Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng: “Làm công tác cán bộ phải hết sức vô tư, trong sáng. Một khi có động cơ thì không bao giờ tìm được người tốt, có khi người xấu đươc đưa lên, người tốt bị dìm xuống”.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh điều này với phóng viên khi bày tỏ quan điểm về quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, cũng như việc lựa chọn cán bộ chiến lược cho nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.
- Có thể nói, chưa bao giờ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng được thể hiện và thực hiện mạnh mẽ như năm 2018. Theo ông, vì sao công tác này đạt kết quả và tạo hiệu ứng tích cực như vừa qua?
Quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ luôn được Đảng đặt ra từ trước đến nay, tuy có lúc vẫn chưa thể hiện được tinh thần này, hay nói cách khác là làm chưa triệt để, nên tiêu cực vẫn cứ len lỏi đâu đó, gặp điều kiện, cơ hội thuận lợi là nảy sinh.
Những năm gần đây, đặc biệt trong 2 năm 2017, 2018, từ kinh nghiệm trong đấu tranh với tiêu cực những thời gian trước, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học, trong đó có việc thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng đó; rồi chúng ta cũng đặc biệt rút kinh nghiệm trong bộ máy lãnh đạo, vì thế công cuộc đấu tranh chống tiêu cực chúng ta đang được triển khai rất bài bản và thu được hiệu quả tích cực.
Kết quả đó theo tôi là hệ quả của cả quá trình vừa xây dựng, vừa giáo dục, thể hiện ý chí đấu tranh mạnh mẽ với tiêu cực để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy. Qua quá trình đó, mỗi cán bộ, đảng viên cũng rút ra bài học thực tế cho bản thân mình, người yếu kém phải tự sửa sai lầm, khuyết điểm của mình, như vậy cái xấu sẽ ngày càng ít đi, người tốt thì tiếp tục phát huy và tự răn bản thân giữ mình tốt hơn.
Quần chúng nhân dân qua đó đặt thêm lòng tin ở Đảng, tự thấy cũng cần có trách nhiệm phải thẳng thắn, sẵn sàng báo cáo với Đảng những hiện tượng, con người tiêu cực. Tổng hợp những yếu tố đó làm cho cuộc đấu tranh chống tiêu cực có thêm động lực để làm mạnh mẽ, triệt để, quyết liệt hơn. Đó là công lao chung của cả nhân dân và đội ngũ cán bộ. Tôi thấy rất đáng mừng.
Cách làm minh bạch, bài bản khiến cho mọi đúng sai đều rõ ràng
- Đảng ta luôn nhấn mạnh kết hợp giữa xây và chống, chống và xây, ngăn chặn phòng ngừa, mở đường cho đối tượng sửa chữa, tiến bộ; Xử lý nghiêm khắc nhưng có lý có tình, không đao to búa lớn, người bị xử lý tâm phục khẩu phục, làm quyết liệt nhưng giữ được ổn định, không gây đổ vỡ. Cách làm này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Đó là cách làm đúng. Chúng ta làm kiên quyết, tích cực, triệt để không phải để dìm một ai đó xuống tận bùn đen, mà làm cho con người đó thấy được cái sai của mình để sửa chữa, để chuyển biến, tất nhiên sai phạm đến mức phải kỷ luật thì vẫn phải làm, thậm chí có người phải vào tù. Nhưng dù là vào tù thì họ cũng nhận thức rõ cái sai của mình, phấn đấu cải tạo, sửa chữa để quay trở về làm người tốt.
Những người đang làm tốt, không mắc khuyết điểm cũng không nên lấy đó để mừng hay lo, mà hãy lấy cái sai của người khác, làm bài học cho mình, không những thế còn phải cảnh giác với chính mình. Làm được như vậy, bộ máy của ta sẽ mạnh lên, không có chỗ cho tiêu cực lấp ló, rình mò kéo cán bộ ta sập bẫy, sa vào con đường hư hỏng.
Bên cạnh đó, phải nhấn mạnh rằng, cách làm minh bạch bài bản khiến cho mọi đúng sai đều rõ ràng. Tinh thần đó theo tôi rất tốt, không gây xáo trộn, đảo lộn mà ai cũng thấy phấn khởi, hào hứng chứ không phải căm thù, xa lánh.
Tất nhiên, như thế không có nghĩa là tiêu cực đã biến mất mà vẫn còn lấp ló đâu đó, nếu không cảnh giác nó có thể quay trở lại quật ngã bất cứ lúc nào. Những tiêu cực trong con người có thể diễn ra bất cứ lúc nào, trong những hoàn cảnh khác nhau, chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố, nếu mỗi cá nhân không giữ vững được lập trường cách mạng sẽ rất dễ bị cám dỗ, sa ngã.
Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi cá nhân, từng người phải tự cảnh giác với chính mình, từ cán bộ cấp thấp đến cấp cao, tự soi mình xem làm có đúng đắn không, có khi nào vi phạm bản chất cách mạng không; Phải đấu tranh thường xuyên với những tồn tại, hư hỏng không để cái xấu chi phối. Như thế mới mong tiêu cực không thể chiếm lĩnh trong Đảng, tổ chức nhà nước luôn trong sạch, dứt khoát đất nước sẽ phát triển.
Năm 2018, nhiều quy định quan trọng đã được Trung ương ban hành trong năm 2018, tạo cơ sở cho việc đánh giá, xử lý cán bộ một cách minh bạch, rõ ràng bên cạnh quyết tâm mạnh mẽ trong chỉnh đốn cán bộ.
Người cán bộ, đức - tài phải gắn với nhau
- Trước thực tế, thời gian qua có không ít cán bộ cấp cao bị kỷ luật vì sai phạm, theo ông, việc giới thiệu nhân sự quy hoạch cho nhiệm kỳ 2021-2026 cần đặc biệt chú ý điều gì?
Người cán bộ phải xem đức - tài thế nào, hai cái phải gắn với nhau. Anh có đức mà không có tài thì không làm được, dù có đức mà không có tài thì anh có tốt đến mấy cũng chỉ ngồi không, không phát triển được đất nước thì rất nguy hiểm, vì yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng ngày càng lớn.
Phải đặt vấn đề đức và tài luôn gắn chặt với nhau, đó cũng là yêu cầu với cán bộ, từng người phải thấu hiểu vấn đề đó. Anh đã làm cán bộ thì phải tự xem đức của mình, tài thì xem anh làm được việc gì, quần chúng nhân dân đánh giá những cống hiến của anh ra sao, có công nhận không.
Tài thì có thể đánh giá khách quan, nhưng đức thì tự cán bộ trước hết phải xem lại mình, tự mình đánh giá đã đúng đắn chưa. Có như thế thì mới gắn bó với công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân mà không đòi hỏi điều kiện. Người có tài có đức, khi nhận nhiệm vụ anh sẽ làm đến nơi đến chốn.
Cán bộ phải luôn tâm huyết, chứ không thể chăm chăm lo làm sao chạy cho được chỗ nọ, chỗ kia, sẽ tạo ra các hiện tượng tiêu cực. Theo tôi, tiêu cực tuy đã hạn chế nhưng không phải không còn.
Đánh giá tiêu cực phải thật kỹ, nếu lơ mơ rất nguy hiểm
- Vậy vào thời ông giữ cương vị Tổng Bí thư, công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được thực hiện thế nào? Có gì khác so với hiện nay?
LKP-17 5
Làm công tác cán bộ phải hết sức vô tư trong sáng. Một khi có động cơ thì không bao giờ tìm được người tốt, có khi người xấu được đưa lên, người tốt bị dìm xuống.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Cũng tương đối giống nhau, đưa ra diện chúng ta cần xem xét, đánh giá từng mặt. Ta phải tìm nguồn cán bộ, đặt ra những yêu cầu thế nào, rồi xem xét, đánh giá. Đội ngũ làm công tác cán bộ phải vô tư trong sáng, còn nếu có động cơ mục đích nào đó thì cái xấu vẫn có thể len vào được, cái tốt bị làm cho mờ đi.
Ta chuẩn bị đưa cán bộ vào Trung ương, Bộ Chính trị đều có rất nhiều ý kiến khác nhau, người đánh giá thế này, người đánh giá thế kia, người khen thế này, người chê thế kia. Vậy thế nào là đúng? Với mỗi con người phải xem cái gì chi phối khiến họ không tốt, vì sao có chuyện đó. Tìm ra được nguyên nhân mới tìm ra bản chất thực nhất của một con người. Có những người, cái xấu ở họ chỉ là nhất thời, nhưng có người, cái xấu thành bệnh mãn tính.
Làm công tác cán bộ theo tôi phải nắm chắc cái này, phải hết sức vô tư trong sáng. Một khi có động cơ thì không bao giờ tìm được người tốt, có khi người xấu được đưa lên, người tốt bị dìm xuống.
Thực tế này vẫn có chứ không phải đã hết nhẵn đâu. Rốt cuộc thì cũng là con người với con người, nếu thân quen anh sẽ đánh giá khá, không thân quen cũng sẽ đánh giá khác. Người vô tư trong sáng sẽ đánh giá khách quan được bản chất của một con người.
Ngày xưa, với những người đánh giặc giỏi, chỉ huy rất giỏi nhưng nóng tính, nếu đánh giá sai sẽ không được sử dụng, sử dụng anh nịnh bợ thì dẫn tới chỉ huy chuyên môn sai, thất bại, thương vong nhiều.
- Bộ Chính trị đã ban hành những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho chức danh thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ông có cho rằng những tiêu chí, tiêu chuẩn này sẽ giúp loại những cán bộ không xứng đáng, lựa chọn chính xác hơn?
Có chứ, nếu anh làm đúng. Mọi người đều phải vô tư trong sáng thì mới đánh giá được. Đánh giá về con người, nhất là về mặt tiêu cực phải đánh giá cho kỹ, nếu đánh giá một cách lơ mơ rất nguy hiểm, người tốt thì bị loại, người giả tạo giỏi che giấu cái hư hỏng bên trong lại được trọng dụng. Người cán bộ trung thực, tính tình thể hiện tương đối rõ, đó mới là người xứng đáng.
- Xin cảm ơn ông.
Bí thư Thành ủy TP HCM nói về Thủ Thiêm, công tác cán bộ
TP HCM đã có 3 cuộc làm việc với các chủ tịch và phó chủ tịch UBND TP qua 5 nhiệm kỳ để làm rõ ... |
“Biết” thì dễ nhưng “thấy” thì khó?
Biết là có cán bộ thoái hóa biến chất, biết là có cán bộ cơ hội, biết là có nạn chạy chức, chạy quyền, chạy ... |
Nếu cán bộ... quen nghe chửi?
Tôi xin kể cho bạn đọc nghe câu chuyện của ông, một Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Thành ủy của một thành phố thuộc ... |
Vì sao khó xử lý vi phạm trong công tác cán bộ?
Dư luận đặt ra câu hỏi, không có chế tài nghĩa là dù vi phạm vẫn được tồn tại và người làm sai không phải ... |