Lãnh đạo Hong Kong cam kết đối thoại với người biểu tình

Trưởng đặc khu Carrie Lam hy vọng đối thoại giữa hai bên có thể tiếp tục nhưng bác bỏ lời kêu gọi rút hoàn toàn dự luật dẫn độ.

Trưởng đặc khu Carrie Lam phát biểu trong họp báo sáng nay ở Hong Kong. Ảnh: AFP.

Trưởng đặc khu Hong Kong cho biết việc bà và tất cả quan chức chính quyền cam kết lắng nghe thông điệp của người dân là "biểu hiện chân thành của hy vọng được đối thoại với những thành phần khác nhau trong xã hội".

Bà Lam khẳng định sẽ bắt đầu bằng cách tiếp cận với những người từng đưa ra đề xuất đàm phán. Cam kết được bà đưa ra trong họp báo sáng nay, hai ngày sau khi hàng trăm nghìn người biểu tình xuống đường tuần hành ôn hòa cuối tuần trước mà không để xảy ra hành vi bạo lực hay đụng độ với cảnh sát.

"Tôi thực sự hy vọng đây là sự khởi đầu cho một xã hội trở lại hòa bình và tránh xa bạo lực", bà nhận xét về cuộc tuần hành hôm 17/8.

Cuộc tuần hành là sự kiện ôn hòa hiếm hoi trong hơn hai tháng qua, khi phong trào phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi đã biến thành những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát Hong Kong.

Các nghị sĩ và người biểu tình kêu gọi bà Lam tận dụng khoảng thời gian này để xem xét đáp ứng yêu cầu của họ, bao gồm rút hoàn toàn dự luật dẫn độ đang bỏ ngỏ và mở cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát sử dụng vũ lực đối với người biểu tình.

Khi được hỏi có đáp ứng 5 yêu sách chính của người biểu tình hay không, trưởng đặc khu Hong Kong cho biết Hội đồng Xử lý Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (ICPC), cơ quan giám sát lực lượng cảnh sát Hong Kong, sẽ tiến hành một cuộc điều tra để tìm hiểu những gì thực sự đã xảy ra.

"Tôi hy vọng đây là phản hồi có trách nhiệm với những người có nguyện vọng hiểu biết thấu đáo hơn chuyện diễn ra ở Hong Kong", bà Lam nói. Bà cho hay ICPC có thể sẽ được bổ nhiệm thêm người bởi khối lượng công việc lớn, đồng thời sẽ mời chuyên gia nước ngoài đến tư vấn.

Tuy nhiên, bà một lần nữa loại trừ việc rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, dù khẳng định "không có kế hoạch khôi phục dự luật, đặc biệt là khi người dân đang rất quan ngại". Hồi đầu tháng 7, bà Lam từng tuyên bố "dự luật đã chết" và không có kế hoạch tái khởi động tiến trình đưa dự luật ra trước hội đồng lập pháp Hong Kong.

Ngoài yêu cầu rút hoàn toàn dự luật dẫn độ và kêu gọi điều tra cảnh sát, người biểu tình cũng đưa ra các yêu sách khác như đòi bà Lam từ chức, chính quyền rút lại ý kiến cho rằng các vụ đụng độ bạo lực là "bạo loạn" và trả tự do vô điều kiện cho những người biểu tình bị bắt.

Một nguồn tin thân cận với chính quyền Hong Kong cho hay bà Lam và các quan chức dưới quyền đang cân nhắc cách thiết lập nền tảng đối thoại để sớm gặp gỡ và thảo luận với người biểu tình trẻ tuổi.

"Vấn đề bây giờ là cách nào", nguồn tin nói. "Chính quyền nên dẫn dắt diễn đàn hay nhờ một tổ chức thanh niên đứng ra làm việc này và để chính quyền đóng vai trò then chốt? Những ai được tham gia đối thoại? Đây là những vấn đề cần giải quyết", nguồn tin nói.

Hong Kong đang đối mặt khủng hoảng lớn nhất lịch sử từ khi được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Biểu tình chống dự luật dẫn độ sửa đổi, cho phép dẫn độ tội phạm tới các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục, liên tiếp diễn ra từ đầu tháng 6 với những diễn biến phức tạp khiến trung tâm tài chính châu Á này hứng chịu nhiều thiệt hại trên các lĩnh vực như kinh doanh, du lịch và bất động sản.

Chính quyền Trung Quốc đại lục lên án hành vi bạo lực của người biểu tình giống như "khủng bố" và tuyên bố sẽ không khoanh tay đứng nhìn nếu biểu tình vượt quá kiểm soát của chính quyền đặc khu.

Hồng Hạnh (Theo SCMP)

 

Facebook, Twitter xóa tài khoản Trung Quốc chống biểu tình Hong Kong
Mỹ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp Hong Kong
Cơn địa chấn Hong Kong, người dân hoảng loạn gom tiền mặt
Bắc Kinh công bố kế hoạch chi tiết về "thành phố kiểu mẫu" Thâm Quyến
Trung Quốc yêu cầu Canada không can thiệp vấn đề Hong Kong
/ vnexpress.net