Luật nghiêm mới bớt tai nạn

Không chỉ những ngày Tết vừa qua mà trên những ngả đường TP HCM vào lúc đêm hôm, không khó để bắt gặp cảnh người chạy xe máy dừng chờ đèn đỏ dù đường rất vắng xe qua lại.

Đó là những người có ý thức tuân thủ luật giao thông. Họ dừng chờ đèn một cách tự giác. Một hình ảnh đẹp về văn hóa giao thông của người dân.

Nhưng cũng có rất nhiều người có lối chạy xe theo kiểu giả bộ "trò ngoan". Hễ thấy bóng CSGT là chạy xe "thẳng thớm" song vắng bóng CSGT là nẹt pô, rú ga, vượt đèn đỏ ngay. Theo công bố của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM về xử phạt vi phạm thông qua hình ảnh, từ ngày 27-2-2017 đến 27-2-2018, có 35.322 trường hợp bị xử phạt hành chính. Các lỗi chính thường là chạy quá tốc độ, đỗ ô tô sai quy định, nhiều phương tiện vi phạm nhiều lần. Còn tại Hà Nội, mỗi năm số hồ sơ phạt nguội lên đến hàng ngàn.

Trên nhiều ngả đường, khi bị phạt "nóng", nhiều người phản ứng gay gắt. Xảy ra không ít trường hợp cự cãi, xô xát, thậm chí hành hung CSGT. Mới đây, tại Ninh Bình, 2 người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm bị truy đuổi đã không chấp hành hiệu lệnh, sau đó còn vu vạ CSGT đánh người. Nhờ có clip của người dân chứng kiến quay lại, CSGT được minh oan.

Tuy nhiên, ngay chính lực lượng CSGT cũng phải hành xử đàng hoàng, giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ. Người dân đều rất bất bình khi nhìn thấy những hình ảnh không đẹp về lực lượng này cùng những thông tin về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, làm tiền trắng trợn hoặc làm ngơ cho những hung thần xe ben, xe bồn vào nội thành trong giờ cấm gây ra tai nạn chết người... Khi thảm nạn xảy ra, lẽ nào những người liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp không cắn rứt lương tâm?

Với những người chấp hành luật, những hình ảnh đẹp về văn hóa giao thông nên được nhân rộng, đồng thời những trường hợp vi phạm, công bố để phạt nguội như các phòng CSGT một số tỉnh, thành phố là rất đáng hoan nghênh. Việc công khai thông tin không chỉ thể hiện sự minh bạch mà còn có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa tái phạm. Do đó, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP nên lập cổng thông tin để người dân dễ tra cứu, chẳng hạn nhập số xe của mình để xem xe mình có mắc lỗi hay không, có thể lỗi đó xảy ra vào lúc người điều khiển xe sơ ý hoặc không biết chứ không phải là chây ì không đóng phạt. Ngược lại, cũng nên làm như nước ngoài, khi nhận giấy báo phạt mà không tuân thủ, hồ sơ vi phạm sẽ chuyển qua tòa án thụ lý.

Pháp luật xây dựng nên ngoài tác dụng giáo dục tuyên truyền tuân thủ còn phải thể hiện sự nghiêm minh, răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử phạt phải công khai, minh bạch, nghiêm khắc mới có tác dụng tốt, tính thuyết phục cao, người vi phạm tâm phục khẩu phục. Thi hành luật càng nghiêm càng giúp kéo giảm tai nạn giao thông, càng thêm nhiều người tự giác chấp hành.

luat nghiem moi bot tai nan Xe khách tông xe máy đi ngược chiều, 2 người tử vong

Theo các nhân chứng, chiếc xe khách trong quá trình vượt đã thiếu chú ý quan sát nên tông vào xe máy đi ngược chiều ...

luat nghiem moi bot tai nan Tài xế ôtô tông 6 xe máy ở Sài Gòn: \'Tôi chạy nhanh, né xe khác\'

Khai với cảnh sát, Giàu cho rằng phải tránh một xe máy nên lạc tay lái, để ôtô ben tông 6 xe khác ở Gò ...

/ https://nld.com.vn