Lo dịch chồng dịch khi cúm A gia tăng bất thường

Theo các bác sĩ, cúm A đang có sự gia tăng bất thường tại miền Bắc, cộng với dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh và COVID-19 tăng số ca mắc, lo ngại dịch chồng dịch trong thời gian tới. Tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội đã tiếp nhận bệnh nhân mắc cúm A nhập viện gia tăng, trong đó có bệnh nhi mắc cúm A/H5N1 rất nặng phải chạy ECMO.

Nhiều ca cúm A nặng nhập viện

Gia đình chị Đặng Bích Nga (Thanh Trì, Hà Nội) mấy hôm nay tất bật vì 2 con đều mắc cúm A. "Cháu sốt cao liên tục, đau mỏi người, ăn vào là nôn, khi đưa đến viện, làm xét nghiệm cháu bị cúm A. Do bệnh viện đông nên bác sĩ cho cháu về điều trị ngoại trú, có bất thường là vào viện ngay".

IMG_9560-1658022252900
Khi trẻ sốt cao, nôn, mệt mỏi, phụ huynh cần cho con đi thăm khám ngay.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho nhiều trẻ mắc cúm A nặng phải nhập viện. Điển hình là bệnh nhi ở Nghệ An mắc cúm A/H5N1 rất nặng đang phải chạy ECMO. Theo gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó trẻ sốt cao nhiều ngày, đã điều trị ở tuyến dưới 7 ngày nhưng không thuyên giảm mà càng sốt cao, ho. Bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng và tổn thương phổi nặng nề. Khi xác định bệnh nhi mắc cúm A/H5N1 gia đình cho biết, trước đó bệnh nhân không có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.

Theo PGS.TS Tạ Tuấn Anh, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi bị tổn thương phổi rất nặng, đã phải điều trị ECMO, nhưng tình trạng chung rất nặng nề, các chỉ số chức năng sống vẫn được duy trì, nhưng tổn thương phổi hồi phục rất chậm. 

Tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhi mắc cúm A, tăng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Có bệnh nhi sốt cao, nôn, tụt huyết áp, gia đình đưa đi cấp cứu thì mới biết con mắc cúm A. TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội của Trung tâm cho biết: Chúng tôi ghi nhận một số trường hợp sau mắc cúm A từ 3-5 ngày có viêm não. Có bệnh nhi lúc đầu mắc cúm, sau vài ngày là viêm phổi do vi khuẩn.

Tương tự, tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong một vài tuần lại đây ghi nhận số ca vào nhập viện tăng bất thường so cùng thời điểm các năm trước, chiếm tỷ lệ 1/4 -1/5 trên tổng số ca nhi vào khám mỗi ngày. BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi cho biết, con số này tăng so với cùng thời điểm các năm trước, trong khi mùa hè không phải là thời điểm dịch cúm mùa bùng phát. Thường vào mùa hè bệnh cúm mùa hiếm xuất hiện. Loại virus này phát triển mạnh vào mùa đông, xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm, nhưng năm nay mùa hè lại gia tăng, nên đây là điều bất thường.

Không chỉ trẻ em, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận nhiều ca mắc cúm A là người lớn, có trường hợp vào nhập viện bị viêm phổi, suy hô hấp. Theo BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn nhận định: "Các năm trước, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trước, sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay chúng tôi ghi nhận sự trái ngược. Cá biệt có trường hợp thấy sốt không hạ lại tưởng bị tái nhiễm COVID-19, đến khi mệt lả, gia đình đưa đến viện xét nghiệm mới biết mắc cúm A".

Theo BS Hường, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa. Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như: H1N1, H5N1, H7N9... Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A là viêm họng nhẹ, hắt hơi, ho, nghẹt mũi kéo dài vài ngày... nghiêm trọng thì có thể gây tức ngực, khó chịu và hay xuất hiện ho khan; biến chứng nặng và nguy hiểm thường gặp ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp.

Lo ngại sốt xuất huyết tăng ca mắc và tử vong

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 12/7, cả nước đã có 103.000 ca sốt xuất huyết với 37 ca tử vong. Số mắc mới tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. TP Hồ Chí Minh đang đứng đầu số ca mắc sốt xuất huyết và đang tiếp tục báo động khi số ca mắc, ca bệnh nặng và tử vong chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận hơn 26.000 người tới khám sốt xuất huyết, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hơn một nửa phải nhập viện điều trị. Số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình 5 năm trước. Hiện, các bệnh viện trên địa bàn TP đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân. Nhiều bệnh viện tuyến cuối đã quá tải, phải kê thêm giường ở hành lang vì bệnh nhân nặng dồn dập nhập viện. TP đã xây dựng phương án ứng phó cho tình huống xấu nhất khi số ca sốt xuất huyết lên tới 6.000, nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.

Tại nhiều tỉnh, thành phía Nam như Bình Dương, An Giang… cũng ghi nhận hàng nghìn ca mắc. Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh năm nay thuộc type huyết thanh D1 như năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây bắt đầu có sự gia tăng chủng D2. Theo quy luật, khi có xuất hiện trở lại của một type huyết thanh, số ca mắc mới sẽ có tăng cao, tương ứng số ca nặng, số tử vong tăng.

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay ghi nhận gần 260 ca mắc sốt xuất huyết nhưng không có trường hợp tử vong. Tại các bệnh viện Bạch Mai, Nhi Trung ương, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Thanh Nhàn... đã tiếp nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến trong tình trạng nặng... Đặc biệt là các ca có tiền sử dịch tễ đi từ các tỉnh phía Nam về, mắc sốt xuất huyết có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao, xuất huyết não…

Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết của Bộ Y tế thời gian qua, còn tồn tại một số vấn đề như: Còn nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) ở các hộ gia đình không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Bộ Y tế khuyến cáo, cúm A là bệnh rất dễ lây lan, ai cũng có thể mắc, nhất là nơi tập trung đông người, vì vậy người dân nên tiêm vaccine để phòng bệnh. Còn sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh, nên mỗi gia đình phải tự phòng tránh bằng cách phun hóa chất diệt muỗi, diệt loăng quăng, đi ngủ mắc màn… để phòng tránh muỗi đốt lây bệnh.

Trần Hằng / CAND