Lá thư cuối cùng của Đảo phó Gạc Ma

Ngày 8/3/1998, sau khi bão tan, tại Cam Ranh, thiếu úy Trần Văn Phương tiếp tục viết lá thư gửi về cho gia đình, không ngờ đây lại là lá thư cuối cùng.

“Tình hình ngoài biển hiện nay rất nghiêm trọng, Trung Quốc đưa nhiều tàu và quân đội đến để chiếm đảo… Tối nay hoặc sáng mai con phải đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường bảo vệ Tổ quốc dù có hy sinh con cũng không sợ…” – đó là những dòng thư cuối cùng Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương gửi về cho ba mẹ trước khi theo tàu ra biển bảo vệ Gạc Ma, bảo vệ Trường Sa.

"Bảo vệ Tổ quốc dù có hy sinh con cũng không sợ..."

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3, trong ngôi nhà nhỏ của bà Hồ Thị Đức (SN 1931, trú thôn Đơn Sa, P.Quảng Phúc, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) lại có rất nhiều người đến thăm hỏi.

Bà Đức là thân mẫu của Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa đã cùng với đồng đội anh dũng hy sinh trong trận chiến không cân sức với hải quân Trung Quốc và tạo nên “vòng tròn bất tử” 30 năm về trước để giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

la thu cuoi cung cua dao pho gac ma

Lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma hàng năm vẫn được tổ chức trang trọng trước phần mộ liệt sỹ Trần Văn Phương ở nghĩa trang liệt sỹ Quảng Phúc.

Đã 30 năm trôi qua, nhưng bà Đức vẫn nhớ rất rõ về người con trai của mình. “Nhà tôi gần biển nên sau khi được tin nó hy sinh, lúc nào nhớ nó tôi lại ra biển cho đỡ nhớ” – bà Đức tâm sự.

Thiếu úy Trần Văn Phương là con trai đầu lòng của bà Đức, sau anh Phương còn có 3 người em. Theo lời bà Đức, anh Phương từ nhỏ rất ngoan, chăm chỉ học hành, luôn đùm bọc, đỡ đần các em và đặc biệt thương yêu, nghe lời ba mẹ.

Hầu như mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều một tay anh Phương làm. Học xong lớp mười, theo tiếng gọi Tổ quốc, anh Phương lên đường nhập ngũ. Đầu tháng 3-1988, anh Phương được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma.

Tết Nguyên đán năm 1988, anh Phương được nghỉ phép về quê đón Tết với gia đình. Đến ngày mồng 10 tháng Giêng, sau khi hết phép anh trở lại đơn vị để chuẩn bị cho chuyến công tác đặc biệt ra Trường Sa. Quá trình di chuyển do gặp bão lớn nên tàu phải quay lại đất liền.

Tranh thủ thời gian, anh Phương viết thư gửi cho vợ là chị Mai Thị Hoa. Trong thư anh Phương hứa, sau chuyến công tác sẽ về...

Trong thư anh Phương cũng dặn ba mẹ sau khi cắt lúa nhớ giữ lại rơm rạ, đến kỳ nghỉ phép về làm tranh sửa lại mái nhà để đến mùa mưa không còn bị dột nước.

la thu cuoi cung cua dao pho gac ma

Bà Hồ Thị Đức trước phần mộ con trai - anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương

Ngày 8/3/1998, sau khi bão tan, tại Cam Ranh, thiếu úy Trần Văn Phương tiếp tục viết lá thư gửi về cho gia đình, không ngờ đây lại là lá thư cuối cùng.

Trong thư anh dặn dò: “Tình hình ngoài biển hiện nay rất nghiêm trọng, Trung Quốc đưa nhiều tàu và quân đội đến để chiếm đảo… Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ…

Trước lúc ra đi con chỉ dặn ba mẹ như thế này, khi ba mẹ nhận được bức thư này thì không phải viết thư trả lời cho con nữa. Con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào. Không có địa chỉ và ba mẹ cũng đừng trông thư con nữa…”.

Hy sinh vẫn quyết giữ cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền

Sự kiện trận chiến bảo vệ Gạc Ma 30 năm trước, lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam dành những dòng trang trọng ghi lại trường hợp thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh: "Sáng ngày 14/3/1988, đồng chí Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp. Tình thế rất căng thẳng.

Khi địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: "Đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ". Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy ngay xuống biển bơi vào đảo. Khi đó trên đảo địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ hy sinh...".

Tám năm trước, danh hiệu Anh hùng LLVTND được trang trọng khắc ghi trên mộ chí liệt sỹ Trần Văn Phương. Theo lời kể của bà Đức, ngày 14/3/2012, kỷ niệm trận chiến Gạc Ma, nhà báo Phạm Phú Thép, chính quyền xã Quảng Phúc (cũ) làm một lễ nho nhỏ gắn danh hiệu Anh hùng LLVTND lên mộ liệt sĩ Phương.

Kể từ đó vào tháng ba hàng năm, đúng ngày 14/3, lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma bên phần mộ anh Phương cứ lớn dần lên, tinh thần “vòng tròn bất tử” Gạc Ma lan tỏa ra khắp tỉnh Quảng Bình và cả nước.

la thu cuoi cung cua dao pho gac ma

Lễ tri ân các Anh hùng liệt sỹ Gạc Ma luôn thu hút đông đảo thế hệ trẻ Quảng Bình tham gia, tưởng niệm.

Bà Đức rưng rưng: “Phương đã hy sinh vì đất nước, vì Tổ quốc. Nay tôi già rồi nhưng lại có thêm rất nhiều đứa con là đồng đội Phương từ Gạc Ma về hội tụ. Lê Hữu Thảo từ Hà Tĩnh vào, Nguyễn Văn Thống ở xã Nhân Trạch, Bố Trạch ra và rất nhiều đứa nữa. Thảo chính là người kể cho tôi biết tường tận giây phút bất khuất của Phương trước lúc ngã xuống”.

Theo ký ức của cựu binh Lê Hữu Thảo: 5h ngày 14/3/1988, khi thủy triều bắt đầu rút, 30 chiến sỹ chúng tôi nhận lệnh lên đảo Gạc Ma cắm cờ và tập trung nguyên vật liệu xây đảo. Chừng một tiếng sau thì tàu Trung Quốc xuất hiện thả xuồng cao tốc, cho lính tràn lên đảo ngăn không cho bộ đội cắm cờ, xây đảo. Khoảng 50 lính Trung Quốc trang bị súng AK, lưỡi lê bật sẵn lao vào tấn công bộ đội của ta trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng.

Thiếu úy Trần Văn Phương giữ chặt cột cờ, giằng co mãi khiến bọn chúng không uy hiếp được chiến sỹ của ta. Rồi chúng nổ súng. Anh Phương trúng đạn. Trước khi ngã xuống, một tay anh vẫn giữ chắc cột cờ, miệng hô to khẩu hiệu: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”.

Binh nhất Nguyễn Văn Lanh đỡ lá cờ Tổ quốc từ thiếu úy Trần Văn Phương, đá văng khẩu súng của một tên lính Trung Quốc, một tên khác xuyên lê vào bả vai phải anh. Tiếng súng nổ chát chúa, anh tiếp tục dính thêm đạn vào người và đổ gục xuống.

Người băng bó cho anh Nguyễn Văn Lanh là anh Nguyễn Bá Ngọc, tôi cùng một số chiến sỹ khác đưa thương binh lên thuyền nhôm, trong đó có Võ Văn Tứ bị đạn pháo cắt lìa chân phải, máu ra nhiều. Chúng tôi dùng áo thấm máu và băng bó cho anh, nhưng trước khi thuyền về đến đảo Sinh Tồn thì anh Tứ đã hy sinh.

Chiến hạm Trung Quốc vẫn tiếp tục nã pháo dồn dập vào các tàu hải quân ta, lính Trung Quốc xả AK vào bộ đội đang trôi trên biển. Tàu HQ-604 hứng trọn làn đạn 12 ly 7, tất cả chỉ còn một màu đỏ rực máu và lửa, tàu HQ-604 chìm vào lòng biển mặn.

Tàu HQ-505 gần đảo Cô Lin và HQ-605 phía đảo Len Đao cũng bị tấn công và trúng đạn. HQ-605 bốc cháy, chìm lúc 6h ngày 15/3. HQ-505 cháy phần đuôi, kiên cường nhằm thẳng bãi cạn Cô Lin lao lên cắm cờ chủ quyền Việt Nam.

Trong trận chiến không cân sức giữ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, 64 chiến sỹ của Hải quân ta đã anh dũng hy sinh, 9 người khác bị phía Trung Quốc bắt giữ...

Video: Xúc động lễ cầu siêu cho 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma

la thu cuoi cung cua dao pho gac ma Ký ức người lính Gạc Ma suýt bị cắt tay chân trong nhà tù Trung Quốc

Đã 30 năm trôi qua kể từ trận Gạc Ma (1988), ký ức đầy máu và nước mắt vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ...

la thu cuoi cung cua dao pho gac ma Toàn cảnh trận hải chiến đảo Gạc Ma năm 1988 khiến 64 chiến sĩ hy sinh

Ngày 14/3 cách đây 30 năm, Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa và binh lính tấn công, xâm chiếm cụm đá Gạc Ma ...

la thu cuoi cung cua dao pho gac ma Thảm sát ở Gạc Ma 1988: Cả thế giới cần biết đầy đủ, chính xác hành động xâm lược tàn bạo của Trung Quốc

Nhắc lại sự kiện Gạc Ma để cả thế giới biết đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc, ...

/ https://vtc.vn