Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến hàng trăm ngàn lao động từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ trở về các địa phương vùng châu thổ Cửu Long. Sau khi hoàn thành cách ly, vấn đề giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho lao động về quê trở nên hết sức cấp thiết.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang có công văn gửi 50 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh có số lượng lao động từ 50 người trở lên đề nghị thông tin nhu cầu tuyển dụng để hỗ trợ giới thiệu lao động. Qua phản hồi, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, như: Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang cần tuyển thêm 2.000 lao động; Công ty Unipax cần tuyển trên 1.000 lao động; Công ty CP may Nhà Bè - Hậu Giang tuyển 500 lao động; Công ty Minh Dũng tuyển 450 lao động; Công ty CP Thủy sản Cafatex tuyển 200 lao động… Các DN cũng đưa ra mức lương phù hợp tùy vào vị trí việc làm, đi kèm với các chế độ phúc lợi, chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm tăng thu nhập, giảm chi phí cho người lao động, góp phần ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà.
Ông Bùi Đông Thiên, Giám đốc Công ty Jia Zhi (TP Vị Thanh, Hậu Giang) cho biết, ngày 14/9 công ty đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số công nhân chỉ có 645 người, trong tổng số 1.400. Công ty đã xây dựng phương án hoạt động gắn với phòng, chống dịch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian tới, công ty mở rộng hoạt động, xây thêm nhà xưởng nên cần tuyển 1.500 lao động. “Hiện, lao động từ các tỉnh, thành trở về tỉnh và các tỉnh lân cận rất nhiều, trong số lao động này có nhiều người đã từng làm trong các nhà máy nên đây là thời cơ để DN tuyển dụng được nguồn lao động có tay nghề. Với những lao động chưa có tay nghề được tuyển dụng chúng tôi sẽ đào tạo lại. Đặc biệt, công ty ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương và lao động có tay nghề”, ông Thiên nói.
Người lao động cần việc, DN cần lao động, vấn đề làm sao để người lao động và DN gặp nhau. Từ thực tế trên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã làm cầu nối nguồn nhân lực phục vụ cho các DN. Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hậu Giang cho biết. “Qua rà soát dữ liệu cung lao động năm 2020, toàn tỉnh có trên 40.000 lao động từ 18 đến 35 tuổi không có hoạt động kinh tế, cộng thêm hàng ngàn lao động trở về từ các tỉnh, thành là thời cơ giúp DN tuyển dụng, nhất là lao động có tay nghề, có kinh nghiệm, đáp ứng dây chuyền sản xuất”. Cũng theo ông Bình, việc chủ động kết nối cung, cầu lao động là cách làm linh hoạt, đi trước đón đầu trong việc tận dụng nguồn nhân lực, giữ chân người lao động của địa phương, góp phần ổn định xã hội và đảm bảo phòng, chống dịch.
Từ đầu tháng 10 đến nay, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) có hàng trăm người dân từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương, trong đó gần 400 người là lao động, còn lại là người già, trẻ em. Là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, số lượng lao động hồi hương như vậy là áp lực với chính quyền địa phương. Theo ông Huỳnh Hoàng Đệ, Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, đa số người dân đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nhiều năm nên nhà cửa hư hỏng, trong đợt trở về này một số người không còn nhà ở, phải ở tạm nhà người thân. Địa phương cũng không có DN đóng trên địa bàn nên việc giải quyết việc làm tại chỗ rất khó.
Vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Khương (ngụ ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) làm công nhân ở Bình Dương trở về địa phương tránh dịch đã hơn 1 tháng. Sau thời gian dài ở nơi đất khách quê người, vợ chồng anh Khương trở về quê với hai bàn tay trắng. Trong thời gian cách ly theo quy định, gia đình anh nhận được hỗ trợ của địa phương để trang trải khó khăn trước mắt. Sau khi hoàn thành cách ly, anh Khương muốn kiếm việc để nuôi gia đình nhưng chưa có, tạm thời đi bán bánh mì để lo 4 miệng ăn.
Ông Hà Phương Đông, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Xã đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân trở về. Tuy nhiên, hiện còn nhiều hộ khó khăn, do về địa phương chưa có điều kiện làm việc. Xã đang rà soát để có chương trình giới thiệu, tư vấn việc làm cho họ”.
Tương tự xã Hòa Mỹ, xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước) cũng đang gặp khó khăn trong giải quyết việc làm cho gần 800 công nhân trở về. Ông Lê Kha Nưa, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông cho biết, có một khó khăn lớn là ngành nghề của lao động trở về không phù hợp nhu cầu địa phương. Toàn huyện Cái Nước có hơn 4.000 người đi lao động ở các tỉnh trở về quê tránh dịch. Đa số trong số này đều đang cần việc làm. Còn trên địa bàn tỉnh toàn tỉnh Cà Mau con số này lên tới hàng chục ngàn người.
Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Đào tạo lao động cho DN trong bối cảnh sau giãn cách do dịch bệnh COVID-19”. Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, Cà Mau cógần 55.000 người trở về địa phương. Qua rà soát, tỉnh có khoảng 44.000 người cần được giải quyết việc làm. Giải quyết việc làm cho người dân về quê là một bài toán khó với tỉnh cực Nam Tổ quốc.
Với trên 5.000 người từ các tỉnh, thành trở về, đặt ra nỗi lo công ăn việc làm đối với chính quyền huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Theo ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, xác định tìm kiếm việc làm cho người lao động là nhiệm vụ cấp thiết. “Địa phương sẽ tập trung vào chính sách cho vay vốn phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề. Về lâu dài lao động hồi hương cũng là nguồn lực để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông Dận chia sẻ.
Đ.Văn – B.Châu
Ngành “công nghiệp không khói” thiếu hụt nguồn lao động |
Lao động nghỉ hưu trước tuổi được hỗ trợ thêm lương? |
Tặng tiền đổi xe mới: Người lao động Hà Nội ít mặn mà, đại lý vắng khách |