Luật sư: Phường Hạ Đình ra văn bản khuyến cáo dân sau vụ cháy Công ty Rạng Đông là đúng đắn

Luật sư cho rằng, cách hành xử của UBND quận Thanh Xuân trong vụ cháy Công ty Rạng Đông cho thấy sự tắc trách, vô trách nhiệm của chính quyền với người dân.

Vụ cháy nhà kho Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không chỉ là sự cố cháy nổ thông thường mà là sự cố nghiêm trọng về môi trường. Tuy nhiên, phản ứng của các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm trước sự cố này khá chậm chạp, thậm chí tắc trách, vô trách nhiệm.

Hôm qua (4/9), Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) chính thức thông tin kết quả quan trắc và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Theo đó, đến thời điểm này có thể xác định 15,1 đến 27,2kg thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy.

 Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, việc xử lý sau vụ cháy Công ty Rạng Đông cho thấy sự tắc trách của UBND quận Thanh Xuân. 

Trả lời VTC News, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, công bố của Bộ TN-MT đã chứng minh tính đúng đắn của UBND phường Hạ Đình khi nhanh chóng, kịp thời ra văn bản khuyến cáo người dân sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.

“Sau khi có kết luận của Bộ TN-MT thì rõ ràng đã chứng minh tính đúng đắn của phía UBND phường Hạ Đình trong việc đưa ra văn bản khuyến cáo người dân. Còn nếu chờ kết quả quan trắc, chờ kết quả xét nghiệm mới đưa ra khuyến cáo thì đã quá muộn.

Tôi lấy ví dụ, vụ cháy xảy ra từ hôm 28/8 cho đến ngày 4/9 mới có thông báo chính thức của Bộ Bộ TN-MT. Nếu chờ như vậy thì người dân đã ăn hết thủy ngân, uống hết thủy ngân trong thời gian chờ”, luật sư Tuấn Anh cho hay.

Luật sư Tuấn Anh khẳng định UBND phường Hạ Đình đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ của đơn vị quản lý Nhà nước, có thẩm quyền ra văn bản quản lý ở địa phương.

Khi có sự việc, sự cố xảy ra trên địa bàn, UBND xã, phường có thẩm quyền ban hành văn bản khuyến cáo người dân theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 

 

 
Cách hành xử của UBND quận Thanh Xuân trong vụ cháy Công ty Rạng Đông cho thấy sự tắc trách, vô trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Luật sư Trần Tuấn Anh

 

Vị luật sư này cũng đánh giá quyết định ban hành văn bản thông báo, khuyến cáo người dân phòng tránh khói bụi từ vụ cháy, hướng dẫn người dân chăm sóc và tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, đặc biệt là người già và trẻ em… là việc làm kịp thời, cho thấy sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo phường đến cuộc sống người dân.

“Chưa nói đến căn cứ pháp lý, chưa nói về mặt pháp luật, trước hết sau khi xảy ra vụ cháy cơ sở kinh doanh lớn như Rạng Đông thì sẽ phát sinh ô nhiễm dù ít hay nhiều”, luật sư Tuấn Anh phân tích.

Vị chuyên gia luật này cho rằng hành động của UBND phường Hạ Đình sẽ giúp người dân hình dung ra hậu quả của việc cháy để từ đó có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Cũng theo vị luật sư này, việc đưa ra văn bản khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình chỉ thiếu một chút căn cứ (chưa có cơ sở về mặt khoa học, chưa có trắc nghiệm tính chất mức độ, hàm lượng thủy ngân phát tán ra môi trường).

“UBND phường không có căn cứ xác định 1km hay 2km. Bởi vì, ngay phía Bộ TN-MT cũng không xác định bán kính bao nhiêu, căn cứ nào để đưa ra là 500m, theo hướng gió hay không theo hướng gió”, luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Tuấn Anh cũng lấy làm tiếc khi văn bản khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình đã bị UBND quận Thanh Xuân yêu cầu phải thu hồi.

Theo thẩm quyền, đơn vị có chức năng ban hành văn bản thì đơn vị đó có chức năng thu hồi. Do đó, phường Hạ Đình buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của UBND quận Thanh Xuân.

Thậm chí, quận Thanh Xuân yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã ra văn bản khuyến cáo không đúng thẩm quyền, gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, UBND phường Hạ Đình đã rất có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, môi trường khi sớm có khuyến cáo hữu ích, kịp thời sau vụ cháy.

Nói về trách nhiệm của UBND quận Thanh Xuân, ông Tuấn Anh cho rằng, cơ quan này đã rất vô cảm, tắc trách và vô trách nhiệm trong câu chuyện khắc phục hậu quả qua đám cháy ở Công ty Rạng Đông. Cách hành xử của UBND quận Thanh Xuân đối với vấn đề xảy ra trên địa bàn đơn vị quản lý là không thể chấp nhận được.

Ngoài việc không đưa ra được văn bản khuyến cáo người dân, luật sư Tuấn Anh còn chỉ ra sự thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng, sức khỏe của người dân qua việc quận Thanh Xuân đưa ra thông báo Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở TN-MT Hà Nội đã lấy mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí, bụi, đất phân tích, đánh giá chất lượng môi trường và đều cho kết quả bình thường.

Đồng thời, theo UBND quận Thanh Xuân, kiểm tra nhanh của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp - Môi trường (thuộc Bộ Y tế) về các chỉ số chì, kim loại nặng cũng cho thấy trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân. Nhưng ngay sau đó, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp - Môi trường đã lên tiếng phủ nhận thông tin "an toàn" mà quận này thông báo. 

“Khi xảy ra vụ cháy Công ty Rạng Đông như vừa qua, trách nhiệm đầu tiên của quận Thanh Xuân là phải đến khảo sát, bố trí người dân trong bán kính bi ảnh hưởng di dời ra chỗ khác, tạm ở một nơi nào đó. Sau đó, kết hợp với Công ty Rạng Đông đưa toàn bộ những người chịu ảnh hưởng của đám cháy, nguy cơ nhiễm thủy ngân như nhân viên Công ty Rạng Đông, phóng viên báo chí, cán bộ PCCC, người dân xung quanh… kiểm tra tập trung. Nhưng quận chưa có bất kỳ động thái nào”, vị luật sư cho hay.

Nói thêm về trách nhiệm Công ty Rạng Đông, luật sư Tuấn Anh cho rằng, Công ty Rạng Đông rất vô cảm trước tính mạng người khác. Đám cháy phát ra từ công ty này, mặc dù phải chờ CQĐT để xác định lỗi, tuy nhiên, công ty này phải có trách nhiệm khắc phục, lấy lại niềm tin người tiêu dùng.  

Luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh, trong vụ việc này, trách nhiệm chính thuộc về Công ty Rạng Đông và UBND quận Thanh Xuân.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Công ty Rạng Đông đã có lỗi (có thể là vô ý) để xảy ra vụ cháy, chất độc phát tán ra môi trường xung quanh. Công ty Rạng Đông phải bồi thường thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng khí độc do phát tán từ công ty ra bên ngoài.

“Việc xác định thiệt hại dựa trên cơ sở áp dụng các điều khoản liên quan đến Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ Luật Dân sự để xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, nguyên tắc bồi thường bao giờ cũng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.

Nếu trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện vụ án ra tòa án để yêu cầu giải quyết. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ, kịp thời nhưng ở đây chúng tôi chưa thấy tính kịp thời”, luật sư Tuấn Anh phân tích.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết về kết quả quan trắc môi trường liên quan đến vụ cháy công ty Rạng Đông.

Thứ trưởng Nhân cho hay, ban đầu công ty Rạng Đông báo cáo nguồn thủy ngân có thể phát tán ra ngoài môi trường là khoảng 15,1 kg. Nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho 1 bóng đèn compact nên khối lượng thủy ngân phát tán là 23,2kg. “Chúng tôi xác định số thủy ngân đã phát tán ra môi trường nằm trong khoảng 15,1 - 27,2 kg”, ông Nhân nói.

Về kết quả quan trắc, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân thông tin, trong 12 mẫu chất thải rắn, tro xỉ sau cháy để xác định nồng độ thuỷ ngân thì chỉ có duy nhất một mẫu vượt 1,3 lần quy chuẩn Việt Nam, và đó là mẫu lấy từ cống nước thải cách nhà máy 1,5 km đổ ra sông Tô Lịch.

Ngoài ra, trong 8 mẫu nước thì cũng có 1 mẫu có giá trị vượt quy chuẩn 2,76 lần. Trong khi đó, có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy, vượt quy chuẩn.

Theo ông Nhân, các chất này phát tán vào không khí và môi tường xung quanh. Một phần vào nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy.

Bộ TN-MT xác định phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân là trong khoảng cách 500m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ TN-MT yêu cầu Công ty Rạng Đông cô lập khu vực cháy, che bạt, không để thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường, thu gom các chất tàn dư trong vụ cháy và xử lý chất thải và phối hợp với đơn vị chức năng, tẩy độc khu vực bị cháy và tiếp tục thống kê số lượng tài sản bị cháy để có con số chính xác về số lượng hóa chất phát tán ra bên ngoài, đồng thời tổ chức kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, công nhân và người lao động của công ty.

Bộ TN-MT đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục các biện pháp cô lập và cách ly khu vực cháy, phân loại thu gom xử lý các chất thải dư thừa sau đám cháy. Khuyến cáo người dân, đặc biệt là người dân trong phạm vi bán kính 500m từ vụ cháy thực hiện các biện pháp an toàn. 

Lệch chỉ số quan trắc thủy ngân sau vụ cháy Công ty Rạng Đông: Sở TN&MT Hà Nội lý giải
Binh chủng Hóa học lên phương án tiêu độc nhà kho Rạng Đông
Nhà máy nước Hạ Đình sau vụ cháy Công ty Rạng Đông: Chất lượng nước vẫn đạt tiêu chuẩn cho phép
/ vtc.vn