Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng với các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước sự xáo trộn mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố loạt chính sách thuế quan mới. Theo đó, Mỹ áp thuế cơ sở 10% với tất cả hàng hóa nhập khẩu, và chính sách thuế đối ứng với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Theo chính sách thuế đối ứng, Washington sẽ đánh thuế bằng một nửa mức thuế mà các nước đó áp lên hàng hóa Mỹ.
Động thái khó lường của ông Trump
Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump đã trải qua nhiều biến động kể từ khi được đề xuất.
Cụ thể, vào ngày 2/4, ông Trump công bố áp dụng các mức thuế đối ứng cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, nhằm thúc đẩy đàm phán thương mại và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, vào ngày 9/4, ông Trump bất ngờ thông báo tạm dừng áp dụng thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ không trả đũa Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thương mại. Riêng đối với hàng hóa Trung Quốc, mức thuế đối ứng được tăng lên 125%, sau khi Trung Quốc đáp trả các biện pháp thuế quan trước đó của Mỹ.

Ông Trump công bố thuế đối ứng với các quốc gia. (Ảnh: Reuters)
Quyết định tạm dừng thuế đối ứng đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ, với chỉ số S&P 500 tăng hơn 8%, Dow Jones tăng 7,27% và Nasdaq Composite tăng 10,77%. Các cổ phiếu công nghệ lớn như Nvidia và Apple cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Thế nhưng, trong ngày 10/4, Mỹ tăng thuế đối ứng với hàng hóa Trung Quốc lên đến 145%, đẩy leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước và có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quốc gia và doanh nghiệp đang theo dõi sát sao diễn biến này và hy vọng các cuộc đàm phán sẽ đạt được kết quả tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Các chuyên gia cảnh báo
Lên tiếng về mức thuế quan Takahide Kiuchi, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Nomura, cho biết: "Thuế quan của Mỹ có nguy cơ phá hủy trật tự thương mại tự do toàn cầu mà chính Mỹ đã tiên phong kể từ Thế chiến II".
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, mô tả chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể là "nguồn cơn cho suy thoái kinh tế".
Bản thân chính quyền Tổng thống Trump cũng không loại trừ nguy cơ suy thoái kinh tế. Phát biểu tại Nhà Trắng vào đầu tháng này, ông Trump cho biết khả năng sẽ có "một chút xáo trộn" cần thiết để khôi phục nền sản xuất trong nước, tái lập các công việc sản xuất được trả lương cao.
Thuế quan có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế và việc làm vì thuế đánh vào hàng nhập khẩu có nguy cơ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ nước ngoài.
Trước mắt, trong những tháng tới, tác động đơn giản và rõ ràng nhất là tình trạng tăng giá làm giảm nhu cầu tiêu dùng do thuế mới áp lên hàng nghìn mặt hàng.

Thuế quan của ông Trump gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh: CNN)
Các chuyên gia dự đoán các nhà nhập khẩu sẽ chuyển một phần gánh nặng thuế quan cho người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá, điều này có thể khiến các công ty kém cạnh tranh hơn vì họ có thể phải vật lộn để giữ chân những khách hàng đang bị sốc giá.
"Nếu hiệu suất kinh doanh bị ảnh hưởng, các công ty có thể sẽ đóng băng hoặc giảm đầu tư, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế. Khi đầu tư kinh doanh giảm, điều đó có nguy cơ gây ra suy thoái", Anne Villamil, giáo sư kinh tế tại Đại học Iowa, cảnh báo.
"Tôi coi đây là xu hướng khiến kinh tế Mỹ và toàn cầu suy giảm, bất ổn và tiến tới điều mà chúng ta có thể gọi là suy thoái toàn cầu", Antonio Fatas, chuyên gia kinh tế vĩ mô tại trường kinh doanh INSEAD ở Pháp, nhận định.
Kara Reynolds, một nhà kinh tế tại Đại học American, cũng nhấn mạnh: "Nếu cả doanh nghiệp và người tiêu dùng bắt đầu lo lắng và cắt giảm chi tiêu, điều đó có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái".
Nếu thuế quan đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái, điều đó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến các nước đang phát triển, những nước có lợi ích gắn chặt với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tác động tới thị trường
Các doanh nghiệp Mỹ đã phải đối mặt với chi phí tăng cao do thuế nhập khẩu. Việc áp thuế 10% với toàn bộ đối tác thương mại từ ngày 5/4 khiến công ty gặp nhiều khó khăn, không thể chuyển sản xuất về Mỹ do chi phí nhân công cao và thiếu cơ sở hạ tầng.
Quyết định hoãn thuế đối ứng được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, với vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 6.000 tỷ USD kể từ khi công bố chính sách thuế quan mới. Bản thân ông Trump cũng thừa nhận sự biến động của thị trường tài chính là một phần lý do khiến ông thay đổi quyết định.
Dù vậy, trong khi tạm hoãn thuế đối với nhiều quốc gia, ông Trump lại tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 104% lên 145%. Quyết định này nhằm đáp trả việc Trung Quốc áp thuế 84% lên hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4.
Khi căng thẳng Mỹ - Trung tăng cao, thị trường thế giới cũng không nằm ngoài tác động. Đầu tiên, Mức thuế cao khiến các linh kiện và sản phẩm công nghệ bị áp thuế cao hơn khi nhập khẩu giữa hai nước, làm tăng chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp phải chịu chi phí cao hơn trong việc nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc vào Mỹ và ngược lại. Ví dụ, các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính, linh kiện điện tử và thiết bị gia dụng sẽ có giá cao hơn do chi phí thuế quan tăng lên.
Trong đó, ngay cả các công ty lớn như Apple và Dell phải chịu thêm chi phí trong việc sản xuất sản phẩm, bởi nhiều linh kiện của họ được sản xuất tại Trung Quốc. Mức thuế cao khiến các công ty này phải đối mặt với tình trạng giá thành sản phẩm cao hơn hoặc giảm lợi nhuận.
Ngoài ra, thuế quan đã tạo ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp công nghệ. Các doanh nghiệp phải thay đổi nhà cung cấp hoặc thậm chí dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác không bị áp thuế. Điều này gây ra sự xáo trộn trong các mối quan hệ kinh doanh lâu dài và yêu cầu điều chỉnh về cơ cấu chuỗi cung ứng.
Các công ty có thể chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác như Việt Nam, Ấn Độ hoặc Mexico, nơi có chi phí lao động thấp và không bị áp thuế cao. Tuy nhiên, việc chuyển dịch này tốn kém và mất thời gian, vì các công ty cần thiết lập lại cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng tại các địa điểm mới.
Mặt khác, các công ty Mỹ có thể gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Với mức thuế 84% áp dụng cho hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc, các sản phẩm như nông sản, ô tô và các sản phẩm công nghệ sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Trung Quốc, giảm sức mua và tác động tiêu cực đến doanh thu của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với mức giá cao hơn cho các sản phẩm, khi các công ty chuyển tải chi phí thuế quan vào giá bán. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và có thể làm giảm mức độ tiêu thụ của các sản phẩm công nghệ, ô tô, và các mặt hàng tiêu dùng khác.
https://vtcnews.vn/loat-rui-ro-kho-luong-tu-don-thue-quan-cua-ong-trump-ar936938.html