Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh cúm có thể bùng phát ngay trong dịp Tết nguyên đán và kéo dài trong những tháng đầu năm mới
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND, sở y tế các tỉnh, thành tăng cường phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội năm 2018.
Nhiều ổ dịch mới
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết khuyến cáo trên xuất phát từ những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, các dịch bệnh mới nổi như Mers - CoV tiếp tục ghi nhận ở khu vực Trung Đông hay bệnh cúm A/H7N9 vẫn xảy ra ở Trung Quốc. Trong khi đó, tại Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 vẫn tiếp tục xảy ra trên gia cầm ở nhiều khu vực và có nguy cơ lây truyền sang người.
Cũng theo ông Phu, cách đây ít ngày, ổ dịch cúm gia cầm đã được phát hiện tại trang trại của một gia đình ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đã có gần 200 trong tổng số gần 800 con gia cầm tại trang trại này bệnh chết từ ngày 17 đến 19-1. Theo chủ hộ, đàn gia cầm chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân sử dụng gia cầm sạch để đề phòng dịch bệnh
Trong khi đó, theo cảnh báo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại virus cúm A/H7N9 và các chủng virus độc lực cao khác như A/H5N2, A/H5N8… chưa từng xuất hiện ở Việt Nam nhưng đang có nguy cơ xâm nhập nước ta. Con đường lây truyền chính là từ việc nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Do đó, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần chủ động trong công tác phòng chống cúm gia cầm, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Bộ Y tế khuyến cáo tình hình dịch bệnh có thể bùng phát ngay trong dịp Tết nguyên đán 2018 và kéo dài trong những tháng đầu năm mới. Theo Bộ Y tế, diễn biến dịch bệnh sẽ rất phức tạp do thời tiết bước vào mùa đông xuân; thời điểm trước, trong và sau Tết sử dụng nhiều thực phẩm và giao lưu, đi lại của người dân cao làm tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người, sởi, ho gà, thủy đậu, các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.
Khó đoán
PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nhận định thời tiết lạnh, ẩm đang tạo điều kiện cho các loại virus cúm phát triển. Ghi nhận tại một số cơ sở y tế đã xuất hiện nhiều bệnh nhân bị virus cúm mùa như H1N1, H3N2 nhưng triệu chứng lâm sàng rất nặng.
Theo các chuyên gia y tế, cho đến thời điểm này, chủng virus cúm A/H7N9 đang là một trong những mối đe dọa lớn. Dịch cúm A/H7N9 ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc đến nay vẫn chưa khống chế được. Năm 2017, cúm A/H7N9 bùng phát mạnh tại quốc gia này, trong đó có 2 tỉnh giáp Việt Nam với đường biên giới khá dài và khiến gần 100 ca tử vong. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo chủng virus cúm A/H7N9 đã biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao trên cả gia cầm và người, có thể gây chết 100% lượng gia cầm mắc phải và khả năng lây truyền nhanh gấp 100 - 1.000 lần so với virus cúm độc lực thấp. Người mắc cúm này có thể bị phù, suy tim, suy gan nặng, hôn mê, tử vong.
Các chuyên gia dịch tễ đánh giá diễn biến của dịch cúm rất khó dự đoán bởi các chủng cúm có độc lực khác nhau, lúc mạnh lúc yếu. Chẳng hạn, cúm A/H1N1 lúc đầu tưởng nguy hiểm nhưng thực tế tỉ lệ tử vong thấp, chỉ có 0,09%. Trong khi đó, cúm H5N1 có tỉ lệ tử vong lên đến 70%-90%, có thời điểm là 100% hay cúm H7N9 tỉ lệ tử vong cũng lên tới 50%-60%.
"Từ trước đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm, do đó Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh cúm mùa trước tình trạng gia tăng các ca bệnh ngay đầu năm 2018" - ông Trần Đắc Phu cảnh báo.
Cúm mùa A/H3N2 "hồi sinh" Theo Cục Y tế dự phòng, hiện tại, dịch cúm A/H3N2 đang bùng phát dữ dội ở nhiều nơi trên thế giới như Úc, Anh, Mỹ, Hồng Kông... Số nạn nhân tử vong vì mắc loại cúm mùa này rất đáng báo động. Riêng ở Anh, theo số liệu của Tổ chức Y tế công nước Anh, mùa cúm năm 2018 mới bắt đầu đã có hơn 400 trường hợp mắc. Theo ước tính của WHO, mỗi năm có khoảng 5% - 10% người lớn trưởng thành và 20% - 30% trẻ em mắc cúm trên thế giới. Trong đó có khoảng 3 - 5 triệu trường hợp nặng và khoảng 250.000 - 500.000 người tử vong. Tại Việt Nam, hằng năm ghi nhận khoảng 1,5 - 1,8 triệu ca mắc cúm thường. Các ca mắc có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân. |
Thủy đậu đang vào mùa
Khả năng lây lan rất cao, thủy đậu dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không được phát hiện sớm để điều trị ... |
70% bệnh truyền nhiễm mới nổi là do lây truyền từ động vật
Việt Nam được xác định là một trong những điểm nóng toàn cầu có nguy cơ cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền ... |