Lần đầu tiên trong 230 năm, Mỹ ngừng sản xuất đồng 1 xu, số phận 114 tỷ đồng tiền sẽ ra sao?

Số lượng đồng 1 xu đang lưu hành tại Mỹ đủ để xây tòa nhà cao 13 tầng.

download

Hãng tin CNN cho hay Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố kế hoạch từng bước ngừng sản xuất đồng Penny (1 cent, 1 xu), biểu tượng tiền tệ tồn tại suốt hơn 230 năm qua, mở ra một chương mới đầy thú vị cho nền kinh tế và thói quen chi tiêu của người dân.

Mặc dù đồng Penny vẫn sẽ tiếp tục là tiền tệ hợp pháp, nhưng với việc không còn được đúc thêm, số lượng đồng xu nhỏ xíu này sẽ dần cạn kiệt trên thị trường, buộc các nhà bán lẻ phải điều chỉnh cách tính tiền mặt của họ.

2025-05-28_091238
Ảnh minh họa

Theo thông báo chính thức từ Bộ Tài chính, việc giảm dần đầu ra đồng Penny xuất phát từ hai lý do chính.

Thứ nhất, chi phí để đúc một đồng Penny vào khoảng 1,5 cent, cao hơn giá trị mệnh giá của nó. Thứ hai, phần lớn đồng Penny đang bị chôn vùi trong các lọ đựng xu, hộc tủ hoặc bị vứt bỏ vào các khay tại quầy thanh toán, làm giảm tính lưu thông và hiệu quả sử dụng.

Bộ Tài chính ước tính có khoảng 114 tỷ đồng Penny đang nằm im bất động, một khối lượng kim loại đủ để xây lên tòa nhà cao 13 tầng.

 

2025-05-28_091230

Kinh nghiệm của Canada được coi là điểm tựa cho Mỹ trong quyết định này.

Năm 2012, chính phủ Canada ngừng sản xuất đồng Penny nhưng vẫn giữ nó là tiền hợp pháp vô thời hạn.

Trong năm đầu tiên sau khi ngừng đúc, các nhà nghiên cứu ghi nhận không có sự thay đổi đáng kể nào trong giao dịch tiền mặt. Khách hàng và nhà bán lẻ vẫn thanh toán như bình thường, việc làm tròn số diễn ra một cách linh hoạt, không gây tranh cãi.

Phát ngôn viên Jeff Lenard của Hiệp hội Các cửa hàng tiện lợi quốc gia (NACS) tại Mỹ cho biết: "Cửa hàng tiện lợi thực hiện khoảng 32 triệu giao dịch tiền mặt mỗi ngày, chiếm 20% tổng số giao dịch mua sắm của khách hàng. Kinh nghiệm từ Canada cho thấy trong vòng 12 tháng đầu tiên kể từ khi ngừng đúc đồng Penny, không có xáo trộn lớn nào".

Điều này cổ vũ cho niềm tin rằng, ngay cả ở một thị trường khổng lồ và đa dạng như Mỹ, việc giảm dần đồng Penny có thể diễn ra tương đối suôn sẻ.

Thách thức cho nhà bán lẻ

Giám đốc cấp cao Dylan Jeon phụ trách quan hệ chính phủ của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia (NRF) khẳng định các thành viên của NRF, bao gồm cả các chuỗi siêu thị lớn và hàng nghìn cửa hàng nhỏ lẻ, sẽ tiếp tục chấp nhận đồng Penny cho đến khi ngân hàng không còn phân phối.

Sau giai đoạn đó, "nhiều nhà bán lẻ sẽ tự quyết định làm tròn giao dịch tiền mặt lên hoặc xuống gần nhất và mục tiêu hàng đầu vẫn là phục vụ khách hàng một cách liền mạch nhất."

Quy trình làm tròn do từng cửa hàng tự đặt ra, không có quy định bắt buộc từ chính phủ. Điều này đặt ra thách thức về tính đồng nhất trong cả nước, đó là cùng một sản phẩm, tại hai cửa hàng khác nhau, khách hàng có thể phải trả mức giá làm tròn khác nhau.

Ví dụ, nếu hóa đơn là 1,02 USD và cửa hàng A làm tròn xuống 1,00 USD, cửa hàng B có thể làm tròn lên 1,05 USD.

Để tránh hiểu lầm, nhiều nhà bán lẻ đang cân nhắc dán thông báo rõ ràng tại quầy, giải thích nguyên tắc làm tròn và mong khách hàng thông cảm.

Với việc làm tròn, khách hàng dùng tiền mặt sẽ không còn nhận lại đồng Penny, song với phần lớn giao dịch hiện nay diễn ra bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc ví điện tử, số hóa thì điều này không ảnh hưởng.

2025-05-28_090937

"Chúng tôi sẽ chỉ làm tròn các giao dịch bằng tiền mặt," phát ngôn viên Lenard của NACS nhấn mạnh rằng điều này giúp duy trì tính minh bạch và thuận tiện cho bộ phận kế toán của các cửa hàng.

Tuy nhiên, nhân viên thu ngân, vốn thường xuyên đếm và phát tiền lẻ, sẽ phải làm mới thói quen hàng ngày khi có sự thay đổi.

Công tác huấn luyện sẽ cần diễn ra để họ hiểu rõ quy tắc làm tròn, tránh nhầm lẫn và giữ vận hành quầy thanh toán trơn tru.

Dù vậy, lợi ích từ việc giảm khối lượng đồng penny, nhẹ hơn nhưng chiếm nhiều không gian, có thể thúc đẩy năng suất làm việc và giảm áp lực đếm tiền.

Không chỉ dừng ở khía cạnh chi phí sản xuất, việc ngừng sản xuất penny còn mang lại lợi ích môi trường. Quá trình đúc đồng Penny tiêu tốn điện năng và lượng tài nguyên đáng kể, từ khai thác quặng đồng, tinh chế, cho đến vận chuyển.

Giảm nhu cầu đúc Penny đồng nghĩa với việc giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng khi các quốc gia và doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.

Tranh cãi

Mặc dù vậy, một số chuyên gia kinh tế cá nhân tỏ ra thận trọng. Họ lo ngại việc làm tròn có thể "tích tiểu thành đại," khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt về dài hạn nếu hầu hết cửa hàng ưu tiên làm tròn lên.

Ví dụ, một chuỗi nhà thuốc quốc gia có thể đưa ra chính sách nhất quán làm tròn lên, khiến mỗi giao dịch tiền mặt tăng trung bình 2 cent. Với hàng triệu lượt khách mỗi năm, khoản chênh này không hề nhỏ.

Ngược lại, đại đa số người dân và các tổ chức bán lẻ bày tỏ sự ủng hộ. Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh lọ đồng xu đầy ắp trong nhà và bàn luận rằng việc dùng đồng Penny ngày càng bất tiện, nhất là khi giá trị thực của nó đã quá nhỏ.

Một khảo sát nhỏ do NACS thực hiện cho thấy 68% khách hàng sẵn sàng chấp nhận làm tròn giao dịch, nếu biết rõ mục đích và quy tắc áp dụng.

Việc chính thức ngừng sản xuất Penny có thể diễn ra vào đầu năm sau, theo kế hoạch của Bộ Tài chính. Dù chưa có ngày cụ thể, các ngân hàng dự kiến sẽ thông báo lùi dần việc cấp phát đồng Penny cho các doanh nghiệp.

Nhìn xa hơn, quá trình trên có thể là bước khởi đầu cho việc xem xét lại các đồng xu khác, như Nickel (5 cents) hay Dime (10 cents).

Trong bối cảnh nền kinh tế điện tử phát triển vượt bậc, giá trị vật lý của tiền lẻ đang mất dần ý nghĩa. Một số chuyên gia gợi ý rằng, tương lai, đồng Nickel có thể là đồng tiền lẻ mệnh giá thấp nhất còn tồn tại.

Trên thực tế, Mỹ đã từng tạm ngưng sản xuất đồng Penny vào năm 1814-1815 do chiến tranh và lệnh cấm nhập khẩu đồng từ Anh. Tuy nhiên chúng đã được khôi phục vào năm 1816.

*Nguồn: CNN, Fortune