Lập quỹ 300 tỷ, lại lo tốn tiền không ‘đẻ ra tiền’

Chính phủ đã đồng ý thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch, nhưng kinh phí do Nhà nước cấp và phải hoàn toàn chủ động về chi thường xuyên. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đang lo không biết lấy nguồn từ đâu để hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Du lịch, cho biết như vậy tại buổi Công báo giới thiệu Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2, diễn ra sáng 23/10.

Bà Hương cho hay, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đang được triển khai thực hiện để đi vào hoạt động từ năm 2020, song vấp phải một số khó khăn, trong đó có vấn đề liên quan đến nguồn tài chính.

"Quỹ phải chủ động hoàn toàn về chi phí (chi thường xuyên) mà lại không đẻ ra tiền nên không biết sẽ lấy tiền ở đâu để hoạt động?" -  bà Hương lo ngại.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lo ngại về nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch

Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB), trong một báo cáo gửi lên Bộ VH-TT&DL góp ý về quỹ này, cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn khi triển khai Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Đến nay, đã 10 tháng sau khi Quyết định 49 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và phê duyệt Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được ban hành, các chuyên gia của Hội đồng này nhận thấy Quỹ mới thành lập theo Quyết định 49 có sự khác biệt đáng kể so với đề xuất của TAB.

Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia Thụy Sĩ và Cơ quan Phát triển quốc tế châu Âu AECOM, Hội đồng tư vấn Du lịch chỉ ra một số bất cập của Quỹ, nếu không được điều chỉnh, sửa đổi, sẽ rất khó khăn khi đi vào hoạt động.

Chẳng hạn, Quỹ không có hợp tác đối tác công tư, bởi theo Quyết định 49 đây là Quỹ tài chính Nhà nước, do Nhà nước sở hữu (Bộ VH-TT&DL là đại diện), bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ quản lý, điều hành cấp cao,...

Điều này kéo theo hệ lụy là rất khó thu hút được sự đóng góp từ khối doanh nghiệp du lịch, hàng không. Theo TAB, hiếm có DN, tổ chức, cá nhân nào sẵn lòng tài trợ, đóng góp cho một Quỹ hoàn toàn do Nhà nước quản lý và quyết định các hoạt động với tính chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình không cao.

Hơn nữa, các nguồn thu do ngân sách Trung ương cấp cho Quỹ bất hợp lý và bấp bênh. Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 8 quy định hai nguồn thu chính của Quỹ do ngân sách TƯ hàng năm cấp, bao gồm 10% tổng số thu từ nguồn thu phí cấp thị thực cho người nước ngoài và 5% tổng số ngân sách từ nguồn thu phí tham quan.

Phí thu từ thị thực được trích ra để chi cho hoạt động xúc tiến 

Theo Hội đồng tư vấn Du lịch, về nguồn thu từ phí cấp thị thực cho người nước ngoài, giải pháp này là không phù hợp với thực tiễn các Quỹ phát triển du lịch ở các nước, lại mâu thuẫn với đề xuất nhất quán của ngành du lịch trong việc mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương. Tổ chức AECOM cũng cho rằng, cần giảm dần nguồn thu này và đề xuất các nguồn thay thế.

Trong khi đó, thu từ các điểm tham quan cũng không mấy khả thi bởi các khoản phí này thuộc quyền quản lý của các địa phương.

Chưa kể, trường hợp Quỹ không bảo toàn được vốn điều lệ do các nguồn thu từ phí cấp thị thực, phí tham quan không bù đắp được chi phí hoạt động thì trách nhiệm của chủ tịch quỹ, giám đốc quỹ ra sao? Có ai dám nhận nhiệm vụ rủi ro như vậy không?

Do đó, theo đề xuất của TAB, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cần được sửa đổi, bổ sung chính sách, cơ chế hoạt động theo hướng là Quỹ hợp tác đối tác công - tư, có sự tham gia tích cực, hiệu quả từ khối các DN du lịch, hàng không.

Vấn đề trên cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại chuyên đề liên quan đến hoạt động quảng bá du lịch quốc gia, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch cấp cao lần 2 năm 2019, diễn ra đầu tháng 12 tới, để tìm ra giải pháp.

Ngoài ra, diễn đàn còn có 3 phiên chuyên đề khác với nội dung: Cải thiện trải nghiệm du khách trong chuẩn bị hành trình và lập kế hoạch tới Việt Nam; Cải thiện trải nghiệm điểm đến cho du khách; Kết nối thị trường hàng không chung cùng với một phiên toàn thể.

Với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh", Diễn đàn cấp cao Du lịch lần 2 là cuộc gặp gỡ, đối thoại công - tư cấp quốc gia, khu vực để thảo luận những vấn đề, giải pháp, chương trình hành động thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam. Ba mục tiêu hướng đến của diễn đàn là cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia; giải các bài toán cấp bách về đầu tư, quảng bá, thu hút khách từ các thị trường chiến lược; hiện thực hóa sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung ASEAN năm 2020.

Cô gái chuyên trông nhà không công cho người lạ đi du lịch
Cứu vãn phố cà phê đường tàu, dân Thủ đô đề xuất phát triển tàu chở khách du lịch
Nhà Sài Gòn lên mỗi tầng như đi du lịch nước khác
/ vietnamnet.vn