Làm giáo viên chủ nhiệm, sợ nhất là thiếu lòng kiên nhẫn

 Có con bị ốm từ tối hôm trước, có con sáng đi đến lớp thì bị lạnh, có con chưa ăn sáng…vì thiếu kinh nghiệm nên tôi chưa biết cảm thông, chưa hỏi han tìm hiểu.

“Tiểu học có 2 mảng rất rõ là công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm, giảng dạy thì các con bậc tiểu học cũng không quá nặng nề, nhưng công tác chủ nhiệm lại rất quan trọng.

Tôi nghĩ các con cứ phải thoải mái vui vẻ thì sẽ học được tốt, muốn các con thoải mái vui vẻ thì mình phải làm tốt công tác chủ nhiệm.

Nếu tôi làm bạn được với các con thì vui hay buồn các con đều kể cho mình nghe, những gì các con mong muốn, những chuyện ở nhà, ở lớp, chuyện bạn bè, chuyện khó khăn, sở thích…nếu nắm bắt mình sẽ giúp đẩy được thế mạnh của con lên.

Khi các con được nhìn nhận, phát huy được thế mạnh thì sẽ rất hào hứng trong mọi việc cũng như trong học tập”, cô Hoa nêu quan điểm.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa: Tôi nghĩ các con cứ phải thoải mái vui vẻ thì sẽ học được tốt, muốn các con thoải mái vui vẻ thì mình phải làm tốt công tác chủ nhiệm. Ảnh: Tùng Dương.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa - giáo viên chủ nhiệm lớp 4b, trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội, chia sẻ:

“ Tôi chia các con ra thành nhiều câu lạc bộ như toán, tiếng việt, sử, văn, địa lý, khoa học kỹ thuật…mặc dù chưa biết con có giỏi hay không, miễn các con cứ thích là được.

Sau khi các con được phát huy thế mạnh trong câu lạc bộ, được các bạn nhìn nhận, ngoài ra còn giúp đỡ các bạn khác và các con cảm thấy rất tự hào về điều đó.

Thời gian đầu làm công tác chủ nhiệm, được vài tuần thì tôi nhận thấy mình thiếu lòng kiên nhẫn, thiếu kinh nghiệm, chưa làm mẹ nên không thấu hiểu được các con muốn gì?

Các con học sinh lớp 1 có quá nhiều câu hỏi, cái gì cũng cô ơi, thậm chí có con ngồi bên trong nhưng không biết phải làm sao để đi ra ngoài được nên cứ loay hoay rồi gọi cô ơi.

Nhiều con chưa biết cầm bút viết nhưng có một số đã viết thạo, trình độ các con không đồng đều nhưng tôi không thể hỗ trợ tất cả các con được cùng một lúc, chính vì vậy mà tôi thấy bối rối không biết phải làm sao.

Tôi hỏi các đồng nghiệp và thấy mình phải theo một cái nền của các con lúc xuất phát, những con đã biết viết rồi thì tôi giao cho nhiệm vụ khác, hoặc làm trợ giảng giúp cho những bạn chưa biết viết.

Bản thân tôi tập trung giúp đỡ những em yếu hơn, dần dần tôi cũng bớt bối rối và bình tĩnh trở lại, điều đó cũng là nhờ có các con đã hỗ trợ tôi.

Lúc đó vì thiếu kinh nghiệm làm mẹ nên khi vào lớp có con bị mệt ngủ gục trên bàn, có con bị ốm từ tối hôm trước, có những con sáng đi đến lớp thì bị lạnh, có con chưa kịp ăn sáng…tất cả những việc đó tôi chưa biết cảm thông, chưa hỏi han tìm hiểu.

Giờ đây vào mỗi đầu giờ, tôi dành vài phút để quan sát các con xem nét mặt, trang phục, trạng thái…có gì bất thường hay không để kịp thời xử lý.

Tôi chủ động liên lạc với phụ huynh hỏi xem tình hình của con ra sao, có cần phải lưu ý điều gì như uống thuốc, ăn uống hay không?”.

Tôi luôn tôn trọng sự khác biệt và khuyến khích các con trình bày quan điểm cá nhân. Ảnh: Tùng Dương.

Hạnh phúc phải bắt đầu từ giờ học

Mọi người hay nói trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc nhưng theo tôi thì hạnh phúc phải bắt đầu từ những giờ học.

Các con phải thật vui, thật thích thì mới học được. Bao giờ tôi cũng cho các con chuẩn bị bài từ nhà vì đây là khâu rất quan trọng đối với phần kiến thức mới mà các con sẽ được học vào ngày hôm sau.

“Bắt đầu một buổi học mới, tôi trao đổi với các con những thông tin về xã hội, thời tiết, về các xu hướng mới…các con rất thích và cũng chia sẻ nhiều thứ, giúp cho bầu không khí vui vẻ ngay từ những phút đầu.

Như vậy tôi không không cần phải giao cho các con đọc thêm cái này, cái kia vì các con tự ý thức trong việc cập nhật thông tin để chia sẻ trong những phút đầu giờ. Việc này giúp các em có thêm hiểu biết về xã hội cũng như kỹ năng trình bày trước đám đông.

Với những tiết học đặc trưng thì tôi để các con tự báo cáo đã hiểu và chuẩn bị được những gì cũng như cần biết cái gì trong bài học này? Tôi tiến hành theo hướng giải đáp thắc mắc của các con rồi mới cung cấp kiến thức mới.

Như vậy cảm giác nặng nề trong giờ học hoàn toàn biến mất, thay vào đó là các con được thể hiện quan điểm, hiểu biết của chính mình. Tôi hoàn toàn không theo phương pháp cũ là mở vở kiểm tra bài, giảng bài rồi làm bài tập.

Với các môn như văn, sử, địa…tôi chia lớp ra thành từng nhóm để tìm hiểu các kiến thức về bài đó, ví dụ hôm nay học về một nhân vật lịch sử thì các con sẽ tự tìm hiểu trước rồi sẽ nói cho tôi biết các con đã biết gì và cần biết thêm những gì.

Tiếp đó các nhóm sẽ thảo luận, giải đáp và bổ sung cho nhau những phần còn thiếu, thậm chí là các nhóm phản biện, như vậy các con thấy mình như được làm chủ kiến thức, sẽ rất nhớ và cuối cùng tôi là người chốt, định hướng lại kiến thức cho các con.

Tôi vẫn nói rằng bản thân cô cũng không thể giỏi tất cả các môn được, nhưng trong cuộc sống cần phải có những cái cơ bản, các con lực học không đều nhau nên để xóa những cảm giác sợ học đó, tôi luôn tìm ra thế mạnh ở mỗi con.

Tôi từ từ nói chuyện cho các con hiểu được những cái cần thiết ở mỗi môn học để từ đó các con chủ động và hoàn toàn không bị cảm giác bắt ép.

Tôi khuyến khích các con tự nói ra những điều mình chưa hiểu để nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ cô cũng như các bạn trong lớp, con sẽ được thêm kiến thức, thêm tình bạn, tình thầy trò và với thế mạnh của mình con lại giúp ngược lại cho các bạn khác. Nếu các con cứ giấu đi thì sẽ bị mất rất nhiều thứ”, cô Hoa cho biết.

Chỉ một lời động viên khen ngợi đúng lúc, kịp thời sẽ khiến cho các con có thêm động lực. Ảnh: Tùng Dương.

Phải làm bạn với học sinh

Muốn dạy được thì phải làm bạn với học sinh, nếu giáo viên cứ đứng từ trên nhìn xuống thì sẽ không bao giờ hiểu được.

“Làm bạn với học sinh là phải hiểu các con thích cái gì, muốn cái gì và đang gặp khó khăn ở cái gì?

Tỗi sẵn sàng tìm hiểu sở thích của các con, tôi không bỏ qua một bộ phim, hoặc nhóm nhạc mà các con thích, các hot trend, các trò chơi của con trai, con gái hoặc những đồ chơi mà các con quan tâm.

Khi mà nói đến cái gì cô cũng biết, hỏi gì cô cũng trả lời được thì các con sẽ nghĩ rằng cô như một người bạn, rất gần gũi và sẵn sàng chia sẻ, giải đáp mọi thắc mắc. Mặc dù việc này tốn khá nhiều thời gian nhưng tôi tự nhủ mình luôn phải cố gắng vì các con.

Có nhiều con tâm sự bị bố mẹ cấm cái này cái kia, nên ngay từ buổi họp đầu năm tôi đã phải làm rất tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh, ngay việc sử dụng máy tính thì các con lớp 4 không thể không cho các con tiếp xúc được vì liên quan đến việc học tin học, các cuộc thi rồi còn nhiều kiến thức đều ở trên mạng Internet.

Tôi tư vấn để các phụ huynh biết cách phòng tránh những trang Web xấu, còn với học sinh tôi dạy các con cách thuyết phục bố mẹ chứ tôi không xin hộ.

Nếu con muốn điều gì thì con hãy tự trình bày đi, con phải thuyết phục để làm sao bố mẹ thấy việc đó là cần thiết, có ích cho học tập thì cô nghĩ là bố mẹ sẽ không cấm. Tôi chỉ đứng ra kết nối các con với bố mẹ mà thôi.

Nhiều phụ huynh cũng nói rằng: Học đá bóng làm gì hả cô vì chỉ đá được vài năm thì hết tuổi rồi. Tôi thì lại nghĩ khác, mình cứ nuôi dưỡng sở thích đã, rồi có thể sau này làm phóng viên thể thao, huấn luyện viên hoặc có thể kinh doanh về lĩnh vực thể thao, chẳng hạn như vậy”, cô Hoa, nói.

 Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa và các em học sinh lớp 4b do cô làm giáo viên chủ nhiệm, trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Giáo viên chủ nhiệm cần gì?

“Làm giáo viên chủ nhiệm thì yếu tố đầu tiên vẫn phải là kiến thức, sự hiểu biết về mọi lĩnh vực, trong thời buổi xã hội phát triển như hiện nay thì giáo viên phải rất nhanh nhạy cập nhật liên tục mọi vấn đề, góp phần làm cho những giờ học và bài giảng thêm phong phú.

Giáo viên phải thật tâm huyết, yêu nghề, phải hiểu được tấm lý lứa tuổi học sinh, phải làm bạn được với các con, biết yêu thương, gần gũi thì mọi chuyện tiếp theo như sự gắn kết giữa cô và trò, chia sẻ, tư vấn và các con thích học hỏi…nó sẽ tự đến.


Cô thay đổi, trò hạnh phúc khi đến trườngNội dung

Ngay như trong lớp của tôi không có bảng thành tích vì tôi quan niệm thành tích đạt được là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, nó sẽ được vinh danh khen thưởng ở trong một thời điểm hoặc giai đoạn nhất định, và thường là cuối năm học.

Nhưng để kịp thời, tôi luôn khen ngợi những thành tích rất nhỏ cấp tổ, cấp lớp của các con vì nhiều khi chỉ một lời động viên khen ngợi đúng lúc, kịp thời sẽ khiến cho các con có thêm động lực.

Ngoài ra trong lớp có góc sáng tạo, tất cả những gì các con cho là sáng tạo trong một bài học thì các con sẽ vẽ lên đó để các bạn học tập.

Góc lớp học vui: Mọi khoảnh khắc vui vẻ từ thành tích học tập trong một tiết học, một hoạt động thể thao, sinh nhật bạn bè đều được đưa lên đây.

Góc câu lạc bộ em yêu sách: Tôi luôn khuyến khích các con đọc sách hàng ngày, những cuốn sách hay tôi đã thẩm định đều được giới thiệu ở đây, sau khi đọc nếu thấy có điều gì hay từ cuốn sách đó thì các con sẽ ghi chú để các bạn khác biết và tìm đọc”, cô Hoa nói.

Tùng Dương    02/12/2019

Triệu phú bỏ việc làm giáo viên

54 tuổi, Joe Nicholson, triệu phú ở Anh, quyết định bỏ công việc phát triển phần mềm máy tính để trở thành giáo viên với ...

Tiết lộ giật mình của thạc sĩ tâm lý từng làm giáo viên ở Tâm Việt

 Được đào tạo bài bản chuyên ngành tâm lý nhưng cô gái từng trúng tuyển làm giáo viên ở Tâm Việt đã phải chạy mất ...

Trúng tuyển làm giáo viên nhưng không đi dạy

11 trường hợp dự thi và trúng tuyển làm giáo viên mầm non và tiểu học ở Đà Nẵng không nhận nhiệm sở khiến địa ...

/ giaoduc.net.vn