Nhận giấy báo tử từ năm 1979, người thân đinh ninh ông Bình hy sinh ở Campuchia. Bất ngờ đầu tháng 11, ông trở về quê hương Hà Tĩnh.
Hai hôm nay, gia đình ông Phạm Trung Hiếu (53 tuổi, trú xã Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đông vui hơn thường lệ bởi mọi người đến chúc mừng ông được đoàn tụ với chú là Phạm Văn Bình (64 tuổi) sau 39 năm thất lạc.
"Tôi xúc động không nói nên lời, cứ ôm lấy chú khóc. Hơn 50 tuổi, tôi cứ nghĩ sẽ chỉ có cuộc hội ngộ này trong mơ, không ngờ là sự thật", ông Hiếu chia sẻ.
Ông Bình kể lại những năm tháng thất lạc người thân. Ảnh: Đức Hùng
Đứng bên bàn thờ được người thân lập cho mình, ông Bình lấy tay lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má. Là con út trong gia đình có hai anh em, năm 23 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, hứa lúc nào hoàn thành nhiệm vụ sẽ trở về cưới vợ, phụng dưỡng bố mẹ.
Ban đầu, ông Bình thuộc quân số của Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, đóng tại biên giới thuộc huyện Hà Tiên (Kiên Giang). Tháng 12/1977, ông tham gia chiến đấu tại tỉnh Kamphong Thom (Campuchia), được phân vào đơn vị thông tin Quân đoàn 8, thuộc Quân khu 9.
"Đầu năm 1979, trên đường đưa thông tin liên lạc, tôi bị phục kích khiến ngất xỉu, được người dân làm nghề rừng ở huyện Baray (tỉnh Kamphong Thom) cứu sống, cưu mang. Tôi bị mất một phần trí nhớ, toàn bộ giấy tờ tùy thân bị mất, việc liên lạc với người thân, đồng đội và đơn vị là không thể", ông Bình kể.
Ngày 21/9/1979, gia đình nhận tin ông Bình hy sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tin. Thời gian sau, giấy báo tử được gửi về, ông Bình được lập bàn thờ vọng cúng giỗ hàng năm.
Ở Campuchia, ông Bình dần bình phục sau thời gian chữa trị. Học cách thích nghi với cuộc sống mới, ông đi phụ hồ, làm rẫy thuê để kiếm tiền nuôi bản thân. Đầu năm 2004, ông quen và lấy một phụ nữ người Campuchia, hiện có một con gái 10 tuổi.
"Vợ chồng tôi sống trong bản. Quãng thời gian đầu cực kỳ khó khăn, bởi đời sống thấp, điện không, chỉ có nước mưa. Nhiều đêm nằm ngủ, tôi tâm sự với vợ muốn trở về quê thăm lại mọi người, nhưng phần vì mất trí nhớ và không biết đường về nên dự định dang dở", ông Bình nói.
Ông Phạm Trung Hiếu chia sẻ, hồi ông bà còn sống thường xuyên nhờ người tìm kiếm thông tin về chú, song không được nên rất buồn. Ông Hiếu tiếp bước, kiên trì tìm kiếm hàng chục năm nay. Hy vọng được nhen nhóm vào đầu tháng 10 khi một người đang làm giám đốc nông trường cao su ở Campuchia đăng thông tin ông Bình lên Facebook nhờ tìm người thân.
"Tôi gọi vào số điện thoại của người đăng tin, đầu dây bên kia trả lời chú tôi đang làm công nhân ở đó. Cả gia đình vô cùng vui mừng, làm thủ tục sang Campuchia đón chú về nhà. Ngày chú đi bộ đội tôi mới 12 tuổi, song khi gặp lại chú nhận ra ngay, cả hai ôm chặt nhau khóc như một đứa trẻ", ông Hiếu kể.
Ông Bình tâm sự với những người bạn thuở thiếu thời. Ảnh: Đức Hùng
Sáng hôm qua, được nhiều người dân đến chúc mừng, ông Bình cứ khóc rồi lại cười vì sung sướng khi nhận ra những người bạn từ thuở thiếu thời. Ông bảo thấy như được tái sinh lần hai.
"Tôi muốn ở lại quê nhà chăm lo hương khói cho bố mẹ và anh trai. Sắp tới tôi sẽ sắp xếp thời gian, đón vợ con về lại Việt Nam", ông Bình tâm sự.
Ông Phạm Văn Trung, Xã đội trưởng xã Kỳ Sơn cho biết, qua xác minh các loại giấy tờ mà người thân lưu giữ suốt gần 40 năm qua, nhà chức trách thấy trùng khớp. "Chúng tôi đang phối hợp để làm giấy tờ tùy thân cho ông Bình, tham mưu cho cấp trên để có những chỉ đạo tiếp theo", ông Trung thông tin.
Điện Biên còn trên 5.200 phần mộ liệt sĩ không có thông tin Theo Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh Điện Biên, chỉ có hơn 1.300 phần mộ có thông tin, vẫn còn trên 5.200 phần mộ liệt sĩ ... |
Mạo nhận “anh trai liệt sĩ” để trục lợi tiền chế độ thờ cúng Ông Đặng Đình Hùng- trú xã Xuân Tường (Thanh Chương- Nghệ An) đã mạo nhận là anh trai liệt sĩ Đặng Bá Đồng để hưởng ... |
Đồng Nai truy điệu 13 liệt sĩ trong hố chôn tập thể Các liệt sĩ được phát hiện trong hố chôn tập thể hai tháng trước, trong đó có hai người được thân nhân nhận ra qua ... |