Làm rõ việc Mobifone mua AVG: Bao giờ công khai?

"Thanh tra Chính phủ cần sớm công khai việc mua bán, sát nhập giữa Mobifone và AVG. Mục tiêu mua cổ phần hóa và giá trị cổ phần là gì?".

Quyết tâm cao của người đứng đầu

Trung ương vừa có chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội hoan nghênh chỉ đạo trên của Trung ương trong việc làm rõ vấn đề mua bán, sát nhập giữa Mobifone và AVG.

Theo ông Đào, cách đây gần 1 năm, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện dự án này. Trong chỉ đạo cũng yêu cầu chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có dấu hiệu vi phạm.

lam ro viec mobifone mua avg bao gio cong khai
Thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG cần phải được làm rõ càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên đến thời điểm này, dư luận vẫn chưa nhận được những kết quả cụ thể về quá trình mua bán, sát nhập trên.

“Mobifone mua bán cổ phiếu của AVG với số lượng tiền lên tới gần 9.000 tỷ đồng thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý càng sớm càng tốt và thông báo rộng rãi, công khai. Bởi lẽ đây là lượng tiền không hề nhỏ. Ngay từ thời điểm 2 bên thông báo về giá cả, dư luận đã đồn đoán về giá trị thật của AVG.

AVG từ khi kinh doanh truyền hình trả tiền doanh thu hàng năm đều thua lỗ. Nhiều ý kiến cho rằng AVG chỉ trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng bị đẩy giá lên tới mức gần 9.000 tỷ đồng. Tại sao Mobifone chấp nhận mua với giá cao như vậy?

Việc này có thật sự đúng hay không thì đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng”, ông Đào đặt vấn đề.

GS Đặng Đình Đào tin tưởng với sự chỉ đạo mới từ Trung ương, quá trình thanh tra, kiểm tra thương vụ mua bán giữa Mobifone và AVG sẽ sớm được làm rõ và trả lời được những băn khoăn của dư luận.

“Với chỉ đạo mới này thì chắc chắn tiến độ sẽ nhanh chóng hơn. Bởi vì dư luận cũng thấy rằng quá trình thanh tra, kiểm tra triển khai hơi chậm. Chúng ta càng làm chậm bao nhiêu thì thất thoát tài sản của nhà nước càng nhiều và khó thu hồi giá trị ban đầu.

Việc này theo tôi cũng thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý các hiện tương tiêu cực, thu hồi tiền của cho nhà nước, đáp ứng được mong muốn của người dân về sự công khai, minh bạch”, ông Đào nhấn mạnh.

Quy trách nhiệm rõ ràng

Một vấn đề khác được GS.TS Đặng Đình Đào nhắc đến đó là hiện tượng, tài sản của nhà nước như: đất đai, cơ sở vật chất hạ tầng khi tiến hành cổ phần hóa thì được định giá rất thấp. Trong khi đó, việc sát nhập, chuyển giao khối tài sản này thường bị đẩy giá lên cao để mang lợi lợi ích cho một nhóm người hoặc cá nhân nào đó.

Đối với thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, vị chuyên gia khẳng định dư luận đã xuất hiện tin đồn ngay từ thời điểm các bên công khai giá trị mua bán.

“Việc này Thanh tra Chính phủ cần phải làm rõ và trả lời dư luận càng sớm càng tốt. Mục tiêu mua cổ phần hóa và giá trị cổ phần là gì? Giá trị chênh lệch kia ai là người hưởng lợi và được sử dụng vào mục đích gì?

Nếu chúng ta không làm chặt chẽ thì tài sản thất thoát của nhà nước sẽ ngày càng nhiều. Nếu cơ quan chức năng làm một cách công khai, minh bạch chắc chắn sẽ sớm tìm ra những vấn đề ẩn chứa đằng sau thương vụ này”, ông Đào nhấn mạnh.

Theo GS Đặng Đình Đào, trong trường hợp sau khi tiến hành thanh tra phát hiện ra có sai phạm trong thương vụ mua bán này, việc làm đầu tiên của cơ quan nhà nước là tiến hành truy thu lại số tiền thất thoát do đã bị đẩy vống lên.

“Số tiền trên là tiền ngân sách nhà nước. Do đó việc tịch thu để đưa trở lại ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết.

Cùng với đó phải tìm rõ ai là người đứng sau thương vụ làm ăn này để xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể theo quy định của pháp luật.

Nếu điều tra phát hiện ra sai phạm mà không xử lý đến nơi đến chốn thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân. Chính phủ đã từng khẳng định, không hề có vùng cấm, bất cứ ai phạm pháp thì đều phải xử lý cho công bằng. Đây là điều mà dư luận mong mỏi bấy lâu nay”, ông Đào chia sẻ.

Để tránh những tình trạng tương tự có thể xảy ra, vị chuyên gia cho rằng cần phải lấy thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG làm bài học kinh nghiệm. Từ đó đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tránh việc một nhóm người lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi.

“Các thương vụ mua bán, sát nhập trên thế giới đã có từ lâu và đều cho thấy hiệu quả. Quan trọng là ở Việt Nam chúng ta có làm theo nó hay không?

Việc này bắt buộc cần phải sự thay đổi từ cơ chế, chính sách cũng như thái độ của các cơ quan quản lý nhà nước. Không thể để tình trạng vì lợi ích nhóm mà bất chấp tất cả, thậm chí gây thiệt hại cho nền kinh tế khi tiến hành cổ phần hóa.

Chúng ta phải làm đến nơi đến trốn, quy trách nhiệm rõ ràng chứ không thể rút kinh nghiệm là xong được”, ông Đào khẳng định thêm.

Hoàng Nam

/ Báo Đất Việt