Ở hiện trường vụ lái xe taxi vật lộn với tên cướp, không chỉ có viên công an đứng nhìn, mà còn không ít người xem, lướt qua. Đó là biểu hiện của sự vô cảm tột đỉnh?
Trong vụ lái xe taxi vật lộn, khống chế tên cướp manh động ở đường Cienco 5 (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), người ta đã nói rất nhiều về cán bộ công an "lạ lùng" vì sự bàng quan, thờ ơ không thể giải thích nổi của anh ta khi thản nhiên đứng bấm điện thoại trong lúc tính mạng của dân bị đe dọa. Tôi cũng đã nói về điều đó qua bài báo "Chiến sỹ đứng nhìn dân vật lộn kẻ cướp hung ác là nỗi đau của công an chân chính".
Giờ, tạm gác câu chuyện đó lại. Vậy, mọi thứ đã xong ư? Chưa! Thực lòng, tôi chưa thấy mọi thứ có thể dừng lại!
Bởi nếu bình tĩnh xem lại từng khoảnh khắc trong video vật lộn đó, với cánh cửa taxi đầy máu, với sự quyết liệt của lái xe để đè tên cướp hung tợn xuống đất, chúng ta vẫn thấy có một số người đứng nhìn, một vài người chạy xe qua, tò mò ngó nghiêng rồi... bỏ đi. Bản thân anh tài xế sau đó cũng kể lại: "Lúc lôi được hắn ra đường, tôi vừa vật lộn để chống trả vừa hô to để cầu cứu người xung quanh. Dù thời điểm đó có nhiều xe cộ qua lại nhưng không có ai dừng để giúp đỡ tôi. Một số người dân đứng gần đó còn cầm điện thoại để chụp ảnh, quay phim".
Tại hiện trường, một số người đứng chứng kiến và... không làm gì cả! |
Đương nhiên, họ không đáng trách như viên công an kia. Nhưng tôi đã nói là tạm gác chuyện của viên công an lại rồi. Vậy, những người dân đó, khi chứng kiến một người đang giành giật sự sống với kẻ hung tợn nhưng chỉ đứng nhìn, bỏ đi thì có bình thường không?
Tôi tin rằng, câu trả lời chắc chắn là không!.
Tôi chợt liên tưởng tới những vụ việc từng làm nóng dư luận ở Trung Quốc, khi có nạn nhân bị tai nạn giao thông, bị cướp giật, nhưng những người xung quanh chỉ liếc nhìn rất nhanh rồi thản nhiên bỏ đi, coi như chẳng có chuyện gì.
Họ cho rằng đó không phải là việc của họ, một sự "cho rằng" đầy vô cảm!
Ở sự việc bắt cướp vừa rồi, những người chứng kiến vệt máu thấm đẫm chiếc áo trắng của anh lái xe, chứng kiến hơi thở hổn hển, gấp gáp để quyết đè kẻ thủ ác xuống mà không hành động, không hỗ trợ, thì cũng vô cảm tương tự.
Câu chuyện này, tôi biết, nếu đưa ra để bàn luận, thì sẽ luôn luôn có 2 luồng tranh cãi ngược chiều nhau. Sẽ rất nhiều người cho rằng: "Làm việc nghĩa thời nay đâu có đơn giản như vậy!", "Chẳng có vụ làm việc tốt, rồi lại bị đâm, vì nhầm thành thủ phạm đấy ư?", "Tự nhiên dính vào chuyện máu me, không phải đầu, cũng phải tai", "Không cẩn thận, còn dính vào vụ án, rồi trình báo mệt"... Nhiều, nhiều lắm!
Họ nói thế có sai không? Không hoàn toàn sai! Nhưng đã bao giờ bạn thử nghĩ, nếu tới thời điểm nào đó, bạn rơi vào hoàn cảnh nạn nhân thì sao?
Sau đó, đã có một người dân vào hỗ trợ lái xe taxi để khống chế tên cướp |
Không may, bạn bị kẻ cướp giật mất túi xách. Bạn có kêu thét, nhờ mọi người hỗ trợ không?
Không may, bạn bị ngã ra đường sau một cú va chạm. Bạn có mong muốn một bàn tay nào đó giơ ra, kéo bạn dậy, dắt xe vào lề đường và kiểm tra vết thương?
Không may - đơn giản hơn - bạn bị mất điện thoại. Bạn có muốn gọi nhờ một cuộc giữa đường, để báo cho người thân tới hỗ trợ?
Tất cả, nếu bị đáp lại bằng sự thờ ơ, vô cảm, "không phải việc của mình", để bạn bơ vơ tự đối phó với đống rắc rối, bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là, nếu vô cảm, người ta có thể viện ra hàng trăm nghìn cái cớ để lý giải, song cuối cùng nó chẳng giải quyết điều gì một khi bạn đã nhắm mắt làm ngơ.
Làm việc tốt có thể gặp rắc rối. Bởi thế, nếu muốn làm việc tốt, hãy nâng cấp tri thức của bản thân, để hiểu mọi tình huống có thể xảy ra, và chủ động với tất cả.
Làm gì có sự tốt đẹp nào mà không đòi hỏi trí thông minh, lòng tử tế, sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm? Xã hội này, ai cũng muốn nó tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng ý thức rằng, sự tốt đẹp đến từ những điều rất cụ thể như đã kể ở trên.
May mắn làm sao, trong sự việc lái xe taxi khống chế tên cướp, có một người dân lao vào hỗ trợ. Ngoài ý nghĩa thiết thực ở sự hỗ trợ đó thì sự nhiệt tình của người dân ấy còn khiến tôi tin rằng, khi sự vô cảm trong xã hội có thể lên đến tột đỉnh, thì vẫn còn đó những con người "máu lửa" và tử tế.
Tôi chỉ còn biết nói rằng: Cảm ơn anh - người đã hạn chế sự vô cảm của đám đông!
TRUNG HIẾU