VEC đang kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến nguyên nhân cũng như phát ngôn về lý do khiến mặt đường cao tốc hư hỏng.
Chiều 15/10, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho biết đoạn đường hư hỏng thuộc dự án sử dụng vốn vay JICA (Nhật Bản), đưa vào sử dụng từ tháng 8/2017.
Trước việc đại diện Ban quản lý dự án lý giải vừa qua một số vị trí trên mặt đường cao tốc bị bong tróc, ổ gà là do thời tiết, lãnh đạo VEC thừa nhận, "nói như vậy chưa đúng, vì thực tế hư hỏng do nhiều yếu tố, trong đó có thời tiết".
"\'Phát ngôn mặt đường hỏng do mưa nhiều là sơ suất trong diễn đạt của lãnh đạo ban quản lý dự án cao tốc. Câu nói khiến vấn đề bị đẩy lên cao", ông Tám phân trần.
Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám. Ảnh: Đắc Thành.
Về việc chậm sửa chữa hư hỏng mặt đường khiến Bộ Giao thông phê bình VEC, ông Tám lý giải, việc sửa chữa chỉ cần 2 ngày, nhưng thời gian qua trời liên tục mưa nên ảnh hưởng tới tiến độ.
"Khi trời mưa, có sửa thì vẫn tiếp tục hỏng, như vậy còn phản cảm hơn. Tuy nhiên, nay thời tiết đã tốt lên, việc sửa chữa triệt để sẽ xong trước trưa 17/10", ông cam kết.
Theo lãnh đạo VEC, tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có 13 gói thầu do nhiều liên danh tham gia, trong đó đoạn đường hư hỏng do hai nhà thầu Việt Nam thi công là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (thuộc gói thầu 4) và Tổng công ty Thành An (thuộc gói thầu 6).
"Các gói thầu A4, A6 trước đây được thi công đúng tiến độ, không có chuyện hư hỏng vì bị thúc giục về thời gian", ông Tám nói.
Trên tuyến cao tốc còn có các gói thầu khác do một số nhà thầu Hàn Quốc, Trung Quốc thi công, hiện không bị hư hỏng.
Lãnh đạo VEC khẳng định, đơn vị đã yêu cầu cá nhân, tập thể liên quan giải trình trách nhiệm về sự việc trên, kể cả Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và ban điều hành đều phải tự kiểm điểm; báo cáo về Tổng công ty trước 19/10.
"Tuyến đường xảy ra hư hỏng được đưa vào sử dụng trước thời điểm tôi làm Tổng giám đốc song tôi vẫn phải chịu trách nhiệm, kể cả các công trình trước đó 5-7 năm", ông Tám nói.
Nhà thầu cào bóc đoạn hư hỏng mặt đường cao tốc để xử lý sáng 15/10. Ảnh: Đắc Thành.
Theo TS Trần Chủng, Nguyên Cục trưởng Cục giám định Công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), câu nói của đại diện chủ đầu tư về việc thời tiết được xem như một trong những lý do làm hư hỏng đường là "không chính xác", vì trong thiết kế đường đã phải tính toán đầy đủ các yếu tố thời tiết. Mặt đường phải bằng phẳng, không được để đọng nước vì nước sẽ phá vỡ lớp mái, rồi phá hủy bề mặt.
"Khi thi công bê tông nhựa mà gặp trời mưa thì đơn vị thi công phải dừng vì cố làm thì đường sẽ hư hỏng. Tuyến đường bị hư hỏng là do chất lượng thi công có vấn đề", ông Chủng nói.
Kỹ sư Trần Dân - Phó chủ tịch Hội cầu đường Đà Nẵng, cho rằng VEC chưa nghiêm túc trong tự phê bình. "Việc đưa yếu tố trời mưa là một phần nguyên nhân gây hư hỏng đường là cách nói để chối trách nhiệm", kỹ sư Dân nói.
Ông Dân cũng phản biện lại ý kiến cho rằng thời gian đầu VEC sửa chữa tạm thời và từ ngày 14/10 thi công bài bản vì thời tiết hết mưa.
"Việc sửa chữa tạm thời ổ gà để xe lưu thông an toàn thì tôi đồng ý. Nhưng nếu không có ý kiến của dư luận cũng như Bộ Giao thông, thử hỏi chủ đầu tư có đưa máy móc đến hiện trường cắt đường, lu lèn, thảm lại nhựa như những ngày gần đây không?", ông Dân nêu quan điểm cá nhân và cho rằng, nếu VEC có kế hoạch sửa chữa bài bản từ đầu, đơn vị đã phải tập kết máy móc hiện đại đến các đoạn đường hỏng, chứ không làm thủ công như hình ảnh báo chí ghi lại.
Chuyên gia này nhận định, Bộ Giao thông không cho VEC tiếp tục thu phí để tập trung sữa chữa đoạn đường hỏng là quyết định đúng và dứt khoát.
"Việc không được thu phí gây thiệt hại khoảng 600 triệu đồng mỗi ngày như chủ đầu tư nói là hậu quả do chính họ gây ra", ông Dân bình luận.
Theo ông, những đoạn mặt đường hư hỏng do chính các nhà thầu trong nước thi công chứ không phải nước ngoài, do vậy Bộ Giao thông "nên xem xét việc cho các nhà thầu đó tiếp tục được nhận gói thầu ở các dự án khác hay không?".
Các vết bong tróc, ổ gà đoạn qua Km 45 Tam Kỳ - Đà Nẵng trước khi được sửa chữa. Ảnh: Hiếu Thanh.
Trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề cập đến vụ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đề nghị: "Chính phủ cần trả lời câu hỏi vì sao chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng đầu tư công, trong đó có công trình giao thông xuống cấp rất nhanh".
Hoan nghênh Bộ Giao thông Vận tải đã "chỉ đạo chặt chẽ đối với chủ đầu tư", song bà Nga nhấn mạnh Bộ cần sớm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan.
Sau hơn một năm đưa vào khai thác, đoạn tuyến Km0 – Km65 của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện tình trạng mặt đường hư hỏng tại một số vị trí. Diện tích hư hỏng khoảng 70m2 trong tổng số 3,1 triệu m2 mặt đường, tuy nhiên Ban quản lý, các đơn vị khai thác và nhà thầu đã chậm triển khai sửa chữa.
Bộ Giao thông có công văn phê bình chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, yêu cầu tạm dừng thu phí từ 12/10 cho đến khi khắc phục triệt để hư hỏng mặt đường. Việc tạm dừng thu phí khiến mỗi ngày VEC thất thu bình quân 600 triệu đồng.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Bán thầu cho công ty kém năng lực
Gói thầu xây lắp A5 trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có giá trị 1.400 tỉ đồng đã được Công ty Posco ... |
Cần thanh tra, làm rõ dấu hiệu bớt xén vật liệu ở cao tốc 34.500 tỷ
Các chuyên gia kiến nghị Bộ GTVT cần vào cuộc, thanh tra toàn diện đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng ... |
Cao tốc 34.000 tỷ chi chít ổ gà: Chủ đầu tư phân trần
Sau nhiều ngày cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng, TGĐ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) nhận ... |