- Hơn 20 thành viên NATO chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng
- NATO "rục rịch" triển khai vũ khí hạt nhân, Nga phản ứng mạnh
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhiều khả năng sẽ trở thành người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kế nhiệm ông Jens Stoltenberg, đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS đưa tin ngày 18/6, sau khi các thành viên Hungary và Slovakia ủng hộ ông.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington, ông Stoltenberg không xác nhận, cũng không phủ nhận thông tin này.
“Với thông báo của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, tôi nghĩ rõ ràng là chúng tôi đã tiến rất gần đến kết luận chọn ra tổng thư ký tiếp theo và tôi nghĩ đó là tin tốt”, ông Stoltenberg cho biết, đồng thời, khen ngợi ông Rutte.
“Tôi nghĩ ông Mark là một ứng cử viên rất mạnh. Ông ấy có nhiều kinh nghiệm làm thủ tướng. Ông ấy là một người bạn thân và đồng nghiệp và do đó tôi thực sự tin rằng liên minh sẽ sớm quyết định người kế nhiệm tôi. Và điều đó sẽ tốt cho tất cả chúng ta, cho NATO và cho cả tôi nữa”, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.
Tổng thư ký tiếp theo của NATO sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự hỗ trợ của các đồng minh cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đồng thời đề phòng mọi sự leo thang có thể lôi kéo liên minh quân sự trực tiếp vào cuộc chiến này.
Trong hai năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự toàn diện tại Ukraine, ông Rutte là một trong người tiên phong thúc đẩy sự hỗ trợ quân sự của châu Âu cho Ukraine.
Dưới sự lãnh đạo gần đây của ông, Hà Lan đã tăng cường chi tiêu quốc phòng trên ngưỡng 2% GDP mà các thành viên NATO yêu cầu, cung cấp máy bay chiến đấu F-16, pháo, máy bay không người lái và đạn dược cho Kiev cũng như đầu tư mạnh vào quân đội của mình.
Vài giờ trước báo cáo của NOS, Hungary và Slovakia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc ứng cử ông Rutte, giải quyết một trở ngại quan trọng trên con đường đảm nhận vị trí lãnh đạo NATO của ông.
NATO đưa ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận nên bất kỳ ứng cử viên nào cũng cần có sự ủng hộ của tất cả 32 đồng minh. Chỉ có Romania, nơi Tổng thống Klaus Iohannis cũng đang tranh cử, vẫn chính thức phản đối việc ông Rutte ra ứng cử.