Song song với việc giảm lãi suất huy động, mới đây Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm 2023.
Trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cử tri tỉnh Thanh Hoá đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Trả lời cử tri tỉnh Thanh Hoá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng đã được ban hành và triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành.
Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức 4%/năm.
Theo thống kê, đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng Việt Nam đồng của ngân hàng thương mại giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3% tùy đối tượng khách hàng đối với khoản vay mới.
"Các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5% trong 6 tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước cũng trình cấp có thẩm quyền triển khai chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù.
Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt trên 51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (đa phần là doanh nghiệp tư nhân) đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 3,5% so với cuối năm 2022, chiếm 18,4% tổng dư nợ nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi, niêm yết công khai lãi suất tiền gửi, triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung về việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
"Các tổ chức tín dụng tích cực chủ động truyền thông về việc giảm lãi suất cho vay; đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ", thông báo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phải theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn để có giải pháp, đề xuất phù hợp trong việc triển khai chính sách của Ngân hàng Nhà nước; chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm chi tiêu, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.
https://markettimes.vn/lai-suat-cho-vay-se-tiep-tuc-giam-trong-nhung-thang-cuoi-nam-39453.html