Nhen nhóm từ trạm Bến Thuỷ (Hà Tĩnh), bùng nổ ở trạm Cai Lậy (Tiền Giang) và có dấu hiệu trở lại từ ngày 4.9 tại trạm số 1 QL5 ở Hưng Yên, “cuộc chiến tiền lẻ” tiếp tục là bài toán khó có lời giải triệt để dù cơ quan chức năng cũng như nhà đầu tư ít nhiều đã có phương thức đối phó.
Trong các ngày 4 và 5.9, lái xe dùng tiền lẻ trả phí để phản đối trạm BOT quốc lộ 5 (tỉnh Hưng Yên) khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng |
Lái xe liên kết rủ nhau dùng chiêu tiền lẻ
Thông qua một số diễn đàn mạng, một số lái xe kết nối lên kế hoạch cùng nhau xài tiền lẻ tại các trạm thu phí ở QL5, QL91… Chiều tối 4.9, như đã hẹn khoảng 15-20 tài xế đã ra chiêu “câu giờ” bằng cách trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí Văn Lâm, Hưng Yên. Việc nhiều xe cùng sử dụng tiền lẻ vào lúc cao điểm đã khiến trạm này tê liệt và phải xả trạm trong khoảng 1h dù đơn vị quản lý đã tăng cường người để “đếm tiền”.
Chia sẻ với Báo Lao Động, ông Đặng Văn Tâm - Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - thừa nhận, đã biết kế hoạch xài tiền lẻ của một số lái xe và đã có sự chuẩn bị trước về nhân lực cũng như đề nghị cơ quan chức năng
hỗ trợ.
Được biết không chỉ Vidifi mà nhiều chủ đầu tư dự án BOT đã và đang điều người thăm dò tìm hiểu trên các diễn đàn để biết trước các kế hoạch xài tiền lẻ qua trạm để ứng phó. Không chỉ dò la thông tin, hầu hết các trạm thu phí hiện đang thu xếp một khoảng đất trước trạm chỉ để dành chỗ cho xe xài tiền lẻ.
Trao đổi với phóng viên về vụ việc tối 4.9, ông Tâm cho rằng, người dân có quyền dùng tiền lẻ hoặc tiền chẵn để trả phí và Vidifi đã bố trí người để sẵn sàng phục vụ 24/7, đồng thời trong trường hợp xảy ra ùn tắc sẽ xả trạm. Tuy nhiên, ông này nhận định vụ việc chiều 4.9 có dấu hiệu của sự gây rối, cản trở giao thông vì khoảng 15-20 chiếc xe cả xe tải lẫn xe con đã dùng tiền lẻ khi qua trạm, sau đó lại quay đầu qua trạm một lần nữa. Ông Tâm cũng dự đoán hiện tượng này có thể sẽ tái diễn.
Nhân viên thu đếm tiền lẻ trả phí tại trạm BOT quốc lộ 5 Hưng Yên. Ảnh: HUY CƯỜNG |
Bộ GTVT xử lý thế nào?
Liên quan tới vụ việc ngày 4.9 tại QL5, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo không chỉ tại trạm thu phí ở Hưng Yên mà trên tất cả các trạm thu phí BOT, nếu người dân sử dụng tiền lẻ để qua trạm thì sẽ mời qua một bên và bố trí người đếm tiền để thu mà không gây ảnh hưởng tới giao thông. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục làm việc với UBND các tỉnh có trạm thu phí BOT để rà soát lại mức độ ảnh hưởng của trạm thu phí với người dân sống trong bán kính từ 3-5km quanh trạm để từ đó có đề xuất miễn giảm phí cho phù hợp.
Liên quan tới việc xử lý bất cập của các dự án BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các tồn tại của những dự án BOT giao thông và đề xuất một số giải pháp xử lý như quyết toán các dự án, rà soát phương án tài chính các dự án phù hợp với điều kiện thực tế, rà soát phương án thu giá dịch vụ, nghiên cứu giải pháp giảm giá đối với các phương tiện xung quanh trạm thu phí để giảm bớt sự mất công bằng của hình thức thu phí lượt, thúc đẩy triển khai hệ thống thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tự động không dừng, đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát doanh thu thu phí tại các trạm BOT.
Bộ GTVT cũng đang đẩy nhanh công tác quyết toán dự án, thực hiện việc đàm phán, tính toán lại phương án tài chính tuân thủ đúng Hợp đồng BOT khi có sự biến động về lưu lượng xe, lãi suất ngân hàng... để điều chỉnh kịp thời phương án tài chính của dự án theo hướng ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Ngoài ra, lãnh đạo bộ khẳng định sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo công khai minh bạch để người dân dễ dàng giám sát, kiểm tra; tạo được sự đồng thuận của người dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: 5 bài học nóng về vấn đề BOT Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Bộ GTVT sẽ nghiêm túc đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế của việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT thời gian qua. Đồng thời Bộ GTVT đã rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây cần đặc biệt lưu ý cho giai đoạn sắp tới: 1. Cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thể hiện bằng sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. 2. Đầu tư theo hình thức PPP có nhiều chủ thể tham gia nên tất cả quá trình tổ chức thực hiện dự án đều phải đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên, đặc biệt là lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng và các ngân hàng tài trợ vốn. 3. Cần thiết phải có một khung pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp với thông lệ quốc tế. 4. Kiến thức, năng lực của đội ngũ nhân sự của các bên liên quan từ Nhà nước, nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn, cơ quan thanh tra, kiểm toán cần phải am hiểu pháp luật về tài chính dự án, đặc biệt là rủi ro của dự án. 5. Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để có một cách hiểu thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội khi triển khai các dự án theo hình thức PPP. K.H |
(https://laodong.vn/kinh-te/loi-thoat-cho-cuoc-chien-tien-le-tai-tram-thu-phi-bot-562969.ldo)