Lầu Năm Góc nêu lý do từ chối cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa

Ukraine không thể tận dụng tốt tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp ngay cả khi Washington cho phép họ tiến hành cuộc tấn công vào sâu bên trong nước Nga.

"Ngay cả khi Ukraine được phép sử dụng tên lửa ATACMS để chống lại tỷ lệ rất nhỏ sân bay nằm trong tầm bắn thì Nga vẫn có thể di chuyển cơ sở quân sự đó ra xa biên giới Ukraine. Vì vậy, tác động xảy ra rất nhỏ và có rất ít giá trị chiến lược", Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết.

Bà Sabrina Singh cho rằng "90% máy bay Nga phóng bom lượn và bắn tên lửa vào Ukraine đều ở sân bay cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát 300km". Theo Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc, điều này có nghĩa là căn cứ không quân đó đang nằm ngoài tầm bắn của tên lửa ATACMS.

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh. (Ảnh: Getty)

Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh. (Ảnh: Getty)

Đến nay, Mỹ chỉ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để chống lại những cuộc tấn công xuyên biên giới và không được thực hiện các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. 

 

Nhiều quan chức Mỹ, bao gồm người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder đã tái khẳng định "chính sách của Washington không thay đổi" đối với "những cuộc tấn công sâu" vào lãnh thổ Nga.

Tờ Reuters trích dẫn lời quan chức Mỹ cho hay chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như chấp thuận việc vận chuyển tên lửa hành trình tầm xa đến Ukraine. Bao gồm, tên lửa không đối đất tầm xa chung (JASSM) có thể được tích hợp vào máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ thiết kế, lô hàng đầu tiên đến Ukraine vào đầu tháng 8.

Tên lửa này có tầm bắn khoảng 370km và được cải tiến để bay xa hơn 800km, cho phép phiên bản tầm xa vươn tới Moskva và Kaliningrad.

Lầu Năm Góc có thể công bố quyết định chuyển giao tên lửa JASSM tới Kiev vào mùa thu năm nay, mặc dù việc chuyển giao thực tế có thể mất vài tháng do một số vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, nguồn tin do Reuters trích dẫn lưu ý các cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn đang diễn ra và quyết định cuối cùng chưa công bố.

Hôm 4/8, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cảnh báo quyết định cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" của Moskva và có khả năng gây ra chiến tranh thế giới thứ ba. Nhà ngoại giao Nga từng cho rằng “phương Tây không muốn tránh leo thang”. 

https://vtcnews.vn/lau-nam-goc-neu-ly-do-tu-choi-cho-ukraine-su-dung-ten-lua-tam-xa-ar894251.html

Kông Anh(Nguồn: RT) / VTC News