Làn sóng giận dữ Trump gây ra ở Đan Mạch

Sự ngạc nhiên trước mong muốn mua Greenland của Trump biến thành giận dữ khi ông bất ngờ huỷ chuyến thăm do Nữ hoàng Đan Mạch mời. 

lan song gian du trump gay ra o dan mach
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Việc hủy chuyến thăm chính thức tới Đan Mạch của Trump được nhìn nhận như hành động làm bẽ mặt Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II, người đã gửi thư mời Tổng thống Mỹ và sẽ tiếp đãi ông cùng Đệ nhất phu nhân Melania.

Thông tin Tổng thống Trump hủy chuyến thăm "đến rất bất ngờ", giám đốc truyền thông của Hoàng gia Đan Mạch thông báo trên truyền kênh truyền hình nhà nước. "Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn nói".

Tuy nhiên, những người khác có nhiều điều để nói hơn. "Đây là trò đùa với ông ấy à?", cựu thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt viết trên mạng xã hội Twitter. "Một sự xúc phạm mạnh mẽ đối với người dân Greenland và Đan Mạch".

Hôm 20/8, Tổng thống Trump viết trên Twitter gọi Đan Mạch là "một quốc gia rất đặc biệt với những người dân tuyệt vời" nhưng thêm rằng ông sẽ hủy kế hoạch thăm Đan Mạch bởi Copenhagen đã khước từ đề nghị mua đảo Greenland của ông.

Greenland, hòn đảo rộng hơn hai triệu km2, là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch. Nơi đây nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như than và uranium. Mỹ còn đặt căn cứ không quân Thule nằm trong hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của nước này tại Greenland.

Thủ tướng Frederiksen từng khẳng định bà không có hứng thú thảo luận việc bán đảo Greenland. "Greenland không phải Đan Mạch. Greenland thuộc về Greenland", bà nói với một tờ báo Đan Mạch tuần qua. "Tôi không hy vọng đề xuất đó là nghiêm túc".

Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 21/8, Trump cho rằng Thủ tướng Đan Mạch đã gây "khó chịu" khi miêu tả đề xuất từ phía ông là "ý tưởng ngớ ngẩn".

"Tất cả những gì họ cần trả lời là 'Không, chúng tôi sẽ không làm vậy' hay "Chúng tôi không muốn bàn về chuyện đó", Trump nói. "Đừng đáp rằng 'Đấy là một ý tưởng ngớ ngẩn'". "Bạn không nói chuyện với người Mỹ theo cách như thế", Trump nhấn mạnh.

Khi được hỏi về các phát ngôn từ ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Frederiksen cho hay "bà sẽ không tham gia vào một cuộc khẩu chiến với bất kỳ ai, kể cả Tổng thống Mỹ". Bà tuyên bố cách mà Đan Mạch phản ứng với việc lãnh đạo nước Mỹ hủy chuyến thăm là "tốt và khôn ngoan".

Ngày 18/8, Trump cho biết chính phủ đã thảo luận về ý tưởng mua Greenland vì lợi ích chiến lược cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của nó. Ông đồng thời cho rằng vùng lãnh thổ này là gánh nặng tài chính với Đan Mạch.

"Về cơ bản, đó là một giao dịch bất động sản lớn", Trump nói. "Rất nhiều việc có thể được thực hiện. Nó làm Đan Mạch tổn thương rất nặng nề bởi họ mất gần 700 triệu USD mỗi năm khi gánh hòn đảo. Vì thế, họ phải gánh một mất mát lớn".

Chính quyền Greenland phụ trách hầu hết các vấn đề trên hòn đảo ngoại trừ chính sách đối ngoại và phòng vệ. Hòn đảo nhận hơn 50% ngân sách từ các khoản trợ cấp của Đan Mạch, tổng cộng lên đến 740 triệu USD mỗi năm.

Những bình luận từ Tổng thống Mỹ đang làm dấy lên những tiếng nói chỉ trích trên chính trường Đan Mạch.

"Xin hãy dừng lại", Martin Lidegaard, lãnh đạo ủy ban đối ngoại quốc hội Đan Mạch, viết trên Twitter và đề cập tới một số lĩnh vực thảo luận khác mà theo ông là hai nước nên quan tâm, gồm Bắc Cực, biến đổi khí hậu và tình hình Trung Đông.

"Hoàn toàn hỗn loạn", cựu bộ trưởng tài chính Đan Mạch Kristian Jensen viết. "Mọi thứ đi từ một cơ hội đối thoại tuyệt vời giữa hai đồng minh biến thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao".

lan song gian du trump gay ra o dan mach
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ảnh: Reuters.

Trước khi Trump hủy chuyến thăm, Thủ tướng Đan Mạch vẫn chỉ cho rằng đề xuất mua Greenland của Tổng thống Mỹ là một "lời nói đùa" và bày tỏ hy vọng "có một mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Mỹ". Nhưng hôm 21/8, bà thừa nhận với các phóng viên rằng việc hủy chuyến thăm là hành động "bất thường" và bà "cảm thấy tiếc" vì điều này.

Theo nhật báo Berlingske, trụ sở ở Copenhagen, "mối quan hệ giữa Mỹ và Đan Mạch chưa bao giờ lạnh giá đến thế. Nó sẽ tạo ra những hậu quả trên phạm vi rộng". Trang web của kênh truyền hình nhà nước Đan Mạch trong khi đó đăng một bài viết với tiêu đề "Trump khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Đan Mạch chạm ngưỡng đóng băng".

Song Thủ tướng Frederiksen bác bỏ những suy đoán cho rằng quan hệ Mỹ - Đan Mạch bị tổn hại.

"Tôi không tin mối quan hệ đang rơi vào khủng hoảng", bà nói. "Chúng tôi có những mối liên hệ gần gũi và Mỹ là một trong các đồng minh quan trọng nhất của chúng ta. Hợp tác giữa hai nước sẽ chỉ ngày càng mở rộng và được củng cố".

"Tổng thống Mỹ và người dân Mỹ luôn được chào đón ở Đan Mạch", Thủ tướng Frederiksen khẳng định.

Nhiều người dân Đan Mạch coi chuyến thăm của Tổng thống Trump như một sự công nhận về mối quan hệ đặc biệt với Mỹ được xây dựng dựa trên mối quan hệ thân thiện đã kéo dài hàng thập kỷ qua, lợi ích chung ở Bắc Cực cũng như phản hồi tích cực của Copenhagen trước những lời kêu gọi hành động của Washington.

Binh sĩ Đan Mạch tham gia các sứ mệnh quân sự do Mỹ dẫn dắt ở Iraq, Syria và Afghanistan.

Nhưng đề xuất về việc bán Greenland vẫn khiến không ít người Đan Mạch cảm thấy vô lý. "Chẳng có lý do gì khiến Trump nghĩ rằng một phần của đất nước chúng tôi là để đem bán", Rasmus Jarlov, cựu bộ trưởng công nghiệp, doanh nghiệp và tài chính Đan Mạch, viết trên Twitter. "Rồi tiếp đến là quyết định mang tích xúc phạm hủy chuyến thăm mà tất cả chúng ta đều đã dày công chuẩn bị. Liệu những phần của nước Mỹ cũng có thể đem bán được à? Alaska ư? Xin hãy thể hiện sự tôn trọng".

lan song gian du trump gay ra o dan mach Thủ tướng Đan Mạch bực bội vì Trump hủy gặp
lan song gian du trump gay ra o dan mach Bị từ chối đề nghị mua đảo Greenland, ông Trump hoãn thăm Đan Mạch
lan song gian du trump gay ra o dan mach Ông Trump tính mua Greenland từ Đan Mạch: Mỹ nghiêm túc tới đâu?
/ vnexpress.net