Ngày 12/8, lớp mầm non tư thục Tuổi Thơ (Duy Tiên, Hà Nam) đóng cửa, bốn cô giáo ngừng đứng lớp, hỗ trợ chăm sóc trẻ bị bỏng.
Nằm ở góc khu đô thị mới, phía chân cầu vượt Đồng Văn (xã Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam), lớp học Tuổi Thơ chính là căn nhà hai tầng, một tum của cô giáo Nguyễn Thị Khoát (29 tuổi, xã Duy Minh), người đăng ký mở lớp.
Ngay sau tai nạn chiều 9/8 làm ba trẻ bỏng nặng, một trẻ bị thương nhẹ, Chủ tịch UBND xã Duy Minh, ông Nguyễn Văn Khâm, đã ra quyết định dừng hoạt động của lớp học. Từ đó đến nay, cửa lớp học thường xuyên đóng kín, một hàng rào sắt quây kín khoảng sân vui chơi hàng ngày của học sinh.
Lớp học Tuổi Thơ đóng cửa suốt từ chiều 9/8. Ảnh: Thanh Hằng |
21 cháu còn lại của lớp Tuổi Thơ được tạo điều kiện chuyển sang học trường mẫu giáo tư thục hoặc công lập nào mà gia đình có nguyện vọng trên địa bàn Duy Tiên. Bốn cô giáo đứng lớp trước mắt không được phép tham gia giảng dạy, tập trung thăm nom và hỗ trợ gia đình các cháu bị bỏng, ông Trần Quang Tuyến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Duy Tiên, cho biết.
Trước đó 15h10 ngày 9/8, trong giờ học kỹ năng "Biết kêu cứu và thoát khỏi nguy hiểm", để giúp trẻ nhận biết đám cháy, cô Khoát đã sử dụng cồn 90 độ đựng trong chai 500 ml, đổ ra một mâm nhôm rồi châm lửa đốt. Do lớp học trên tầng 2, ngọn lửa đã bị gió thổi lan sang bốn cháu ngồi gần là Nguyễn Anh Thư (3 tuổi, quê Nam Định), Nguyễn Thị Thu Trang (3 tuổi, quê Hà Nam), Phạm Bùi Gia Khánh (4 tuổi, quê Hà Nam) và Nguyễn Ngọc Hà Lê (5 tuổi, quê Hà Nam).
Cô Khoát cùng cô Đặng Thị Nết đã dùng khăn ướt dập lửa, liên lạc với phụ huynh đưa các cháu đi bệnh viện. Cháu Thu Trang bị bỏng nhẹ ở chân nên sau khi được sơ cứu, gia đình đưa về nhà. Ba cháu khác đang được điều trị cách ly tại Khoa hồi sức tích cực Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Đông, Hà Nội).
Lớp mẫu giáo Tuổi Thơ được thành lập tháng 5/2019 theo quyết định số 42 của Chủ tịch xã Duy Minh. Cơ sở có một nhóm trẻ, một lớp mẫu giáo với 25 cháu, bốn cô giáo. Dạy lớp kỹ năng "Biết kêu cứu và thoát khỏi nguy hiểm" là cô Nguyễn Thị Khoát và Đặng Thị Nết, có bằng chuyên môn sư phạm mầm non, thượng tá Đinh Văn Khảng, Phó công an huyện Duy Tiên (Hà Nam) thông tin.
Công an huyện Duy Tiên đã khám nghiệm hiện trường, trích xuất camera lớp học, lấy lời khai các bên liên quan và chờ trả lời của Viện Bỏng quốc gia về mức độ thương tổn của ba học sinh để xem xét có khởi tố vụ án hay không.
Ông Trần Quang Tuyến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Duy Tiên, cho biết kỹ năng "Biết kêu cứu và thoát khỏi nguy hiểm" nằm trong bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và tiêu chí giáo dục mầm non. Phòng không soạn giáo án cho từng kỹ năng, việc lựa chọn hình thức và phương pháp dạy hoàn toàn do giáo viên và nhà trường chủ động.
Đầu năm học 2018-2019, cô giáo Nguyễn Thị Khoát đã được tập huấn về phòng, chống thương tích cho trẻ em và công tác phòng cháy chữa cháy. Sau sự việc, ông Tuyến đã chỉ đạo giáo viên mầm non chủ động, linh hoạt lựa chọn phương pháp dạy, có thể lấy ví dụ thực tiễn hoặc dạy thông qua máy chiếu, nhưng phải đảm bảo an toàn cho học sinh.
Thanh Hằng
Tiên lượng sức khỏe của 3 trẻ mầm non bị bỏng do cồn rất xấu
Hiện, tình trạng sức khoẻ của 3 bé ở Hà Nam nhập viện tối 9/8 rất nghiêm trọng, tiên lượng rất nặng nề, đang phải ... |
Ba trẻ mầm non bỏng nặng khi học kỹ năng thoát hiểm
Chiều 9/8, đứng gần mâm cồn bốc cháy, ba bé 3-5 tuổi ở lớp tư thục Tuổi Thơ (Duy Tiên, Hà Nam) bị bén lửa, ... |