Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam sắp ra mắt: Vẫn cần bước đi thận trọng

Dự kiến, vào ngày 30/5 này, Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội, đánh dấu sự phát triển của một môn thể thao còn non trẻ tại Việt Nam. Sau khi ra mắt, để võ thuật tổng hợp (còn được biết đến với tên gọi tắt là MMA) phát triển chính quy, bài bản, chuyên nghiệp và đúng định hướng cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Tiền đề để phát triển

Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) kể rằng, với những gì ông được biết, tại Việt Nam, đã có rất nhiều người tập luyện MMA từ quãng năm 2005-2006 và đến nay, số người quan tâm, tập luyện MMA ngày càng gia tăng.

Điều này phần nào được lý giải qua con số thành viên trên mạng xã hội của cộng đồng võ thuật tổng hợp tại Việt Nam. Như trang mạng xã hội Facebook về võ thuật tổng hợp nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay là Cộng đồng MMA Việt Nam, giai đoạn 2014-2015 mới có khoảng 2.000-3.000 thành viên thì đến nay, đã có 33.000 thành viên.

lien doan vo thuat tong hop viet nam sap ra mat van can buoc di than trong
Câu lạc bộ MMA Hà Đông đã sẵn sàng dự những giải võ thuật tổng hợp chính thống sau khi Liên đoàn võ thuật tổng hợp Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

Còn Huấn luyện viên Đào Việt Lập, từng Vô địch thế giới môn Tán thủ (đối kháng, wushu) cách đây hơn 20 năm, đã tham gia tư vấn chuyên môn cho một số câu lạc bộ võ thuật tổng hợp trong đó có Dragon MMA, giải thích, võ thuật tổng hợp là môn thể thao mang tính đối kháng toàn diện, cho phép võ sĩ đấm, đá, vật. Mục đích của môn võ này là tìm ra kỹ năng chiến đấu hoàn hảo nhất từ những môn võ khác nhau trên thế giới. Thế nên, trong các cuộc đấu võ thuật tổng hợp, người ta mới thấy bóng dáng của đấu vật, quyền Anh, judo, karatedo, taekwondo, jujitsu, wushu… Đây cũng là lý do khiến nhiều người, nhất là giới trẻ tìm đến với môn võ này.

Trong khi đó, Lê Giang, từng theo tập Tán thủ (wushu), boxing nhưng đến gần đây cũng tìm đến võ thuật tổng hợp tại CLB Dragon MMA. Anh kể, đa số bạn tập của anh biết đến môn võ này từ những giải võ thuật tổng hợp trên truyền hình, trong đó nổi bật nhất là hệ thống giải UFC. Còn ở câu lạc bộ võ thuật tổng hợp Vietnam Top Team, nhà vô địch Jujitsu quốc gia 2019 Nguyễn Cát Tùng cũng đang làm quen với võ thuật tổng hợp. Võ sĩ này kể rằng, từng tham gia thi đấu ở cả Boxing và Jiujitsu, những môn võ tạo nền tảng rất tốt để thi đấu võ thuật tổng hợp.

Hiện tại, ở Hà Nội, một số câu lạc bộ võ thuật tổng hợp hoạt động khá hiệu quả như Vietnam Top Team, MMA Hà Đông, Dragon MMA… Ngoài ra, còn nhiều câu lạc bộ võ thuật tổng hợp khác ở TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa…

Đón bắt cơ hội mới nhưng phải thận trọng

Với những người tập võ thuật tổng hợp, việc Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam ra đời sẽ mang đến cơ hội cho họ được thể hiện tài năng ở những sân chơi chính thống. Đấy là điều được họ mong đợi đã lâu.

Cách đây hơn 1 năm, Lê Giang đã thổ lộ với người viết: “Chúng em cũng muốn có sân chơi chính thống của võ thuật tổng hợp Việt Nam nhưng phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan trong đó quan trọng nhất là phải có tổ chức xã hội nghề nghiệp của môn này, được cơ quan quản lý nhà nước công nhận. Thực tế, cũng có một số giải đấu được tổ chức với tên gọi khác nhưng thi đấu với kỹ thuật của võ thuật tổng hợp. Chúng em lại không muốn tham gia những giải đấu không đạt đủ điều kiện như vậy”.

Còn đến lúc này, Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam sắp tổ chức Đại hội đại biểu và ra mắt. Điều này cũng phù hợp thực tế như chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Hoàng Quốc Vinh: “Việc thành lập Liên đoàn Võ tổng hợp tại Việt Nam ở thời điểm này là cần thiết và rất phù hợp. Trên thế giới, châu Á và Đông Nam Á, nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines đều đã có Liên đoàn Võ thuật tổng hợp và tổ chức những giải đấu thành công. Việc ra đời Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam cũng là cách hòa nhập thực sự vào sự phát triển võ thuật tổng hợp của thế giới, châu lục và khu vực Đông Nam Á”.

Vấn đề là sau khi Liên đoàn ra mắt thì định hướng hoạt động sẽ ra sao. Rõ nhất là việc tổ chức những giải đấu. Hai nhà cựu vô địch thế giới Tán thủ (wushu) Mai Thanh Ba, Đào Việt Lập – những người đang tích cực phát triển võ thuật tổng hợp ở Hà Nội, đều tin rằng các giải đấu này sẽ thu hút người xem cũng như người chơi vì đan xen cả tính giải trí cũng như nhiều hoạt động bên lề.

Vấn đề là luật chơi sẽ phải phù hợp với môi trường văn hóa Việt Nam, trong đó hướng đến sự bảo vệ người chơi nhiều hơn, thậm chí hạn chế những đòn đánh tạo cảm giác có thể gây sát thương cho đối thủ. Hình ảnh võ sỹ thi đấu võ thuật tổng hợp bị chấn thương đổ máu trên mặt hoặc bị khóa siết trên sàn đấu cũng làm nhiều người nghi ngại về sự phát triển rộng rãi của môn võ này. “Ở đây, chuyên môn, năng lực trọng tài và các nhà tổ chức đóng vai trò rất quan trọng” cựu võ sĩ Mai Thanh Ba – người tích cực tham gia vận động thành lập Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam, nhìn nhận.

Còn ông Hoàng Quốc Vinh cũng cho rằng, Liên đoàn sẽ phải xây dựng lộ trình phát triển từng bước một cách khoa học, logic thì mới phát triển đúng hướng và hiệu quả.

Rõ ràng, sự phát triển của võ thuật tổng hợp tại Việt Nam dù đang thu hút sự quan tâm của nhiều người và giới truyền thông cũng cần đến những bước đi thận trọng. Quan trọng là không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của người xem, nhu cầu thử sức của những người tập luyện môn võ này mà còn cần mang đến sự cảm nhận tinh thần thượng võ trong cách thi đấu, phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Có nhiều việc phải làm

Dưới góc độ của đơn vị quản lý nhà nước, theo ông Hoàng Quốc Vinh, sau khi thành lập, Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam sẽ có rất nhiều việc phải làm, mà trước tiên phải phát triển hệ thống Luật thi đấu và phổ biến rộng rãi, rồi phát triển lực lượng HLV, trọng tài.

Bên cạnh đó là bồi dưỡng về kỹ thuật để những người tập luyện tham gia thi đấu có thể tập luyện theo đúng luật và kỹ thuật quy định. Ngoài ra, việc tổ chức hệ thống giải thi đấu trong nước và tham gia các giải quốc tế cũng phải là mối quan tâm hàng đầu của Liên đoàn.

(Minh Khuê)

Minh Hà

lien doan vo thuat tong hop viet nam sap ra mat van can buoc di than trong Huyền thoại võ Việt: Anh hùng tay không đánh chết hai hổ dữ

Việt Nam cũng có những người anh hùng tay không đánh hổ dữ chẳng thua kém gì “Võ Tòng đã hổ” của Trung Quốc. Thậm ...

lien doan vo thuat tong hop viet nam sap ra mat van can buoc di than trong Phó Ban chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội: "Gọi Nguyễn Xuân Vinh là võ sư tức là xúc phạm chúng tôi’

Võ sư Đinh Trọng Thủy cho rằng, gọi Nguyễn Xuân Vinh - kẻ đánh đập vợ dã man là võ sư sẽ xúc phạm những ...

/ cand.com.vn