Được giao đất từ giữa năm 2005 và dù được địa phương tạo điều kiện hết mức, nhưng dự án “Khu đô thị hai bên đường nối phường Hồng Hải với các phường Hà Lầm, Hà Trung, TP.Hạ Long” (Dự án khu đô thị đường nối phường) của Cty CP Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Quảng Ninh không chỉ quá chậm về tiến độ, mà còn hành dân đến khốn khổ.
Những ngôi nhà xuống cấp do 14 năm qua không được sửa sang vì dự án. Ảnh: Nguyễn Hùng
Những tưởng sau khi bị cắt phần lớn diện tích cho FLC xây dựng sân golf, phần còn lại sẽ bị thu hồi, thì mới đây, tỉnh Quảng Ninh lại giao cho chính Cty CP Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Quảng Ninh, nghiên cứu quy hoạch phần diện tích còn lại để tiếp tục thực hiện dự án, khiến dân chỉ còn biết than trời.
Đất của mình, quyền của người khác
Anh Hoàng Văn Hải, trú tại tổ 2, khu 7A, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long chua xót cho xem quyết định phạt gia đình anh 55 triệu đồng và phải tháo dỡ công trình vì xây nhà không phù hợp với quy hoạch được phê tại QĐ 366 của UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 5.2.2018.
Ngôi nhà cũ của vợ chồng anh vẫn còn đó, được dựng tạm bợ từ năm 2002, xiêu vẹo, mái nhà chằng chịt các loại vải bạt che mưa. Sát bên cạnh, chính là ngôi nhà bị sập do bùn đất từ “Dự án khu đô thị đường nối phường” đổ xuống, khiến hai người tử vong năm 2009.
Từ khi có “Dự án khu đô thị đường nối phường” năm 2005, hàng trăm ngôi nhà nằm trong ranh giới dự án thuộc 3 phường không được phép sửa sang, nên xuống cấp trầm trọng. “Xà ngang, xà dọc gẫy hết rồi. Đêm nào mưa, vợ chồng tôi đều không dám ngủ vì sợ mái nhà sập” – vợ anh Hải bức xúc.
“14 năm qua không dám sửa sang gì, đến ngày 17.7.2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định thu hồi dự án thì gia đình tôi mới dám xây nhà mới. Tuy nhiên, ngày 2.4.2018, UBND phường Hồng Hải lập biên bản xử phạt hành chính do vi phạm quy hoạch được duyệt tại QĐ 366 của UBND tỉnh Quảng Ninh, ký ngày 5.2.2018” – anh Hải phân trần – “Quy hoạch có sau quyết định thu hồi dự án rất lâu. Hơn nữa, khi giao cho Cty CP Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Quảng Ninh nghiên cứu lập quy hoạch phần đất còn lại nhưng đến gần Tết Nguyên đán 2018, chính quyền mới họp để công bố, lấy ý kiến nhân dân. Lúc đó, chúng tôi đã triển khai xây nhà được gần nửa năm rồi”.
Những người dân tham dự buổi công bố đó cho biết, họ như “chết” thêm một lần bởi dự án vẫn tiếp tục được thực hiện dù ở quy mô nhỏ hơn, bởi 14 năm qua đã quá khổ sở vì dự án này, trong khi rất nhiều dự án khác chậm tiến độ đều bị thu hồi. Đại diện các hộ dân có 2 yêu cầu: đền bù giải phóng mặt bằng theo giá thị trường, bởi đây là dự án kinh doanh bất động sản; và, không giao cho Cty CP Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Quảng Ninh thực hiện dự án.
Khổ đến bao giờ?
Năm 2005, để thực hiện dự án, Cty trên được UBND tỉnh Quảng Ninh giao 726.304m2 đất nằm trên 3 phường: Hồng Hải, Hà Lầm, Hà Trung, với 513 hộ bị ảnh hưởng, 263 ngôi mộ phải di dời. Tuy nhiên, cho đến tận năm 2010, chủ đầu tư mới làm được phần việc là đào, bới nham nhở những quả đồi vốn là rừng xanh, trong khi việc đền bù giải phóng mặt bằng chưa được là bao, do dân không đồng ý bởi giá quá thấp.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý điều chỉnh giảm quy mô dự án, xuống còn 572.575m2, với số hộ ảnh hưởng còn 195 hộ. Dẫu vậy, theo đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Hạ Long, cho đến tận năm 2015, mọi việc vẫn y như cũ.
Trước tiến độ “rùa bò” của một dự án trên vùng đồi đẹp, năm 2016, UBND tỉnh quyết định giao khoảng 68% diện tích của “Dự án khu đô thị đường nối phường” để tập đoàn FLC đầu tư xây dựng Dự án “Quần thể sân golf, Khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp”.
Chỉ trong vòng 2 năm thi công, nhiều hạng mục quan trọng của dự án FLC đã hoàn thành, đưa vào khai thác, trong khi đó, trong vòng 14 năm qua, những gì mà “Dự án khu đô thị đường nối phường” thực hiện vẫn chỉ là những ngọn đồi xanh bị phá tan hoang và hàng trăm hộ dân sống dở, chết dở.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho Cty CP Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh lại tiếp tục giao cho Cty này tự bỏ kinh phí nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết đối với 32% diện tích còn lại, tương đương khoảng 18,5ha, nhưng lại nằm ở 5 vị trí khác nhau.
Với quy mô thu hẹp hơn nhiều so với ban đầu, nhiều hộ dân thở phào vì thoát “án tử”, nhưng riêng tại khu 7A, phường Hồng Hải, theo người dân vẫn còn khoảng 40 hộ nằm trong dự án.
“Liệu có tin được không khi ở giữa trung tâm TP.Hạ Long có những người sống khổ như chúng tôi tôi. Dự án bắt đầu khi con tôi chưa ra đời, nay cháu đã học hết lớp 8. Giờ lại giao cho họ tiếp tục làm dự án thì chúng tôi biết sống thế nào?” – vợ anh Hải than thở.
Theo những người dân ở đây, nếu tỉnh cho tiếp tục làm thì nên yêu cầu chủ đầu tư đền bù giải phóng mặt bằng nhanh, theo giá thị trường và tái định cư hợp lý, để dân sớm ổn định cuộc sống.
“Nhà, đất của chúng tôi, người khác đến xin mua lại để kinh doanh kiếm lời, thế mà để chúng tôi khốn khổ suốt bao năm qua. Chẳng lẽ chúng tôi không có quyền gì trên mảnh đất, ngôi nhà của chính mình. Tại sao chỉ ưu ái doanh nghiệp, mà không màng gì tới quyền lợi của người dân?” – ông Nguyễn Thanh Đàm, trú tại tổ 2, khu 7A, phường Hồng Hải bức xúc.
Forbes công bố 10 lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực nhất toàn cầu
Trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới Forbes vừa công bố, tạp chí này cũng chọn ra 10 lãnh đạo DN quyền ... |
46% sự cố an ninh mạng là do nhân viên bất cẩn
Nghiên cứu của Kaspersky Lab và B2B International cho thấy việc thiếu nhận thức về an ninh công nghệ thông tin của nhân viên là ... |
Giao đất vàng giá bèo cho doanh nghiệp
Hơn 6.500 m2 đất giữa trung tâm TP Vinh có giá thị trường khoảng 20 triệu đồng/m2 đang được tỉnh Nghệ An giao cho một ... |