Kỳ vọng chấm dứt xung đột Nagorno - Karabakh

Mới đây, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã nhất trí tổ chức các cuộc hoà đàm về vấn đề tranh chấp lãnh thổ vùng Nagorno – Karabakh, đồng thời thiết lập một ủy ban chung để phân định đường biên giới, có trách nhiệm giải quyết việc đảm bảo an ninh và ổn định tại khu vực này.

Trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga triển khai tại Ukraine đang trở thành tâm điểm thế giới, bước tiến nêu trên của Yerevan và Baku được kỳ vọng sẽ sớm khép lại xung đột Nagorno – Karabakh tại khu vực Trung Á.

Bước tiến đáng kể

Reuters ngày 7/4 đưa tin, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) trước sự chứng kiến của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Tại đây, Tổng thống Ilham Aliyev khẳng định rằng hai nước “cần sớm tiến tới hòa bình và ký kết một thỏa thuận hòa bình càng nhanh càng tốt”, còn Thủ tướng Nikol Pashinyan cũng hy vọng Yerevan “sớm tìm được đồng thuận” với Baku.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp kéo dài 4,5 giờ, ông Charles Michel nêu rõ: "Thủ tướng Armenia và Tổng thống Azerbaijan đã yêu cầu các ngoại trưởng bắt đầu công tác chuẩn bị cho những vòng đàm phán về hiệp ước hoà bình giữa hai nước. Hiệp ước này sẽ giải quyết tất cả các vấn đề cần thiết”.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, hai bên đã nhất trí thành lập một uỷ ban biên giới chung vào cuối tháng 4 nhằm mục đích “phân định biên giới song phương giữa Armenia và Azerbaijan” và “đảm bảo tình hình an ninh ổn định ở các vùng lân cận và dọc theo đường biên giới”. Về phía Liên minh châu Âu (EU), nhà lãnh đạo này khẳng định, khối sẽ tiếp tục hỗ trợ hai bên trong việc củng cố lòng tin, nỗ lực rà phá bom mìn nhân đạo và giúp tái thiết nơi sinh sống của các nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Được biết, Azerbaijan đã công bố các nguyên tắc cơ bản để thiết lập quan hệ giữa nước này và Armenia gồm 5 điều: Các bên công nhận tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bất khả xâm phạm của biên giới được quốc tế công nhận và độc lập chính trị của nhau; Sự xác nhận của các bên về việc không có yêu sách lãnh thổ chống lại nhau và chấp nhận các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý là không đưa ra yêu sách như vậy trong tương lai; Nghĩa vụ kiềm chế việc phá hoại an ninh của nhau trong các mối quan hệ với các quốc gia khác, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, và theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc; Phân định biên giới, thiết lập quan hệ ngoại giao; Mở cửa giao thông vận tải và thông tin liên lạc, xây dựng các kênh thông tin liên lạc khác nếu thích hợp, và thiết lập hợp tác trong các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

Về phần mình, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan cho rằng “không có điều gì quá khó chấp nhận trong các đề xuất từ phía Azerbaijan”, dù ông cũng nhận định nó chưa “đề cập tới mọi khía cạnh của nghị trình hòa bình giữa hai nước”.

13
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (từ trái qua phải). Nguồn: Armenian Weekly.

Còn nhiều thách thức

Theo giới chuyên gia, thành công của cuộc gặp giữa lãnh đạo Armenia và Azerbaijan về tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột năm 2020, xây dựng và cải thiện quan hệ song phương không chỉ mang tới bước ngoặt cho hai nước mà còn góp phần cổ vũ nỗ lực tương tự giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị quốc tế cũng cho rằng, với những gì hai nước đã trải qua thì tiến trình này chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian. Năm 2009, hai bên từng đạt thỏa thuận về thiết lập quan hệ và mở cửa biên giới nhưng cuối cùng đã không thể triển khai vì sự phản đối sau đó của Azerbaijan.

Hiện tại, một trong những thách thức hiện hữu có thể tác động đáng kể tới đàm phán hoà bình Armenia-Azerbaijan chính là yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara vốn có quan hệ gần gũi và đã duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ với Baku xuyên suốt xung đột Armenia-Azerbaijan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Ankara và Yerevan cũng đã đạt được một số đột phá quan trọng như nhất trí sẽ thúc đẩy nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao “vô điều kiện” và tiếp tục bình thường hóa, tiến tới mở cửa biên giới chung, tạo điều kiện cho giao thương giữa hai nước.

Mặc dù theo lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Baku hiện đã bày tỏ thái độ tích cực về vấn đề này, song khi chưa có bất cứ hiệp ước nào được ký kết, mọi tình huống đều có thể xảy ra. Hơn nữa, ảnh hưởng của Moscow cũng có thể khiến quá trình đàm phán trở nên phức tạp hơn. Là nhân tố then chốt trong xây dựng và triển khai tuyên bố ba bên với Baku và Yerevan, Nga vẫn duy trì thái độ ủng hộ Armenia và thường xuyên chỉ trích các hoạt động quân sự của Azerbaijan mà nước này cho là vi phạm tuyên bố ba bên trước đó.

Giữa Amernia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng kéo dài liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với vùng Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Xung đột lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994 khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Từ ngày 27/9/2020, căng thẳng tái bùng phát tại khu vực đã khiến con số thương vong tăng lên hàng ngàn. Đến ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian, nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang đẫm máu kéo 44 ngày tại khu vực tranh chấp. Giao tranh ngừng vào ngày 10/11/2020 và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã triển khai tại Nagorno-Karabakh để giám sát thỏa thuận ngừng bắn.