Phụ huynh khi nghe con phản ánh bị cô giáo đánh nhưng không có chứng cứ đã chọn giải pháp đặt camera quay lén trong lớp học. Câu chuyện này đặt ra thực tế có nhu cầu gắn camera ở các lớp học, vậy đây có phải là giải pháp tối ưu giúp hạn chế bạo lực học đường?
Như Lao Động đã đưa tin, khi nghe học sinh phản ánh cô giáo đánh các bạn trong lớp, phụ huynh đã bí mật đặt camera ghi lại hình ảnh tại lớp lớp 2/11 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) và phát hiện cô giáo nhiều lần tát, dùng thước đánh vào người và la mắng học sinh. Từ sự việc trên, đã có nhiều ý kiến về việc nên hay không nên lắp camera trong các lớp học.
Có thể lắp camera nhưng thầy và trò phải được biết
Đưa ra quan điểm về việc nên hay không nên lắp camera trong các lớp học, cô Phạm Thị Thanh Tú - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn cho hay: "Ở góc độ cá nhân tôi thì việc lắp đặt camera ở khối Mầm non là cần, còn khối Tiểu học trở đi thì không cần thiết.
Việc lắp camera làm áp lực rất lớn cho giáo viên, người thầy họ không cảm thấy được tôn trọng. Phụ huynh nào cũng xem con mình là số một, việc dạy và học của giáo viên khi bị phụ huynh can thiệp quá sâu sẽ tạo cho giáo viên sự dè dặt. Cùng với đó, học sinh từ lớp 1 trở đi các em đã hiểu và diễn tả được hành động nếu giáo viên có bạo hành em, chứ không cần thông qua camera để giám sát việc này".
Cùng quan điểm trên, Thạc sĩ Lưu Đức Quang - giảng viên Khoa Luật, Đại học Kinh tế Luật cũng cho rằng không nên lắp camera trong các lớp học. Việc lắp camera làm giáo viên gánh thêm những áp lực không đáng, thể hiện việc không tin tưởng cả về mặt sư phạm lẫn chuyên môn của họ, làm họ không say sưa với nghề.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Đức Quang, vẫn có thể lắp camera trong các lớp học nhưng phải có sự đồng ý của người đứng lớp, tức là họ biết mình đang làm việc trong môi trường có ghi lại hình ảnh.
"Việc lắp camera nhưng không có sự đồng ý là sai luật, xâm phạm đến quyền về hình ảnh cá nhân với người dạy và trên hết là ảnh hưởng đến cá nhân các em học sinh.
Cụ thể là vi phạm Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 - Quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý" - ông Quang nhấn mạnh.
Lắp camera chỉ là giải pháp phần "ngọn"
Cô Tô Thụy Diễm Quyên - Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft đưa ra quan điểm, việc lắp camera chỉ là giải pháp phần ngọn, không giải quyết được câu chuyện bạo hành về lâu về dài.
“Theo tôi camera không phải là công cụ để triệt tiêu bạo lực. Đây chỉ là giải pháp tức thời giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Có camera, giáo viên có thể không trực tiếp đánh học sinh nhưng nếu họ có những thái độ, lời nói gây tổn thương cho trẻ thì camera nào có thể ghi được đầy đủ? Điều này còn ảnh hưởng tâm lý trẻ nhiều hơn việc bị đánh. Khi không có camera, giáo viên vẫn có thể đánh học sinh hoặc có những biện pháp để “né” góc quay của camera" - bà Diễm Quyên nói.
Đưa ra giải pháp để hạn chế bạo lực, bà Diễm Quyên nêu: “Trên hết chúng ta cần tăng cường tiếng nói học sinh. Về phía giáo viên, cần cung cấp cho các họ phương tiện, kỹ năng sư phạm cần thiết để việc dạy học.
Mỗi giáo viên khi đến lớp phải là một ngày vui thì mới truyền được năng lượng tích cực cho học sinh. Cùng với đó, khâu tuyển đầu vào phải lựa chọn được những người yêu giáo dục, cảm thấy nghề giáo là chân lý cuộc đời thì mới có thể gắn bó lâu dài".
Kẻ gian gắn camera siêu nhỏ vào cây ATM |
Vụ cô giáo đánh học sinh: Phụ huynh vào trường lắp camera bằng cách nào? |
Trần tình của cô giáo đánh học sinh bị camera ghi lại |