Lần thứ 2 gặp Đào Hải Phong: Vẻ đẹp kiêu hãnh của sự vật bình dị

Một cái cây còn ngắm được 4 mùa nữa là con người, cuộc gặp lần thứ hai với họa sĩ Đào Hải Phong đúng thời điểm triển lãm cá nhân và ra mắt sách “Lối Phong” diễn ra. Phong vốn “ngông” nên không “không làm phiền các đồng nghiệp”, không mời họa sĩ đến khai mạc mà mời những người ngoại đạo vì quan niệm nghệ thuật phải chia sẻ với công chúng.

Họa sĩ Đào Hải Phong với cuốn sách và tác phẩm lớn nhất tại triển lãm của anh. Ảnh: V.V

Một cái cây còn ngắm được 4 mùa nữa là con người, cuộc gặp lần thứ hai với họa sĩ Đào Hải Phong đúng thời điểm triển lãm cá nhân và ra mắt sách “Lối Phong” diễn ra. Phong vốn “ngông” nên không “không làm phiền các đồng nghiệp”, không mời họa sĩ đến khai mạc mà mời những người ngoại đạo vì quan niệm nghệ thuật phải chia sẻ với công chúng.

Triển lãm là hoạt động chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc - ASEAN năm 2019 của Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Phòng tranh đẹp và sang, mang đến cảm giác ấm áp cho người xem. và 28 tác phẩm sơn dầu, khổ lớn nhất là 1mx2m, 1,35mx1,55m được Đào Hải Phong sáng tác trong vòng 10 năm gần đây cho thấy một phác thảo chân dung về chủ nhân.

- Anh thích dùng những màu mạnh, màu nóng. Ngoài đời, anh có “nóng” như tranh?

- Nhìn màu, người ta biết tính cách, cuộc sống, con người của họa sĩ. Vì cá tính thể hiện qua màu sắc. Nhưng tôi không thuộc về đám đông mà thích yên tĩnh. Hội họa ngược lại với đời sống của tôi. Tôi thích biến cái bức xúc, bùng nổ của cá nhân vào trạng thái nghệ thuật để cân bằng những gì thiếu trong cuộc sống, để nó hoàn thiện mình. Và sau nhiều năm làm việc, cái mình muốn chia sẻ với mọi người phải là những gì mình vừa lòng nhất thì mới đến được với họ.

- Câu hỏi nào hay nhận xét nào làm anh “giật mình” nhất?

- Nhà văn Nguyễn Bình Phương đến xem triển lãm và sau đó nhắn tin hẹn gặp tôi. Ông ấy đã điểm chỉ đúng chân dung tôi trong nghệ thuật bằng vài câu. Ông ta cũng nhặt ra 2, 3 tranh ông thích và nó hoàn toàn trùng với suy nghĩ của tôi.

- Câu đó là…?

- “Tranh của Đào Hải Phong toát lên được vẻ đẹp kiêu hãnh của những cảnh vật hết sức bình dị. Tôi thấy thế”. Tôi luôn nghĩ người nghệ sĩ nên bình thường trong cuộc sống, chỉ bộc lộ cảm xúc, thái độ trong tác phẩm. Như là nước chảy, nó như thế nào mình vẫn luôn như thế.

- Và triển lãm lần này có làm bùng lên trong anh cái gì?

- Chính những người xem và có người xem lại lần thứ hai triển lãm làm tôi bừng lên một cơn khát vẽ. Tự ngắm mình một cách nghiêm chỉnh nhất để thấy mình một lần nữa rõ hơn nữa.

- Anh vẽ cái cây rất đặc biệt, nó tròn tròn và nhìn có thể tưởng tượng ra nhiều cái khác, đôi khi như quả táo lộn ngược. Anh muốn chia sẻ điều gì?

- Đã vẽ phong cảnh, xuyên suốt đời sáng tác thì cả Trái đất này không ai không vẽ cây. Nhưng mỗi người vẽ cây theo khái niệm của mình. Cây tôi vẽ thiên biến không quy vào một cây cụ thể, cây tròn xuyên suốt trong loạt tranh phong cảnh về nông thôn. Tôi muốn người xem cảm nhận những cái khác, vì muốn tương tác, không áp đặt mà chia sẻ bằng cái chủ quan của tôi. Cái cây với tôi như một con người, lúc như đàn bà, chỉ không biết nói, chứ có đầy đủ trạng thái của một con người.

- Anh vẽ cái anh nhìn thấy hay cái trong đầu anh?

- Những bậc thày từng nói: Thiên nhiên là người thày lớn nhất của các nghệ sĩ, có điều nghệ sĩ hấp thụ và biến nó thành cái của mình, hay bị thiên nhiên hiếp đáp lại mình. Mỗi người có quan niệm một cái đẹp riêng mình. Tôi nhìn không giống người khác. Ví dụ căn nhà đơn sơ, cô đơn, tôi thấy đẹp, người ta thấy buồn hay điêu tàn. Thực ra, thiên nhiên cũng chỉ là cái cớ cho người nghệ sĩ sáng tạo.

- Khi vẽ, anh có làm chủ hoàn toàn cảm xúc, hay rơi vào trạng thái mất kiểm soát?

- 20 năm trước, tôi không như bây giờ, cái tôi chủ quan nhiều hơn, hình thành tranh trong đầu kỹ lưỡng hơn trước khi vẽ chứ không để cái ngẫu nhiên chi phối nữa.

- Trong nghệ thuật, anh có cần một tác nhân đặc biệt kích thích?

- Tôi đã bỏ thuốc lá, không uống rượu nhiều, không tụ bạ nhiều. Tôi cần sự yên tĩnh...

Cùng với triển lãm, anh cho ra mắt một cuốn sách ấn tượng không chỉ cả về kích cỡ (23x29cm), độ dày (trên 500 trang) mà đặc biệt ở cách trình bày rất sáng tạo, đương đại, sang trọng như sách bảo tàng. Không chỉ là 79 bức tranh mà tất cả cùng hòa vào chuyện đời, chuyện bạn bè và nó là câu trả lời để có một “Lối Phong”?

Đây là cuốn sách đặc biệt, và tôi rất tự tin mới cho in tác phẩm cho tôi và những người yêu mến tranh của tôi.

Xem sách, nhiều bạn đọc nói rằng có thể thấy 3 tác giả: Tác giả trong sách, tác giả thiết kế sách, tác giả biên tập (chuỗi bài và ảnh đời sống nghệ sĩ). Thiết kế sách là Duy Đào, con trai tôi từng học thiết kế đồ họa ở Mỹ, và biên tập là Lê Hải là bạn của Đào, cả hai cùng thế hệ 9X.

Tôi chỉ cung cấp tư liệu và dặn con: Đây không phải là làm cuốn sách “báo hiếu” hay sách cho người quá cố. Và khi sách in xong, tôi xem và thấy mọi thứ vẫn đang trôi và mở, nó không khép. Tôi đã đánh cược vào lớp trẻ và nhận được phần thưởng.

- Hội họa đã cho anh cái gì và lấy đi của anh những gì?

- Hội họa cho tôi tất cả và lấy đi nhiều thứ về thời gian và các hoạt động xã hội khác. Nhưng tôi không hối tiếc và cảm thấy may mắn vì đã được nghệ thuật hội họa chọn.

Xin cảm ơn!

 

VIỆT VĂN (THỰC HIỆN)  25/11/2019 | 06:56

Tân Hoa hậu Quốc tế có vẻ đẹp tươi sáng

Sireethorn Leearamwat - người đẹp Thái Lan vừa đăng quang Miss International 2019 - thu hút với nụ cười tỏa nắng và ánh mắt sáng ...

Vẻ đẹp thiên nhiên trên đỉnh Bạch Mã

Trên con đường dài 20 km dẫn tới đỉnh Bạch Mã, du khách như được lướt qua tiên cảnh tạo nên bởi núi rừng, suối ...

Vẻ đẹp đèo Mã Pì Lèng bên sông Nho Quế

Đèo dài 20 km, nằm cheo leo bên sườn núi cùng dòng Nho Quế uốn lượn chảy quanh tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ ...

/ laodong.vn