Lập hai bệnh viện dã chiến tại Cần Thơ

Hai bệnh viện dã chiến với 1.000 giường đặt tại Cần Thơ đảm nhiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 cho khu vực miền Tây.

Chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại Cần Thơ ngày 26/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Campuchia, Thái Lan, Lào, Ấn Độ... Liên tục có những cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 rất nguy hiểm.

"Bộ Y tế đang rất lo ngại về tình hình dịch diễn biến phức tạp từ các nước xung quanh. Khu vực biên giới Tây Nam có lượng người nhập cảnh có phép lẫn trái phép khá đông, nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát rất lớn", Bộ trưởng nói.

Ở miền Tây, TP Cần Thơ là đầu mối giao thông trọng điểm, sắp tới những ngày nghỉ lễ, lượng người đổ về rất đông, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nếu để xảy ra tình trạng dịch bệnh, kéo theo hệ lụy về kinh tế, xã hội. Vì vậy, Cần Thơ cần kiểm soát tốt công tác cách ly, rà soát lại tất cả kịch bản, tập trung cho các khâu trọng điểm, đặc biệt là công tác xét nghiệm, khoanh vùng xác định trên diện rộng. Địa phương chuẩn bị kịch bản cách ly ở tuyến phường, tuyến xã nếu dịch xảy ra ở cộng đồng.

Để ứng phó, ngoài Bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên (Kiên Giang) do Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ đã sẵn sàng, Bộ trưởng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp với địa phương, Đại học Y dược Cần Thơ, nhanh chóng thành lập bệnh viện dã chiến tuyến trung ương tại Cần Thơ, quy mô từ 400 giường tăng lên 800 giường. Bệnh viện này sử dụng cơ sở vật chất sẵn có tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền.

Đây là bệnh viện tuyến cuối, nhận điều trị các ca Covid-19 nặng trong khu vực. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ làm đầu mối hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế... cho bệnh viện dã chiến. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Đại học Y Dược Cần Thơ sẽ hỗ trợ chuyên môn.

Cần Thơ thành lập riêng bệnh viện dã chiến quy mô 200 giường tại Trung tâm y tế quận Bình Thủy. Các tỉnh giáp biên giới như An Giang, Đồng Tháp cũng cần xúc tiến bệnh viện dã chiến, Bộ trưởng Y tế đề nghị.

Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nói rằng miền Tây với đặc thù khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch, bệnh viện dã chiến ở Cần Thơ sẽ là "cánh tay nối dài" của Bộ Y tế, của Bệnh viện Chợ Rẫy trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhiệm vụ số một của bệnh viện dã chiến vùng tại Cần Thơ là thiết lập khoa cấp cứu có trang bị hệ thống kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), kỹ thuật cấp cứu về tim mạch, hô hấp, truyền nhiễm... đáp ứng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Lập hai bệnh viện dã chiến tại Cần Thơ

Trung tâm Y tế huyện Phong Điền được chọn lập Bệnh viện dã chiến tuyến Trung ương điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Cửu Long

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, địa phương hiện có 20 bệnh viện công lập, 24 bệnh viện ngoài công lập. "Thành phố đã chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, nếu huy động hết năng lực của các bệnh viện này, Cần Thơ có khả năng tiếp nhận cách ly, điều trị cho khoảng 1.200 ca Covid-19", ông Nguyễn Phước Tồn - Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ nói.

Lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ cho rằng tình hình Covid-19 đang nóng ở các nước, áp lực người ngoại tỉnh ngoại tỉnh đến học tập và làm việc lớn cùng với số người nhập cảnh bằng đường hàng không khá đông, việc thành lập hai bệnh viện dã chiến là cần thiết.

Từ ngày 28/1 đến nay Cần Thơ đã điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm 1.574 trường hợp về từ vùng dịch. Tính từ đầu dịch đến nay, thành phố đã ghi nhận và điều trị thành công 10 Covid-19 đều là những người nhập cảnh được cách ly tập trung. Hiện thành phố có 3 cơ sở xét nghiệm khẳng định nCoV.

Cửu Long

Đội tinh nhuệ Chợ Rẫy chi viện Kiên Giang chặn dịch Đội tinh nhuệ Chợ Rẫy chi viện Kiên Giang chặn dịch
Chuẩn bị kịch bản lập bệnh viện dã chiến ở Hà Tiên Chuẩn bị kịch bản lập bệnh viện dã chiến ở Hà Tiên
/ vnexpress.net