Theo báo cáo giải trình của Phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu, kết quả lớp có 42/43 em đạt học sinh giỏi là "hoàn toàn phù hợp".
Liên quan đến thông tin một lớp học có 42/43 em đạt học sinh giỏi, ngày 1/6, theo thông tin trên báo chí, Phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu đã có báo cáo giải trình gửi lên Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu phản bác thông tin có tồn tại bệnh thành tích.
Báo cáo do ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Vũng Tàu ký viết rõ, việc Trường THCS Nguyễn Thái Bình thực hiện một quy trình kiểm tra, đánh giá học sinh nghiêm túc, chặt chẽ chính là động lực để các thầy/cô giáo rèn luyện, phấn đấu nâng cao tay nghề, đào tạo những lớp học sinh có phẩm chất, năng lực tốt đáp ứng yêu cầu mới về nguồn nhân lực.
Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác dạy và học, Trường THCS Nguyễn Thái Bình không đưa chỉ tiêu về số học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, khá vào việc đánh giá xếp loại thi đua giáo viên, điều này khẳng định cụm từ "bệnh thành tích" không tồn tại trong trường".
Theo báo cáo, từ thực tế chất lượng đầu vào trong công tác tuyển sinh, việc tổ chức lớp học theo địa bàn dân cư và theo đối tượng học sinh đối với lớp 6/2 đều nhằm mục tiêu lựa chọn những học sinh có năng lực học tập, tư duy tốt, tạo môi trường thi đua, giúp học sinh đạt kết quả cao hơn trong qua trình học tập và rèn luyện. Như vậy kết quả lớp 6/2 đạt 42 học sinh giỏi là hoàn toàn phù hợp.
Trước đó, một phụ huynh của một lớp khối 6 Trường THCS Nguyễn Thái Bình đăng lên mạng xã hội dòng trạng thái về lớp có 42/43 học sinh đạt loại giỏi năm học 2018-2019. Từ đây, dư luận đặt câu hỏi về bệnh thành tích của lớp này.
Ngay sau đó, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo Phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu lập đoàn kiểm tra.
Theo đó, đoàn kiểm tra đã chấm thẩm định bài kiểm tra 45 phút, học kỳ I và học kỳ II cũng như một số bài thi môn chính của lớp.
Kết quả chấm thẩm định các môn toán, tiếng Anh, ngữ văn, lịch sử của lớp 6 có 42/43 học sinh giỏi cho thấy giáo viên đã chấm công bằng, khách quan, nghiêm túc và đúng quy chế.
Bình luận về vấn đề này trên báo Đất Việt, trước đó, GS.TS Phạm Tất Dong - phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, giáo dục Việt Nam cho tới nay chưa có gì đột phá, thậm chí, có nhiều lo ngại về chất lượng học sinh đang bị đi xuống mà trong một lớp có 42/43 học sinh giỏi là điều không thể tin được.
Về mặt quy luật, khi thống kê số đông, số lớn thì luôn cho chúng ta một kết quả hình chuông.
Số kém nhất, trung bình, đến khá, rồi mới đến giỏi nhất, trong đó tỉ lệ giỏi nhất bao giờ cũng phải ở trên đỉnh quả chuông, phần nhỏ nhất của quả chuông. Phần lớn nhất của quả chuông chính là biểu thị cho số học sinh yếu kém và trung bình.
Trong một lớp có 43 học sinh mà có tới 42 học sinh đạt danh hiệu giỏi, tức là số học sinh giỏi đang ở phần lớn nhất của quả chuông như vậy là bất hợp lý.
Lý giải cho nhận định trên, GS Phạm Tất Dong cho hay, khi giáo dục đặt ra một quy luật trái khoáy thì xã hội phải bẻ cong quy luật đó.
Vị GS này cho rằng, muốn xử lý việc này rất khó. Ông nêu ví dụ từ câu chuyện gian lận thi cử ồn ào vừa qua, nhiều người yêu cầu phải đòi lại công bằng cho những thí sinh bị trượt oan nhưng có một lãnh đạo ngành giáo dục nói rằng "không thể làm được vì lo ngại sẽ kéo theo một hiện tượng domino trên diện rộng".
"Câu chuyện của trường THCS Nguyễn Thái Bình - Vũng Tàu cũng vậy thôi, yêu cầu lớp này giải trình thì cũng sẽ đòi hỏi phải giải trình với nhiều lớp khác. Từ kết quả của các lớp sẽ ảnh hưởng tới kết quả của trường, của giáo viên, lãnh đạo nhà trường... rất khó làm được", GS Phạm Tất Dong nhận định.
Thủ khoa dởm và một lớp 42/43 học sinh giỏi
Không nghe thấy những tiếng vỗ tay nồng nhiệt khi một lớp học tại Vũng Tàu có tới 42/43 học sinh giỏi. Thay vào đó ... |
'42/43 học sinh giỏi một lớp là bình thường, không có bệnh thành tích'
Phòng GD&ĐT thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kết luận thành tích cuối năm học của lớp 6/2, trường THCS Nguyễn ... |