Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc tiến thêm một bước mới nguy hiểm khi nước này đưa ra cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” vào năm 2019. Theo học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas nằm ở Đông Bắc Biển Đông
Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc tiến thêm một bước mới nguy hiểm khi nước này đưa ra cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” vào năm 2019. Theo học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas nằm ở Đông Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield (nằm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 75 hải lý về phía Đông) với 4 tên “Hán hóa” lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa.
Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp (6 quốc gia và vùng lãnh thổ hay còn gọi là “tranh chấp 5 nước 6 bên”, gồm: Brunei, Đài Loan, Malaysia Philippines, Trung Quốc và Việt Nam), Trung Quốc toan tính coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và vùng thềm lục địa. Học thuyết “Tứ Sa” vì thế là sự cụ thể hóa yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò 9 đoạn” công bố năm 2009, để Trung Quốc lấy đây là căn cứ pháp lý đòi chủ quyền với khoảng 80 diện tích Biển Đông.
Hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” và học thuyết “Tứ Sa” chính là những hoạt động bồi đắp trái phép các thực thể chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành những đảo nổi nhân tạo. Trung Quốc trước mắt tiến hành “quân sự hóa” các thực thể này với việc xây dựng sân bay, cảng biển, bố trí tên lửa, radar cùng nhiều vũ khí hạng nặng khác và không loại trừ triển khai thêm các hoạt động kinh tế, thậm chí đưa cả người ra sinh sống trên những thực thể chiếm đóng và bồi đắp trái phép này.
Trung Quốc trong vòng 5 năm qua kể từ khi đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” cùng học thuyết “Tứ Sa” đã ráo riết đầu tư, tăng cường hoạt động bồi đắp 7 thực thể mà họ chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với tổng diện tích lên tới hơn 13 km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa hiện nay. Trong đó, Trung Quốc bổi đắp thành 3 đảo nhân tạo lớn, có đường băng dài 3.000m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh.
Cụ thể, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo mở rộng diện tích quy mô lớn 6 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm đá Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa và Vành Khăn trong tổng số 7 bãi đá ngầm do nước này chiếm đóng trái phép thành các đảo nhân tạo.
Trong đó lớn nhất là đá Chữ Thập với diện tích đảo nhân tạo lên tới khoảng 2,77km2, đứng thứ 3 về diện tích trong các đảo hoàn toàn nhân tạo trên Biển Đông và cũng lớn thứ 4 trong tất cả các đảo nhân tạo lẫn đảo, đá tự nhiên thuộc 2 quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Trên đá Chữ Thập có cả sân bay với đường băng rộng khoảng 55 m, dài 3.000 m cùng cảng biển có thể tiếp nhận các tàu cỡ lớn.
Trung Quốc cũng đã biến đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo lớn thứ hai về diện tích và lớn nhất về quy mô xây dựng công trình trên Biển Đông. Đến nay, tổng diện tích của đảo nhân tạo Xu Bi lên tới khoảng 4,14km2. Trên đảo nhân tạo mà chiếm đóng và bồi đắp trái phép này, Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng gần 400 tòa nhà, với nhận định của các chuyên gia quốc tế là đều có khả năng là các công trình quân sự, có năng lực phục vụ từ 1.500 đến 2.400 binh lính đồn trú.
Tính tới thời điểm này, Trung Quốc đã chiếm đóng và bồi đắp trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo hoàn toàn nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông, kể cả với tất cả các đảo và đá tự nhiên khác, với diện tích trên 5,66 km2. Trên đảo nhân tạo này, Trung Quốc cũng đã hoàn thành xây dựng sân bay và cảng nước sâu nhằm biến nơi đây thành một căn cứ quân sự lớn.
Trung Quốc cho tới lúc này đều không thể che giấu được mưu tính sâu xa của họ trong việc đã bỏ nguồn lực vật chất khổng lồ để bổi đắp trái phép các thực thể nhân tạo chiếm đóng bằng vũ lực trên Biển Đông nói chung, đặc biệt là thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nói riêng, thành các đảo nhân tạo - những tiền đồn quân sự lớn.
Đó chính là hòng đưa ra lập luận rằng mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể để dựa vào luật pháp quốc tế, ở đây là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982), nhằm có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và vùng thềm lục địa.
Tuy nhiên, đó chỉ là toan tính viễn vông và hoàn toàn không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982. Điều 60 của Công ước UNCLOS 1982 phủ nhận quy chế cho các đảo nhân tạo (Artificial islands) với nội dung như sau: “Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”.
Trên thực tế, Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc đã hoàn toàn bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc lấy đó làm cơ sở để đòi chủ quyền phi lý đối với 80% diện tích Biển Đông, tuyên bố yêu sách đòi chủ quyền này của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Nói cách khác, toan tính thâm sâu của Trung Quốc trong việc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép và bồi đắp phi pháp các thực thể ở Biển Đông hòng dựa vào đó để đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý.
Những đảo, thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực trên vùng biển này cho đến nay chưa được bất kỳ tổ chức, quốc gia nào trên thế giới thừa nhận, công nhân. Thời gian qua, Mỹ và những quốc gia có lợi ích ở Biển Đông đã triển khai các hoạt động tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biên Đông nhằm khẳng định sự bác bỏ trực diện và mạnh mẽ nhất đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong động thái mới nhất nhằm khẳng định tự do hàng hải, hàng không cũng như bác bỏ tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc, Mỹ từ ngày 28-9 đã triển khai nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan tuần tra sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động mạnh mẽ trên thực tế này của Mỹ, theo giới phân tích, cũng là cảnh báo, răn đe đối với toan tính “tự quân sự hóa Biển Đông” của Trung Quốc rồi đổ lỗi cho các quốc gia là “thị uy và leo thang quân sự hóa” trên Biển Đông.
Là quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế trên Biển Đông, Việt Nam đã hoan nghênh phán quyết ngày 7-12-2016 của PCA, ủng hộ các hoạt động theo luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông. Việt Nam cũng biểu thị ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Tàu chiến Trung Quốc đeo bám tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông?
Mạng xã hội Trung Quốc lan truyền các hình ảnh vệ tinh cho thấy, ít nhất có 7 chiếc tàu chiến luôn đi gần tàu ... |
Phó thủ tướng nêu vấn đề Biển Đông tại Liên Hợp Quốc
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi các bên liên quan không làm phức tạp Biển Đông trong bài phát ... |
Nghị sĩ Mỹ trình dự luật ngăn Trung Quốc trỗi dậy
4 thượng nghị sĩ trình Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2019, yêu cầu Mỹ hợp tác với các đồng ... |
Nhật Bản lo ngại hoạt động đơn phương mới của Trung Quốc ở Biển Đông
Hôm 27/9 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro công bố Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019, trong đó đề cập hoạt động đơn ... |