Qua kết quả kiểm tra trong năm 2019 cho thấy, ở Việt Nam mới ghi nhận chủng virus cúm gia cầm H5N6, H5N1 mà chưa ghi nhận chủng H7N9. Tỉnh Hồ Nam Trung Quốc đã bùng phát dịch cúm gia cầm trong bối cảnh dịch do virus corona đang diễn biến phức tạp.
Trung Quốc vừa công bố dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát tại tỉnh Hồ Nam, gần tâm dịch viêm phổi cấp do virus Corona Vũ Hán. Mối lo về sự kết hợp giữa virus cúm gia cầm và virus Corona đã hiện hữu. Đáng nói, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc có đàn gia cầm lớn, lại khá gần biên giới Việt Nam.
Thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm vào chiều nay, 3/2, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay trên thế giới đang ghi nhận dịch cúm gia cầm tại 11 quốc gia, vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Trung Quốc, Séc, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)…
Việt Nam hiện đang ghi nhận 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh
Còn tại Việt Nam cũng đang ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm chủng H5N6 tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Ổ dịch đã được kiểm soát kịp thời, lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh, đến nay không phát sinh thêm.
Theo ông Đông, vài năm trở lại đây, Việt Nam kiểm soát cúm gia cầm kiểm soát tốt, không xảy ra trên diện rộng. Trong đó, từ năm 2018 đến nay ghi nhận cho thấy, dịch cúm gia cầm H5N1 chủ yếu xuất hiện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; H5N6 thì phân bố rộng hơn, ghi nhận trên cả nước. Tuy nhiên, không có sự biến động lớn về chủng virus cúm. Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm gia cầm H7N9.
Cục Thú y nhìn nhận, trong thời gian tới, dịch cúm gia cầm có nguy cơ xảy ra trên diện rộng hơn do nhiều nguyên nhân như, tổng đàn gia cầm tăng cao, hiện đàn gia cầm có 467 triệu con; trong khi thời tiết bất lợi mà nhu cầu vận chuyển tăng cao…
Lãnh đạo Cục Thú y nhìn nhận, đến nay, các cơ sở pháp lý cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm cơ bản đã đầy đủ. Sáng nay, 3/2, Bộ NN&PTNT đã có Công điện khẩn, gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai đồng bộ tập trung các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm, đặc biệt tại các địa phương vùng biên giới.
Cục Thú y cũng liên tục chủ động lấy mẫu để giám sát virus cúm gia cầm tại các chợ gia cầm, các địa phương có nguy cơ cao, địa phương giáp biên giới. Năm 2019 đã thực hiện giám sát tại 26 tỉnh, thành trên cả nước, kết quả có 1,19% số mẫu dương tính với H5N1, 1,82% số mẫu dương tính vơi H5N6…
Cũng trong năm 2019, cả nước sử dụng tên 400 triệu liều vaccine cúm gia cầm, tỷ lệ đạt 80%, trong đó vaccine đã sản xuất trong nước là 200 triệu liều. Quý 1-2020 lượng vaccine gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng là 55 triệu liều, trong năm 2020 tổng lượng vaccine trong nước và nhập khẩu là trên 500 triệu liều.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo ngại, cúm gia cầm rất đáng lo ngại bởi trong đó có một số biến chủng lây sang người, gây tử vong cao. Trong khi đó, tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc đã bùng phát dịch cúm gia cầm, mà tỉnh này có tổng đàn gia cầm lớn, gần biên giới Việt Nam.
“Năm nay do nhuận hai tháng 4 nên dự báo, mưa phùn ẩm ướt sẽ kéo dài, mà đây lại là bạn đồng hành của cúm gia cầm. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm soát, không để gia cầm nhập lậu tràn vào trong nước.
Trong tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai một Hội nghị chuyên đề về dịch cúm gia cầm. Chúng ta không được chủ quan để dịch xâm nhập, nếu cùng lúc đối phó với 2 thảm họa dịch thì rất đáng ngại” - ông Cường nhận định.
Tuyết Nhung
Ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên xuất hiện ở Bến Tre
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra ổ dịch cúm gia cầm ... |
11 tỉnh, thành có ổ dịch cúm gia cầm, tiêu hủy trên 23.000 con
Từ đầu năm đến nay, bệnh cúm gia cầm (do các chủng virus A/H5N1 và A/H5N6) đã xảy ra tại 13 xã của 11 tỉnh, ... |
Hai người bị viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm
Đây là 2 ca nghi ngờ sau nhiều năm không phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A(H5N1). |