy thành 6 làn xe, nhưng tính toán thấy chi phí tốn kém hơn nhiều, những người dân bị ảnh hưởng nhiều hơn. Và giải pháp xây dựng tuyến tránh được triển khai trên cơ sở tính toán chi phí người dân phải trả là thấp hơn.

Đặc biệt khi triển khai dự án, ngoài việc lấy ý kiến tham vấn của UBND các tỉnh và Bộ Tài chính, Bộ GTVT còn lấy ý kiến của HĐND, đoàn ĐBQH về thỏa thuận và ý kiến tham vấn.

Trong chủ trương đầu tư, ngân sách không có tiền thì bắt buộc phải kêu gọi đầu tư để phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, đó là việc cấp bách.

“Chúng tôi khẳng định là trạm thu phí Cai Lậy đang nằm trên phạm vi của Dự án. Bất cập xảy ra có thể do khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa lường hết được những tác động đối với người dân.

Với tuyến tránh Cai Lậy, Tổng cục Đường bộ đã nhận được ý kiến phản ánh của Tiền Giang về mức phí và chúng tôi cho rằng vẫn còn bất cập đối với người dân gần khu vực trạm và trước mắt sẽ giải quyết theo hướng giảm phí”, ông Huy khẳng định.

Bộ GTVT chốt mức giảm giá phí

Trong một diễn biến có liên quan, sáng 16/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp xử lý những bất cập tại trạm thu giá Cai Lậy. Sau cuộc họp, các bên đã thống nhất phương án giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy.

Theo đó, loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) giảm từ 35.000 đồng/lượt giảm xuống còn 25.000 đồng/lượt.

Loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) giảm từ 50.000 đồng/lượt giảm xuống 35.000 đồng/lượt.

Loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn giảm từ 60.000 đồng/lượt giảm xuống 40.000 đồng/lượt.

Loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit): Từ 100.000 đồng/lượt giảm xuống 70.000 đồng/lượt.

Loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit) giảm từ 180.000 đồng/lượt giảm xuống còn 140.000 đồng/lượt; Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này. Thời gian áp dụng từ ngày 21/8.

Bên cạnh đó, các bên cũng thống nhất giảm 100% giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại 4 xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10/9.

Ông chủ BOT Cai Lậy là ai?

Với tỷ lệ góp vốn 65%, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái được coi là “ông chủ” của trạm BOT Cai Lậy.

Công ty này được thành lập từ năm 2004, có trụ sở tại số 215, đường Mê Linh, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Ngày 10/7 vừa qua, Bắc Ái đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng.

Cổ đông của Bắc Ái đều là các cá nhân gồm: ông Lê Văn Duẩn (5% vốn), ông Lê Thanh Bình (10% vốn); ông Nguyễn Phú Hiệp (góp 3%).

Ông Nguyễn Phú Hiệp cũng là giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang – doanh nghiệp dự án triển khai và vận hành trạm BOT Cai Lậy.

Cổ đông lớn nhất góp tới 82% vốn tại Bắc Ái là ông Lê Tiến Thắng.

Ông Thắng từng là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Bắc Ái, tuy nhiên từ tháng 3/2017, chức vụ này đã được giao cho ông Nguyễn Tiến An (sinh năm 1992, hộ khẩu tại Vân Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

/ Hà Hoàng/baodatviet.vn