Lao động nghèo trong "cơn bão" Covid-19

Tiền trọ, tiền ăn cho con, tiền gửi trẻ,… những con số nhảy nhót trong đầu khiến chị Hồng cả đêm trở mình xoành xoạch.

4h sáng, Lê Thị Hồng, 38 tuổi, đánh thức đứa con bốn tuổi. Trong phòng trọ hơn 12 mét vuông ở Hố Nai, Đồng Nai, hai mẹ con ăn chung một gói mỳ tôm cho bữa sáng. Con bé vừa ăn vừa ngái ngủ, miệng há mà mắt chưa mở hẳn. Xong bữa sáng, chị quàng rổ hàng vào cổ, bế con đi gửi người quen, trả 60.000 đồng mỗi ngày.

lao dong ngheo trong con bao covid 19
Những người bán hàng hàng rong xa quê rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Hạnh Hường.

Trước Tết, chủ nhật được ví như ngày thần tài của cánh hàng rong như Hồng. "Ngày này tiền lời có khi được nửa triệu bạc, đủ cho hai mẹ con ăn uống còn gửi về quê cho chồng với hai đứa nhỏ", chị kể với vẻ tiếc nuối.

Nay quán hàng đóng cửa im ỉm, công nhân thất nghiệp, giảm lương nên tiết chế cả những nhu cầu thiết yếu, "tiệm tạp hóa" di động của Hồng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Đường lớn, phố chính không bán được, chị chuyển hướng rẽ vào ngõ ngách, gõ cửa nhà dân để mời... nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn.

"Cho xin cái bông tăm coi mày ơi!", miệng nói, tay một người đàn ông thò vào giỏ hàng lấy rồi rảo bước đi. "Anh ơi quên trả tiền", Hồng gọi với theo nhưng đành bất lực nhìn theo. Càng trưa, nắng càng nóng, lưng áo chị hàng rong ướt sũng. Nhẩm tính số tiền trong túi mới được hơn 80.000 đồng, chưa đủ chỉ tiêu trong ngày. Hồng lôi khăn tay ra kê sau gáy, trước khi tròng lại dây đeo hàng vào cổ cho đỡ hằn đau, rồi đổi hướng.

"Ruộng vườn không có, nghề chài lưới chả ăn thua, con ba đứa nên phải bán xứ. Giờ dịch bệnh, ra đường người ta đuổi như đuổi tà, còn về quê không biết lấy gì sống", vừa phân trần, Hồng vừa cởi mũ lau mồ hôi ướt đẫm trán.

Thu nhập mỗi ngày chỉ hơn 100 nghìn, chỉ bằng một phần ba trước kia, Hồng vẫn cố dành cho con hộp sữa tươi, cạnh tiền trông giữ trẻ. Tháng này chị không có tiền gửi về quê, tiền phòng trọ 800 nghìn đồng vẫn khất chủ. Bữa cơm của hai mẹ con Hồng gói gọn trong 40 nghìn đồng, đủ mua rau với lạng thịt, quả trứng cho con. Tuần nay chị "trường kỳ" cá khô đến "chát hết cả miệng".

Bán ế ẩm, người trong xóm trọ rồng rắn về quê. Chị cũng dùng dằng trong bụng nhưng không dám quyết. "Ở lại cũng chả bán buôn được gì thì về đi. Đói no có vợ, có chồng", Hồng ứa nước mắt khi nghe chồng nói qua điện thoại.

Chị vơ vội vài bộ quần áo, dặn chủ trọ hết dịch lại lên, rồi bế con ra đầu phố đón xe về nhà ở miền trung. Chị tính sẽ mua nuôi thêm bốn năm con gà, cuốc đất trồng rau ăn qua bữa. "Cầu cho sóng yên biển lặng có cá mà ăn", người đàn bà miên man nghĩ rồi thiếp đi trên chuyến xe chật kín người.

lao dong ngheo trong con bao covid 19
Mẹ con bà Nữ thành "thất nghiệp" khi hàng quán đóng cửa, không có vỏ lon để nhặt nhạnh. Ảnh: Phan Diệp.

Trong căn trọ 10 m2 ở phường Thạnh Lộc, quận 12, bà Châu Ngọc Nữ (83 tuổi) và con gái Lê Thị Kim Thanh (48 tuổi) đang ngồi bó gối, chờ đến 16h20 lên phường nhận quà của một mạnh thường quân. Biết tin mình sẽ nhận được 5 gói mì, 5 chiếc khẩu trang và một chai nước tương, bà Nữ thở dài nói: "Tui ăn mì suốt mấy ngày rồi. Nhà tui giờ cần gạo hơn".

Bà Nữ và con gái làm nghề nhặt ve chai, sống cùng một đứa cháu ngoại làm nghề chở nước thuê, lương mỗi tháng 4,5 triệu đồng. Cả tháng nay tiền nhặt ve chai của hai mẹ con chưa tới một triệu, nay lại nghe tin sắp tạm ngưng mọi hoạt động buôn bán, bà lo cháu mình sẽ mất việc.

Mất ngủ, 1h sáng bà đã bắt đầu lên đường đi kiếm ve chai, lục những bao rác trước cổng nhà dân tìm kiếm vỏ lon hay bất cứ thứ gì có thể bán được. "Tui phải đi sớm, nếu không 5h xe rác đi, người ta gom hết", bà nói.

Sáng nay, bà Nữ chỉ dám ăn nửa gói mì, phần còn lại bà gói kỹ, lấy dây thun cột chặt, cho vào hũ nhựa cất lên kệ. Để có sức đi làm, đứa cháu ngoại 22 tuổi chạy ra tiệm mua thêm một ổ bánh mì ăn kèm, rồi bẻ ra một nửa nhường ngoại. "Mày thanh niên ăn đi, ngoại già rồi đâu cần ăn", bà nói rồi đẩy lại nửa ổ bánh mì sang cho cháu.

Trước đây, những lúc "trúng mánh", tiền bán ve chai khá hơn mọi ngày, bà tự thưởng cho mình bữa sáng là tô hủ tiếu và một ly cà phê đá. Nhưng kể từ ngày nhà hàng, quán nhậu đóng cửa, vỏ lon bia, chai nhựa chẳng có để nhặt. Bà đã quên mùi vị của gói xôi hay tô cháo mua ngoài hàng, tô mì cũng không có thêm rau cải như trước.

Bà Nữ bị bệnh tim và thiếu máu não, hộp thuốc bổ não giá 106 nghìn, bác sĩ dặn bà mỗi ngày uống 6 viên. Trước đây, để tiết kiệm bà uống mỗi ngày 3 viên, nhưng nay bà giảm xuống còn 2 viên mỗi ngày, thuốc bổ tim thì đã ngưng một tuần. Bữa nay, thấy hàng xóm bảo nhau mua đồ dự trữ, bà mở thùng gạo vét được gần 5 lon, trên bếp còn muối và nước mắm, bà chẹp miệng: "Nhiêu đây đủ rồi, lúc nào thèm thì nấu ít cháo".

"Gạo không có thì ăn mì, chứ phải có ít thuốc, tui mà đi viện thì còn khổ nữa", bà phân trần. Cháu ngoại 10 ngày nữa mới nhận lương, nhưng đã ứng trước để đầu tháng đóng tiền nhà, tiền điện nước, bà không dám mở miệng hỏi nữa.

Còn chị Thanh, con gái bà vẫn thường ôm bụng chịu đau vì bệnh loét dạ dày, chị không mua thuốc vì làm không ra tiền. Cũng như bà Nữ, chị Thanh không có bảo hiểm y tế. Mọi chi phí hiện giờ chỉ cậy vào lương của đứa cháu ngoại.

Tới giờ đi nhận quà, bà Nữ lật đật đội nón, bước thấp bước cao ra đường lớn xin đi nhờ xe máy để lên phường.

lao dong ngheo trong con bao covid 19
Những người bán vé số đa phần là người cao tuổi, khuyết tật hoặc không nơi nương tựa. Ảnh: Phan Diệp.

Ngày 29/3, Thủ tướng yêu cầu dừng các dịch vụ xổ số trong 15 ngày. Ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, chị Nguyễn Thị Thu Thảo, 43 tuổi giật nảy khi nghe bà chủ đại lý thông báo hai hôm nữa nghỉ bán.

Một bà mẹ đơn thân, cao chưa đầy 1m3, sống bằng nghề vé số như chị không rành có bao nhiêu ca dương tính với Covid-19, nhưng trầy trật hơn khi kiếm đồng tiền, là điều chị thấy rõ. Từ sáng đến trưa, chị chỉ bán được hơn chục tờ vé số cho người quen, gặp khách lạ, họ xua tay như "gặp hủi".

"Bán khó thì tui cố đi đến tận chiều cũng được, nhưng nghỉ bán thì mẹ con tui chết đói. Nghe tin tui rối, đi một vòng mà không nhớ mình đi đâu", giọng Thảo lạc đi. Hơn chục năm nay, cơm ăn ngày hai bữa, tiền học của con trông cả vào sấp vé số.

Chiều tối, thay vì về thẳng, Thảo tạt qua nhà chủ trọ xin bớt tiền phòng, nhưng bị từ chối thẳng thừng. "Tui chỉ thấy buồn với tủi thân", chị diễn giải cảm xúc đơn giản. Người đàn bà ghé chợ mua mấy củ khoai, hai trái bí ngô và một cái bắp cải, ít tôm khô để tích trữ.

Vừa ra khỏi chợ, một giọng nói quen thuộc gọi tên chị. "Nè nè, qua đây tui phát phiếu mai ra công viên nhận quà, kiếm cô hoài không thấy", chị Đoàn Thùy Dương, 46 tuổi, chủ đại lý vé số gọi giật giọng. Vài ngày nay, mỗi lần thông báo cho "đối tác" của mình việc nghỉ bán, chị Dương cũng rầu ruột vì thương.

"Có người mặt méo queo, có người còn khóc. Tui thương nên cùng bạn bè làm phiếu tặng. Đi kiếm họ sáng giờ mệt quá trời mệt", chị nói. Đại lý của chị có hàng trăm người lấy vé bán. Đa số họ là người già, người khiếm thị, khuyết tật hoặc vô gia cư.

Sáng 31/3, chị Thảo là một trong 200 người bán vé số, hàng rong có hoàn cảnh khó khăn ở TP Thủ Dầu Một được nhận phiếu quà tặng trị giá 500 nghìn đồng và một thùng mỳ bà chủ đại lý vé số tặng.

"Có tiền rồi mai tui sẽ mua thêm thịt với 5 ký gạo. Mấy cô loa phường dặn rồi, ăn đủ chất mới chống được corona".

Phạm Nga - Phan Diệp

lao dong ngheo trong con bao covid 19 9.000 người phải giám sát vì từng đến Bệnh viện Bạch Mai
lao dong ngheo trong con bao covid 19 Số ca nhiễm nCoV lên 212
lao dong ngheo trong con bao covid 19 Tổng số ca nhiễm bệnh COVID-19 trên toàn cầu vượt 800.000 người
/ vnexpress.net