Từ đâu năm đến nay, liên tiếp xảy ra tình trạng nhiều lái xe thanh toán bằng tiền lẻ khi qua các trạm thu phí BOT Bến Thủy (Nghệ An), Cai Lậy (Tiền Giang), và mới đây nhất là trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa (Đồng Nai), dẫn đến tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông cục bộ ở các trạm thu phí này. Đây như là một cách thể hiện sự phản ứng của lái xe về những bất hợp lý còn tồn tại hiện nay ở các trạm thu phí.
Tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: H.A.C |
Nhập nhằng đặt trạm thu phí
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc cho người dân và giới lái xe tại các trạm thu phí vừa qua, song trong đó có một điểm chung là sự bất hợp lý trong việc đặt các trạm thu phí. Đối với trạm thu phí BOT Bến Thủy I và Bến Thủy II được lập ra để thu phí hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh thành phố Vinh và quốc lộ 1A mở rộng, đoạn nam cầu Bến Thủy 2 đến đường tránh TP.Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, đáng nói trong đó, trạm thu phí ở cầu Bến Thủy 1 không đặt trên tuyến đường BOT nhưng ô tô của người dân địa phương qua lại vẫn bị thu phí. Còn đối với trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), ban đầu mục đích chính là thu phí cho dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó trong quá trình đầu tư dự án tuyến tránh thì các cơ quan liên quan bổ sung thêm công trình cải tạo quốc lộ đoạn qua thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy, khoảng 300 tỉ đồng.
Chính vì vậy mà trạm thu phí được đặt trên quốc lộ nhằm thu phí luôn cho cả 2 hướng tuyến (quốc lộ và tuyến tránh thị xã Cai Lậy). Tương tự, trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa (Đồng Nai), mục đích chính là thu phí cho dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Biên Hòa, tuy nhiên do có cải tạo thêm một đoạn quốc lộ khoảng 10km nên trạm thu phí cũng được đặt tại vị trí mà thu luôn cả hai hướng quốc lộ và tuyến tránh Biên Hòa. Và nhiều người ví von trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa là trạm “Cai Lậy 2”...
Điểm qua các trạm thu phí trên để thấy rằng, có sự nhập nhằng trong quá trình triển khai các dự án BOT cũng như vị trí đặt trạm thu phí. Ở trạm thu phí Bến Thủy (Nghệ An), thì quá rõ, dù không sử dụng dịch vụ tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT, song người dân vẫn bị buộc trả phí cho cả những tuyến đường được đầu tư BOT nhằm phục vụ cho việc hoàn vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Người dân không sử dụng dịch vụ nhưng lại bị bắt trả tiền thử hỏi làm sao không bức xúc. Còn đối với trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) và trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa (Đồng Nai), thì lại có một sự nhập nhằng khi triển khai dự án. Bởi ai cũng biết, mục đích chính ban đầu của những dự án BOT này là làm tuyến đường tránh, tuy nhiên nếu việc đặt trạm thu phí ở trên tuyến đường tránh thì nguy cơ để lọt xe đi qua đoạn quốc lộ rất lớn, từ đó dẫn đến nguồn thu phí sụt giảm.
Có lẽ vì vậy nên từ nhà đầu tư cho đến các ngành liên quan đành thống nhất “vẽ” ra thêm dự án nâng cấp cải tạo một đoạn quốc lộ đi qua địa phương, rồi sau đó đặt trạm thu phí ngay vị trí đắc địa nhằm thu phí luôn cho cả hai hướng quốc lộ và tuyến tránh.
“Sự nhập nhằng này khiến cho tài xế chúng tôi cảm thấy khó chịu. Bởi dự án đầu tư làm tuyến tránh đàng hoàng và nếu chỉ thu phí trên tuyến đường này thì chúng tôi có thể chấp nhận. Đằng này, họ cải tạo đoạn quốc lộ đã có sẵn hàng chục năm nay rồi gộp chung để thu phí luôn một thể thì chẳng khác nào tận thu, làm sao chúng tôi chịu nổi” – một tài xế khi qua trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa (Đồng Nai) phản ánh.
Việc đặt trạm thu phí BOT bất hợp lý khiến tài xế phản ứng bằng cách trả tiền lẻ khi qua trạm. Ảnh: H.A.C |
Đầu tư BOT nhưng cần sòng phẳng với dân
Trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp thì chủ trương kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông bằng hình thức huy động các nguồn lực bên ngoài xã hội là hết sức cần thiết, trong đó có phương thức đầu tư BOT ( xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Phải thừa nhận rằng, trong những năm qua, với hình thức đầu tư BOT đã góp phần lớn trong việc phát triển thêm cầu đường, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân.
Tuy nhiên, một số chuyên gia giao thông cũng cho rằng, nếu chúng ta quá lạm dụng hình thức đầu tư BOT cũng như quá ưu ái cho nhà đầu tư BOT, trong khi thiếu sự minh bạch và sòng phẳng với người dân thì BOT sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” – mà những vụ lùm xùm vừa qua là những minh chứng cho vấn đề này.
Theo tiến sĩ Phạm Sanh, chỉ nên đầu tư các dự án BOT ở những tuyến đường làm mới, bên cạnh những tuyến đường hiện hữu, và chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến đường làm mới đó. Nếu người dân muốn lưu thông trên đường tốt, êm thuận, chất lượng đảm bảo và rút ngắn thời gian thì phải chấp nhận trả phí cao, còn không thì vẫn có sự lựa chọn lưu thông trên tuyến đường cũ, chất lượng xấu, thời gian lưu thông chậm.
Trong khi nhiều dự án BOT hiện nay, thì người dân không có sự lựa chọn, dù đi trên đường làm mới hay đường cũ có sẵn được cải tạo lại thì đều bị thu phí, như vậy là chưa sòng phẳng và công bằng với người dân.
“Nếu các địa phương, bộ ngành vẫn lạm dụng đầu tư theo hình thức BOT như vừa qua thì càng ngày càng nhiều trạm thu phí mọc lên. Mà càng nhiều trạm thu phí thì cũng đồng nghĩa với gánh nặng chi phí càng cao, và tất cả chi phí này rồi được tính hết vào giá thành sản phẩm hàng hóa, cuối cùng chịu thiệt thòi không ai khác là người dân tiêu dùng” – tiến sĩ Phạm Sanh chia sẻ.
Còn theo luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn luật sư TPHCM), hiện nay có tình trạng nhiều tuyến đường, nhất là tuyến quốc lộ đã có sẵn từ mấy chục năm qua, sau đó được địa phương hay Bộ GTVT kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cải tạo, nâng cấp theo hình thức đầu tư BOT và cho đặt trạm thu phí hoàn vốn. Điều này rất vô lý. Bởi hiện nay, những cá nhân, tổ chức có phương tiện xe ô tô đều bắt buộc đã phải nộp phí bảo trì đường bộ rồi và số tiền này hằng năm thu được là một con số khổng lồ.
Lẽ ra, phải sử dụng nguồn thu này để phục vục cho việc bảo trì, cải tạo những tuyến đường có sẵn, đường quốc lộ thì các địa phương, Bộ GTVT lại cho đầu tư bằng hình thức BOT và đặt trạm thu phí hoàn vốn công trình. “Việc này chẳng khác nào thu phí thêm một lần nữa ngoài phí bảo trì đường bộ đã thu – tức phí chồng phí” – luật sư Quốc Minh nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, giải quyết những lùm xùm tại các trạm thu phí vừa qua theo cách giảm phí cho người dân là chưa giải quyết được bản chất của vấn đề, mà mấu chốt là phải trả các trạm thu phí về đúng vị trí của các dự án BOT.
“Nếu viện lý do di dời trạm thu phí gây tốn kém hoặc không đảm bảo an toàn giao thông thì có thể lựa chọn phương án khác minh bạch và sòng phẳng hơn, đó là lắp đặt camera để xác định những xe có lưu thông trên đường của dự án BOT thì thu phí, còn không lưu thông thì không thu phí như từng được TPHCM áp dụng tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội cách đây mấy năm” – một thành viên Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đề xuất.
Trước đây tại TPHCM, dư luận cũng từng bức xúc với trạm thu phí đặt trên Xa lộ Hà Nội nhằm thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ. Ban đầu dù các phương tiện không lưu thông trên đường Điện Biên Phủ (chỉ lưu thông trên Xa lộ Hà Nội), song mỗi khi xe qua trạm đều phải trả phí. Sau khi dư luận lên tiếng phản ứng sự bất hợp lý này, thì chủ đầu tư và các cơ quan liên quan của TPHCM đã phối hợp lựa chọn phương án lắp đặt camera ở khu vực gần cầu Sài Gòn (một ranh giới nhằm xác định xe có lưu thông qua đường Điện Biên Phủ hay không), để làm cơ sở thu phí. Và phương án này đã được giới lái xe đồng tình và ổn thỏa cho đến khi việc thu phí hoàn vốn của tuyến đường Điện Biên Phủ hoàn tất. |
(https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/lai-xe-tra-tien-le-khi-qua-tram-thu-phi-vi-dau-nen-noi-564440.ldo)
Phó tổng BOT 25 tuổi: Tiết lộ bất ngờ
Trong một dịp tình cờ, Nguyệt nhận lời về làm việc tại BOT Cần Thơ–Phụng Hiệp. Hơn 2 năm sau thì được bổ nhiệm làm ... |
Cần Thơ đòi xử tài xế dùng tiền lẻ trả phí BOT?
"Tôi không biết lấy thông tin đó ở đâu. Ai mà lại có yêu cầu kỳ cục như vậy." |
Ra chợ bán kỷ vật người yêu cũ: Bán cho vơi bớt nỗi lòng
Có một phiên chợ đặc biệt ở Hà Nội mở vào cuối tuần, nơi người ta mang bán hết mọi thứ liên quan đến “người ... |
BOT giao thông: Người nghèo mới "thấm đòn"nhiều nhất!
“Chúng tôi là đối tượng bị tác động của BOT, tác động trực tiếp nên chúng tôi “thấm đòn” – Chủ tịch hiệp hội Vận ... |