"Lấy danh nghĩa người nhà" - phim gia đình gây sốt

"Lấy danh nghĩa người nhà" xoay quanh cuộc sống gia đình của hai ông bố và ba đứa trẻ không cùng huyết thống.

Tác phẩm của đạo diễn Đinh Tử Quang lấy bối cảnh Trung Quốc những năm 1990, lên sóng từ ngày 10/8, hiện chiếu đến tập 10. Trên Douban, phim được chấm điểm 8,6 trên thang 10 với 47,4% khán giả đánh giá 5 sao, 40,2% đánh giá 4 sao. Tác phẩm vào top 10 phim truyền hình có lượt truy cập cao nhất Baidu. Các diễn viên, tình tiết cùng loạt chủ đề liên quan phim thu hút hàng trăm triệu lượt theo dõi, bình luận.

Lấy danh nghĩa người nhà xoay quanh cuộc sống của gia đình có năm thành viên gồm hai ông bố và ba đứa con - hai trai, một gái - không cùng huyết thống. Họ yêu thương, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau.

Người nhà không cùng huyết thống là yếu tố thu hút khán giả, theo China News. Bộ phim phá vỡ định nghĩa gia đình truyền thống, đề cao sự quan tâm, gắn bó giữa các thành viên dưới một mái nhà.

Lý Tiêm Tiêm (Đàm Tùng Vận) là con gái duy nhất trong nhà, được bố và hai anh chiều chuộng, chăm sóc hết mực. Cô thích đồ ngọt, có tài năng hội họa, tính cách lạc quan, vui vẻ và có trái tim nhân hậu. Lăng Tiêu (Tống Uy Long) - anh cả trong nhà, lạnh lùng, ít nói. Thời nhỏ, Lăng Tiêu trầm cảm vì bị ám ảnh tâm lý khi vô tình gây ra cái chết của em gái. Sau khi mẹ bỏ đi, anh và cha chung sống với gia đình Lý Tiêm Tiêm.

Hạ Tử Thu (Trương Tân Thành), anh nhỏ chăm chỉ và tốt bụng. Ngay từ khi sinh ra, Tử Thu đã bị cha bỏ rơi. Mẹ anh sau đó cũng để con lại cho Lý Hải Triều - đối tượng xem mắt - rồi bỏ đi. Tử Thu luôn được mọi người xung nhắc nhở mình là người "ăn nhờ ở đậu" nên phải chăm chỉ làm việc, nhường nhịn em gái.

Dưới sự chăm sóc của hai người cha Lý Hải Triều (Đồ Tùng Nham đóng) và Lăng Hòa Bình (Trương Hi Lâm), ba đứa trẻ lớn lên trong hạnh phúc, luôn yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau.

1304 10
Dàn diễn viên chính của phim. Từ trái qua: cha Lý (Đồ Tùng Nham), Tử Thu (Trương Tân Thành), Lăng Tiêu (Tống Uy Long), cha Lăng (Trương Hi Lâm) và ở giữa là Lý Tiêu Tiêm (Đàm Tùng Vận). Ảnh: Weibo.

Dương Tĩnh Bình - chuyên gia tâm lý tại Nam Kinh - nhận xét phim khắc họa rõ nét yếu tố cần thiết để phát triển con cái - sự an toàn, tình thân quan trọng hơn cả huyết thống, theo Sohu. Ông nói: "Lý Tiêm Tiêm vui vẻ, lạc quan dù thiếu vắng mẹ từ nhỏ, Hạ Tử Thu hạnh phúc trong gia đình không có ai cùng huyết thống với mình. Nhờ cô em gái và ông bố hàng xóm mà Lăng Tiêu thoát khỏi trầm cảm. Những tình tiết phim nhẹ nhàng, đơn giản nhưng khiến ai cũng phải mỉm cười và suy ngẫm".

Trong phim, nhân vật Lý Tiêm Tiêm nói: "Người có máu mủ chưa chắc đã thành người nhà, nhưng những người trân trọng nhau, yêu thương nhau thì nhất định có thể".

Phim cũng tái hiện một gia đình thu nhỏ của xã hội hiện đại, mối quan hệ cha mẹ, con cái, những nỗi lo học hành, cơm áo gạo tiền. Các tình huống, giao tiếp đời thường giữa các nhân vật khiến khán giả khóc, cười như: Tiêm Tiêm thông báo có kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong đời, cha Lý lo lắng trước kỳ thi của hai con trai, Tử Thu bị nhắc nhở không phải là con ruột... Trên Weibo, nhiều khán giả nói phim mang màu sắc giống tác phẩm Reply 1988 của Hàn Quốc.

Ngoài ra, phim lột tả "sự đau khổ mang tên ràng buộc huyết thống", theo Sohu. Nếu cha Lý hết lòng yêu thương, chăm sóc những đứa trẻ không phải con mình, những người thân thực sự lại nhiều lần khiến chúng phải đau khổ. Mẹ Lăng Tiêu bỏ đi hơn chục năm đột ngột quay về, ép con trai nhận mình và bắt phải đối xử tốt với em gái cùng mẹ khác cha. Mẹ Hạ Tử Thu sẵn sàng vứt bỏ con trai cho một người xa lạ để tìm hạnh phúc riêng. Còn cha đẻ Tử Thu bỏ rơi con từ khi lọt lòng bỗng quay lại nhận con về để nối dõi tông đường.

Trên Weibo, khán giả Chen Bushen viết: "Người xưa hay nói khác máu tanh lòng nhưng sự thật chứng minh rằng đôi khi cha mẹ đẻ lại là người tệ bạc với con cái nhất. Họ lấy danh nghĩa sinh thành để ép con phải có trách nhiệm, phải báo hiếu. Đây không chỉ là phim, thực tế cuộc sống tràn ngập những sự việc như vậy". Bình luận này được nhiều người đồng thuận.

Diễn xuất của dàn diễn viên cũng được đánh giá cao.

Trên Douban, phần đông khán giả nhận xét phim được yêu mến nhờ hóa thân tự nhiên, đồng đều của dàn diễn viên dày dặn kinh nghiệm. Đàm Tùng Vận được mệnh danh là "nữ thần phim học đường" nhờ vóc dáng trẻ trung, biểu cảm tự nhiên. Cô từng gây sốt với phim Điều tuyệt nhất của chúng ta, Mùa hè của hồ ly, Cẩm y chi hạ... Tống Uy Long gia nhập làng giải trí từ năm 2015, ghi dấu trong nhiều tác phẩm như Trạm kế tiếp hạnh phúc, Phượng tù hoàng, Hoa bỉ ngạn, Thư sinh xinh đẹp...

1309 11
Từ trái qua: Tiêu Lý Trăn Chấn vai Hạ Tử Thu, Tùng Thượng vai Tiêm Tiêm, Từ Uy La đóng Lăng Tiêu hồi nhỏ. Ảnh: Weibo.

Trương Tân Thành hóa thân Hạ Tử Thu, sinh năm 1995, được mệnh danh là "học bá" khi đậu thủ khoa bốn trường nghệ thuật hàng đầu Trung Quốc. Anh từng tham gia phim Lê hấp đường phèn, Xin chào, ngày xưa ấy, Đại Tống thiếu niên chí. Đồ Tùng Nham và Trương Hi Lâm - hóa thân hai ông bố - là những diễn viên thực lực của màn ảnh Trung Quốc.

Ba diễn viên nhí đóng Lăng Tiêu, Tử Thu và Tiêm Tiêm hồi nhỏ lần lượt là Từ Uy La, Tiêu Lý Trăn Chấn, Tùng Thượng. Từ Uy La sinh năm 2010, diễn xuất từ năm 7 tuổi, được khen đẹp trai, diễn xuất tốt những cảnh tâm trạng. Trăn Chấn sinh năm 2012, góp mặt trong loạt phim Tóc trắng, Mộng hồi, Thiên cơ thập nhị cung... Cậu bé được khen có khả năng cảm thụ tốt, hóa thân đa dạng nhân vật. Tùng Thượng sinh năm 2013, nổi lên từ show Let go of my baby, Người Trung Quốc vui vẻ...

Hiểu Nhân

"30 chưa phải là hết" gói trọn nỗi lòng chị em

Gần gũi với đời thực, tái hiện những khát vọng và chật vật của phái đẹp ở tuổi 30, series '30 chưa phải là hết' ...

/ vnexpress.net