Nhiều tỉnh thành cho tạo hình linh vật rồng để trang hoàng nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, vậy theo bạn linh vật rồng ở nơi nào đẹp nhất?
Cuối tháng 1/2024, cụm linh vật Rồng với chủ đề "Tự hào cha rồng mẹ tiên" ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được trình làng. Theo UBND Bình Định, cụm linh vật lấy cảm hứng từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tác phẩm dài hơn 18m, cao hơn 7m, màu sắc chủ đạo là vàng đồng, đầu quay về hướng Tây với ý nghĩa "cha Rồng trông non". Hai rồng phụ có phần đầu dài 16m, quay về hướng Đông tượng trưng "mẹ Tiên trông biển". (Ảnh: Mục Thần)
Linh vật Rồng ở Phú Yên nhập cuộc ‘tỉ thí’ rồng xuân cả nước. Rồng Phú Yên có vảy vàng, cầm ngọc đỏ, mình cao lớn, đầu quay về hướng Đông - nơi có lộc đầy, thế nước sẽ sinh ra của cải, mang tài lộc đồi dào. (Ảnh: Minh Minh)
Linh vật rồng của nghệ nhân Đinh Văn Tâm được lắp đặt tại Công viên trung tâm thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị - cao khoảng 4,5m với thân uốn lượn dài 7m, tổng trọng lượng khoảng 500kg. Nghệ nhân Đinh Văn Tâm chia sẻ, tượng linh vật rồng được đặt chế tác theo ý tưởng rồng đáp xuống ngọn núi đá. (Ảnh: Huy Võ)
Linh vật rồng Quảng Nam cao 4m, dài 11m. Phần đầu của linh vật toát lên vẻ uy quyền, dũng mãnh, phần thân được tỉa những bộ vảy lớn, phần vây, đuôi được thể hiện khá bắt mắt. Phần chân rồng cũng được thiết kế tinh xảo với móng vuốt và vảy nổi lên.
Ngày 31/1, hai linh vật rồng được tạo hình bằng những chiếc lu và gốm xuất hiện ở phường Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chiều dài mỗi còn 29m. Những chiếc lu và mảnh gốm tạo nên rồng Bình Dương có xuất xứ từ Đại Hưng - một lò gốm hàng trăm năm tuổi ở Bình Dương), được các nghệ nhân ở đây sáng tạo và lắp ghép. Theo các nghệ nhân, những chiếc lu làm thân cho linh vật rồng được nặn bằng tay, tạo hoa văn đắp nổi hình rồng. Sau đó, lu được nung bằng củi và sơn màu cổ điển. Vẩy rồng, râu rồng được khéo léo nặn đắp bằng đất và nung chín. (Ảnh: Tâm Trí Nguyễn)
Linh vật rồng ở Phú Thọ năm nay đặt tại quảng trường Hùng Vương, được dân mạng đua nhau chia sẻ ngay từ ngày đầu ra mắt, trái ngược hoàn toàn với linh vật hổ gầy nhom, tiều tụy của địa phương này 2 năm trước. Rồng được thiết kế màu vàng bắt mắt, thể hiện sự uy nghiêm, mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được những nét mềm mại. (Ảnh: Thông tin Phú Thọ 24h)
Ngay cổng vào của đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) là hai linh vật rồng lớn với tên gọi "Lưỡng Long triều liên" (đôi rồng chầu sen). Mỗi linh vật rồng dài khoảng 120m, lập kỷ lục về kích thước các linh vật xuất hiện trên đường hoa 21 năm qua. Thân rồng nhiều màu sắc rực rỡ, đan chéo vào nhau cao hơn 10m, tạo mái trần. Hai đầu rồng mang dáng vẻ uy nghi, kích thước vòng đầu khoảng 2m, cao hơn 3m so với mặt đất. Miệng rồng ngậm ngọc đường kính 50cm, bên trong chứa đèn thắp sáng. Bên trong cổ có lắp giàn âm thanh, bánh răng cửa để phát ra tiếng động và lắc lư chào du khách. Toàn thân rồng làm bằng kim loại phủ đèn Led. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Linh vật rồng đặt ở Quảng trường Hồ Chí Minh (tại TP Vinh, Nghệ An) có chiều dài 30m, cao khoảng 5m và nặng hơn 2 tấn được các công nhân chế tạo hoàn thiện trong vòng 15 ngày. Cấu tạo linh vật được làm bằng khung sắt, bên ngoài bọc vải, bên trong lắp đặt hệ thống đèn led có thể phát sáng trong đêm. Linh vật rồng này lấy ý tưởng từ hình ảnh rồng ngậm ngọc cuộn tròn, ẩn mình trong mây.
Những linh vật rồng được tạo hình từ cây dương ở đường Võ Nguyên Giáp (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) gây nhiều ý kiến tranh cãi. (Ảnh: Hùng Trần)
Bốn linh vật rồng ở xã Tiên Trang (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh: Ngô Nhung)
Linh vật rồng bên bờ sông Hương, TP. Huế được thiết kế giống với rồng thời Nguyễn, là sự tổng hòa của hình tượng rồng lớn kết hợp tạo hình trăm hoa đua nở của vùng đất Cố đô. Linh vật rồng dài gần 40 m được chế tác từ khung sắt, vải và xốp; các họa tiết đầu, sừng, vảy rồng được chế tác tinh xảo.
Linh vật rồng tại công viên Ba Tơ (Quảng Ngãi). Rồng chính kết hợp với hai linh vật rồng 3D trước cổng tạo nên không gian đẹp mắt
Sau nhiều ngày chờ đợi, bộ đôi linh vật rồng của tỉnh Gia Lai đã xuất hiện và được đặt trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn kết (TP Pleiku). Đây là 2 linh vật nằm trong dự án Đường hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của TP Pleiku (tỉnh Gia Lai). Mỗi linh vật rồng cao 7 mét, thân ngang 1,5 mét. Các linh vật và tiểu cảnh được sắp đặt đan xen cùng hơn 2.000 chậu hoa với 15 loại hoa, lá, cây cảnh các loại.
Linh vật rồng tại đường hoa Nguyễn Văn Trị (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Phía trước đường hoa Nguyễn Văn Trị là linh vật Rồng màu vàng độc đáo nhắc nhở mọi người ngày Tết là để trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Tại khu tiểu cảnh 'Con Rồng Cháu Tiên', xuất hiện hình ảnh linh vật rồng trong truyền thuyết, nhắc nhở chúng ta về tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. (Ảnh: Vietnamnet)
Hình ảnh Long trụ (linh vật rồng) tại con đường gốm và hoa dài nhất Việt Nam do tỉnh Vĩnh Long thực hiện. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)
Hình ảnh rồng ở TP Cần Thơ có chiều dài 16m, cao 5m, ước tính nặng gần 3 tấn. Linh vật rồng Giáp Thìn được lên ý tưởng thiết kế và thi công hơn 3 tháng để hoàn thành. Linh vật rồng có chiều dài 16m, cao 5m, ước tính nặng gần 3 tấn. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
https://vtc.vn/linh-vat-rong-tinh-thanh-nao-dep-nhat-tet-giap-thin-2024-ar852457.html