Lời tạm biệt của “đô đốc”

5h 25 phút ngày 13-1-2019,  ông Đỗ Văn Hậu, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam qua đời sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.  

Sự ra đi của ông đã để lại nỗi tiếc thương trong lòng người dầu khí – đặc biệt là những người đã từng có thời gian làm việc cùng ông.

Thoimoi.vn xin đăng lại bài “ Lời tạm biệt củađô đốc...” của nhà báo Nguyễn Như Phong viết về ông, đã đăng trên báo Năng lượng Mới tháng 10 năm 2014 như một nén nhang vĩnh biệt ông !

***

Bắt đầu từ ngày 1/11/2014, Tiến sĩ Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức được nghỉ theo chế độ, sau 38 năm 3 tháng phục vụ ở ngành Dầu khí và 37 tháng ở cương vị Tổng giám đốc Tập đoàn. Anh - cũng giống như nhiều vị lãnh đạo qua các thời kỳ, trưởng thành từ người thợ… Và vì thế, anh am hiểu Tập đoàn Dầu khí và con người Dầu khí đến từng “chân tơ kẽ tóc”.

loi tam biet cua do doc

Vì là trong chương trình không có “mục” này, nên Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu lúc đầu có vẻ hơi lúng túng và rất xúc động. Ánh mắt vốn hay cười của anh ngân ngấn nước, nhưng vốn là người có “khẩu khí” khi nói chuyện - dù là ở bất cứ vấn đề gì - nên anh đã cuốn hút mọi người bằng những lời tâm sự mộc mạc, tình cảm… Anh kể lại chút kỷ niệm ngày còn lênh đênh trên biển với con tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 01, anh em cứ gọi đùa anh là “đô đốc”…Sáng thứ Sáu, ngày 24/10/2014, tại Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn (mở rộng) có một sự kiện ngoài chương trình, ấy là Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn đã mời Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu lên tâm sự với các đại biểu dự hội nghị, trước khi chính thức từ giã vị trí công tác hiện nay.

Nghe anh nói đến hai chữ “đô đốc”, tôi chợt nhớ là năm 2008 (lúc ấy, tôi còn làm ở An ninh thế giới) trong chuyến đi sang Venezuela với anh Đinh La Thăng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và anh Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn, để đàm phán về thành lập liên doanh khai thác dầu ở Lô Junin 2, tôi cũng đã được nghe thấy một người gọi anh là “đô đốc Hậu”.

Ngày ấy, tôi chưa biết ai với ai ở Tập đoàn Dầu khí, nên khi nghe gọi “đô đốc Hậu”, tôi đinh ninh anh chắc là thuyền trưởng hoặc từng là thuyền trưởng một con tàu lớn nào đó, rồi được đề bạt làm Phó tổng giám đốc.

Nhưng khi nói chuyện mới biết là anh từng nhiều năm đi khảo sát thăm dò địa chấn trên con tàu Bình Minh 01. Và vì yêu quý anh ở cái nết chịu khổ giỏi, đặc biệt là ít bị say sóng, lại gương mẫu trong mọi việc nên mọi người phong cho anh danh hiệu “đô đốc”.

Trong các buổi họp thương thảo những điều khoản của liên doanh và về khai thác dầu ở Lô Junin 2 với đối tác mà chủ nhà là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PVDSA), tôi đã hết sức kinh ngạc và vô cùng khâm phục khi thấy anh nói tiếng Anh như “gió” khi tranh luận các vấn đề gay cấn với đối tác. Mà anh nói lạ lắm. Lưu loát, chuẩn xác (mà rất nhiều thuật ngữ của dầu khí) đã đành, nhưng lại có ngữ điệu hết sức sinh động, có duyên… Đúng là nói tiếng Anh giỏi thì không phải là hiếm người. Nhưng nói đến mức “có duyên” như anh thì hẳn không nhiều. Hỏi ra mới biết anh thông thạo ba ngoại ngữ là Nga, Anh và Pháp. Anh từng học 2 trường đại học danh tiếng ở Liên Xô (cũ) là Lomonosov và St.Petersburg.

Trong những năm đi học ở Liên Xô (cũ), anh lao vào học quên ngày, quên đêm, như thể trả ơn Tổ quốc. Bởi lẽ, vào ngày ấy, khi mà cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam đang cực kỳ ác liệt thì những người được đi nước ngoài học như anh, bên cạnh sự tự hào là học giỏi thì lại kèm thêm nỗi day dứt… Họ day dứt là bởi bạn bè cùng trang lứa coi “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” và “xếp bút nghiên”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, còn mình lại đi… nước ngoài. Chính vì thế mà phải học thật giỏi, phải tích lũy được nhiều kiến thức để sau này xây dựng Tổ quốc - đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của những người như anh Hậu.

Ở Đại học Tổng hợp Lomonosov, anh học chuyên ngành Địa Vật lý; ở St. Petersburg, anh học chuyên ngành Kinh tế, Tài chính. Thời gian học ở Liên Xô (cũ) là 9 năm. Rồi anh lại đi học chuyên ngành Quản lý kỹ thuật ở Viện Dầu khí Pháp 2 năm; rồi lại được đi học ở Hoa Kỳ 2 năm… Như vậy là thời gian anh học ở Hoa Kỳ không phải là nhiều, nhưng nói tiếng Anh được như vậy thì cũng phải là người rất có khiếu ngoại ngữ và có ý chí tự học rất ghê gớm…

loi tam biet cua do doc

Cuộc đời xô đẩy, tới cuối năm 2010, tôi rời Báo An ninh Thế giới để về làm Báo Năng lượng Mới. Và khi tờ báo mới phát hành được hơn ba chục số thì anh Hậu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Lúc ấy, có người đã khuyên tôi rất thật lòng khi “ứng xử” với Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu: “Ông ấy là dân khoa học thuần túy nên tư duy rất chính xác, không “lằng nhằng dây điện” và ít giao du với dân báo chí, văn nghệ sĩ. Và đặc biệt không thích xuất hiện”.

Sau này, qua nhiều lần đi công tác với anh, được nhận sự chỉ đạo của anh về xây dựng tờ báo Năng lượng Mới, tôi mới thấy lời khuyên đó đúng… một nửa. Đúng là anh luôn nói rất ngắn gọn về những nhiệm vụ giao cho báo và hầu như không “trà dư tửu hậu”, “nhâm nhi” với cánh nhà báo, nhà văn. Nhưng anh rất chăm lo cho tờ báo và thường hay hỏi chúng tôi: “Có khó khăn gì không?”. Và dĩ nhiên, mỗi lần tôi “gãi đầu” thì thế nào cũng có sự trợ giúp rất cụ thể từ anh.

Trong lời tâm sự trước ngày được trở về để “toàn tâm, toàn ý… lo cho mình và gia đình”, anh Hậu có kể lại một vài kỷ niệm nhỏ khi mới bước chân vào nghề dầu khí.

Anh khởi nghiệp bằng công việc làm thợ phụ, lắp băng từ của máy đo địa chấn, trên con tàu Bình Minh 01, vốn là một tàu cá được hoán cải thành tàu thăm dò địa chấn của Đoàn Địa Vật lý. Thế rồi chỉ hơn 2 năm sau, anh đã được đề bạt là Đội trưởng rồi Đoàn trưởng, Phó giám đốc Công ty Địa Vật lý… Rồi anh lần lượt giữ các cương vị chủ chốt của các đơn vị thăm dò, khai thác dầu khí, cho đến khi là Phó tổng giám đốc Tập đoàn, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP)… Làm Phó tổng giám đốc Thường trực của Tập đoàn được 3 năm, tới tháng 9-2011, anh được giao trọng trách Tổng giám đốc Tập đoàn.

Mỗi một giai đoạn công tác và ở mỗi vị trí, anh đều có những đóng góp to lớn. Nhưng tôi còn nhớ nhất là tháng 6-2006, khi được bổ nhiệm giữ trọng trách Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phụ trách lĩnh vực Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí Việt Nam. Ở cương vị này, anh đã cùng với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo Tập đoàn luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật được giao, trong đó, chỉ tiêu thu nộp ngân sách Nhà nước luôn vượt kế hoạch từ 101-170%. Có thể nói, trong giai đoạn này, Tập đoàn đã có những bước tạo đà mạnh mẽ và toàn diện bao gồm: tích cực đầu tư vào các khu vực nước sâu, xa bờ, nhạy cảm chính trị cần khuyến khích đầu tư và thu hút các nhà đầu tư lớn vào nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Liên bang Nga, Lào, Campuchia, Myanmar; các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí đã được đẩy nhanh tiến độ triển khai, từng bước đi vào vận hành thương mại an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh việc tích cực chỉ đạo phối hợp và tham gia với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển… trong công tác củng cố và bảo vệ quốc phòng, tăng cường các hoạt động kinh tế thường xuyên trên biển, anh luôn chủ động và tích cực chú trọng công tác thu hút đầu tư nước ngoài vào các lô dầu khí còn mở ở Biển Đông, cùng với các nhà thầu dầu khí nước ngoài triển khai hàng loạt các hoạt động tiềm kiếm và thăm dò trên biển (thu nổ địa chấn 2D/3D và khoan thăm dò).

Cùng với việc đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các khu vực xa bờ, nước sâu, nhạy cảm chính trị… trên Biển Đông, việc chủ động đầu tư vào công tác khảo sát điều tra cơ bản cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, công tác tổ chức nghiên cứu, thu thập tài liệu nhằm đánh giá tiềm năng dầu khí của thềm lục địa Việt Nam làm cơ sở cho Tập đoàn Dầu khí, nhà đầu tư nước ngoài tính toán cơ hội hợp tác tại những khu vực xa bờ, nước sâu và hơn thế nữa là có thể cung cấp được số liệu cũng như các căn cứ pháp lý về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Xác định được tầm quan trọng của vấn đề, trong những năm qua anh luôn chú trọng đến việc Tập đoàn Dầu khí trực tiếp hoặc cùng tham gia với các đối tác đầu tư vào các công tác tìm kiếm thăm dò. Cho tới nay Tập đoàn Dầu khí đã tự lực và phối hợp với các công ty dầu khí nước ngoài triển khai hàng loạt các dự án khảo sát địa chấn 2D, 3D, khoan thăm dò trên thềm lục địa Việt Nam và có chú trọng tới các vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về địa chính trị.

Bên cạnh những thành công trong công tác tìm kiếm thăm dò, anh đã cùng với ban lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo sát sao các dự án đầu tư mua và đóng mới các phương tiện thăm dò như tàu địa chấn 2D, 3D, giàn khoan biển tự nâng và giàn khoan biển nước sâu để chủ động hơn nữa trong công tác điều tra cơ bản, thăm dò và tìm kiếm tài nguyên cho đất nước cũng như nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Cụ thể là tàu địa chấn 2D mang tên Bình Minh 02 đã được Tập đoàn đầu tư mua và hiện đang triển khai công tác thu nổ địa chấn rất hiệu quả cho các nhà thầu dầu khí tại những vùng nước sâu, xa bờ.

Anh đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an xử lý các tình huống phức tạp xảy ra trên Biển Đông ảnh hưởng tới các hoạt động dầu khí nhằm bảo vệ an toàn và duy trì các hoạt động dầu khí của các nhà thầu cũng như cản phá các âm mưu thù địch, các hoạt động dầu khí trái phép của Trung Quốc, các nước láng giềng hoạt động trên vùng lãnh hải của ta. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực hiện Dự án Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển - đảo.

Vào những năm cuối thập niên 70 và đầu 80 của thế kỷ trước, chính con tàu này và những cán bộ địa chấn như anh đã tung hoành ngang dọc trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam để khảo sát, tìm nơi nào có dầu, có khí… Nếu nói sau Chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979 với quân xâm lược Trung Quốc, thì những người đầu tiên phải đối phó với các trò bẩn của Trung Quốc trên biển chính là anh em làm thăm dò địa chấn của ngành Dầu khí… Có lẽ những ngày lênh đênh trên biển đã rèn cho anh một bản lĩnh là không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Vì vậy, vào những lúc khó khăn nhất, cực khổ nhất như khi bắt đầu thực hiện dự án ở sa mạc Sahara - Algeria, chưa một ai thấy anh kêu ca nửa lời. Thế hệ trẻ làm dầu khí bây giờ khó có thể tưởng tượng nổi là chỉ hơn chục năm trước thôi, những người đi làm dự án nước ngoài mà phải sống trong cảnh nấu ăn chỉ có một chiếc nồi cơm điện: Vừa luộc rau, vừa kho cá và vừa nấu cơm, vừa đun nước uống.

loi tam biet cua do doc

Khi ở cương vị Tổng giám đốc, anh cũng đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của Tập đoàn. Những việc anh đã làm trong giai đoạn từ 2011 cho đến nay, khó mà có thể nói hết được trong một bài báo nhỏ. Anh được đánh giá là người lãnh đạo có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quản lý điều hành vững vàng trên mọi cương vị công tác. Lao động sáng tạo và hiệu quả công tác cao nhất ngành Dầu khí, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Dầu khí và đất nước. Anh cũng là một nhà khoa học có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; có sáng kiến cải tiến, công trình khoa học được ứng dụng trong sản xuất, công tác, đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội.

Hiểu sâu sắc nghề tìm dầu, hiểu cặn kẽ người tìm dầu, anh đã có những lời nhắn gửi lại rất ngắn gọn.

Anh mong muốn điều đầu tiên là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí hôm nay và cán bộ, công nhân viên, người lao động phải cố gắng giữ gìn và phát huy “bản lĩnh người dầu khí”. Theo anh, “bản lĩnh người dầu khí” chính là khát vọng tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn và khắc phục để vượt qua. Bản lĩnh người dầu khí còn là “nói ít, làm nhiều”, là “kiếm nhiều, tiêu ít”…

Anh mong muốn tất cả người lao động của Tập đoàn Dầu khí phải đoàn kết trên dưới một lòng và tránh đoàn kết kiểu hình thức - “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Có việc gì khúc mắc thì phải giải quyết ngay, mà cách tốt nhất là nói thẳng, nói thật. Phải kiên quyết tránh kiểu cứ xuê xoa, gật gù cho qua, nhưng rồi lại “hậm hực, ấm ức”. Mà muốn có được sự đoàn kết như vậy, thì lãnh đạo phải gương mẫu, minh bạch, rõ ràng trong điều hành công việc và điều đặc biệt quan trọng là phải “fair play” - chơi đẹp. Đúng là lãnh đạo phải “chơi đẹp”, thì mới quy tụ được anh em. Để được làm thủ trưởng thì chỉ cần “tờ giấy A4” của cấp trên, nhưng để làm thủ lĩnh trong một đơn vị thì ngoài năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn thì phải là người “chơi đẹp”. Còn nếu lãnh đạo, chỉ huy mà lại “chơi bẩn” với đồng nghiệp thì sớm hay muộn, đơn vị cũng nát mà thôi.

Rồi anh bảo rằng, trong hoàn cảnh khó khăn bộn bề như hiện nay, để vượt qua, đòi hỏi lãnh đạo từng đơn vị phải biết đặt lợi ích của tập thể lên trên hết. Điều này, theo anh thì cũng chẳng có gì mới và là điều “muôn thuở”. Nhưng trong lúc này, anh vẫn muốn nhắc lại, bởi lẽ anh biết rõ hơn ai hết không phải tất cả những người lãnh đạo các cấp trong Tập đoàn Dầu khí hiện nay đã làm tốt điều này.

Anh cảm ơn rất thật lòng với các cộng sự, với lãnh đạo các đơn vị đã giúp anh hoàn thành nhiệm vụ. Và anh cũng mong mọi người, trong quá trình công tác, nếu như anh có làm điều gì khiến anh em không vui thì hãy tha thứ.

Tạm biệt “đô đốc Hậu”!

Nguyễn Như Phong

loi tam biet cua do doc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018

Với những nỗ lực, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành thắng lợi các chỉ ...

loi tam biet cua do doc Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Nhấn mạnh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) là một doanh nghiệp, là anh cả trong các Tập đoàn ...

loi tam biet cua do doc Năm 2018: 5 dấu ấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Tất cả những ai, dù lạc quan nhất thì vào đầu năm 2018 cũng không dám nghĩ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ ...