Tôi gặp cụ Nguyễn Văn Cầu vào một ngày Hà Nội rét ngọt. Bất chấp cái lạnh, cụ cùng các thành viên Hội cựu chiến binh vẫn đi nói chuyện với thanh thiếu niên ở Nhà văn hóa quận Đống Đa về chiến thắng lịch sử cuối năm 1972. “Để lớp trẻ biết và ghi lòng tạc dạ”, cụ nói.
Cụ Nguyễn Văn Cầu, 80 tuổi, nhân chứng sự kiện máy bay Mỹ ném bom Khâm Thiên ngày 26-12-1972
Đã bước sang tuổi 80, cụ Nguyễn Văn Cầu là một trong số ít những nhân chứng lịch sử còn sống để nhớ và kể lại cho thế hệ sau về những ngày mùa đông cách đây 45 năm, khi cả Hà Nội rực lửa trong 12 ngày đêm “đất rung, ngói tan, gạch nát”. Ngày ấy, cụ là nhân viên Nhà in Báo Hà Nội mới. Cụ tham gia lực lượng thường trực phòng không ba thứ quân của Thủ đô, vừa sản xuất vừa chiến đấu trong cuộc tập kích chiến lược ồ ạt và tàn bạo bằng B-52 của Mỹ.
Ký ức đau thương
Do thất bại nặng nề và lấy cớ nghỉ lễ Noel, ngày 24-12-1972, địch tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần giặc lái, rút kinh nghiệm và tìm thủ đoạn cũng như cách đánh mới.
Ngay sau lễ Giáng sinh, đến 22h ngày 26-12, Hà Nội vẫn yên tĩnh. Phố Khâm Thiên đã dần chìm vào giấc ngủ sau một ngày căng thẳng trực chiến máy bay bắn phá. Nhưng đến 22h30, trên các màn hình radar của bộ đội phòng không không quân bỗng thấp thoáng xuất hiện mục tiêu. Lập tức, còi báo động từ Nhà hát Lớn, Quảng trường Ba Đình, ga Hàng Cỏ nổi lên dồn dập. Ngay sau đó, tiếng động cơ máy bay Mỹ gầm gào phá vỡ bầu trời đêm. Pháo cao xạ, tên lửa của ta bắt đầu đáp trả. Một tấm màn sắt nhiều tầng nấc được chăng lên bảo vệ Thủ đô. 22h45, nhiều loạt bom Mỹ dội xuống.
Khi ấy, ông Nguyễn Văn Cầu đang cùng đơn vị tự vệ nhận nhiệm vụ bắn máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Các đội tự vệ Thủ đô sử dụng súng đại liên bắn thật rát vào mục tiêu là máy bay B-52 và các máy bay tiêm kích hộ tống, đẩy chúng khỏi tầm thấp, buộc chúng phải bay lên tầm cao hơn và rơi vào trận địa tên lửa phòng không của ta. Trong lúc chiến đấu, ông nhận được tin khu vực Khâm Thiên trúng bom Mỹ cháy dữ dội, tâm trạng thấp thỏm không yên, lo lắng cho vợ và cậu con trai lớn đang ốm phải nằm nhà.
Sáng hôm sau khi có lệnh báo yên, ông vội đạp xe về nhà. Mặt ngoài khu phố Khâm Thiên khi ấy chỉ có vài nhà bị bom phá đổ. Nhưng khi rẽ từ mặt phố vào ngõ Sân Quần thì cảnh tượng hoang tàn mới hiện ra trước mắt. Hàng chục ngôi nhà bị san phẳng theo vệt bom rải thảm từ đầu Ô Chợ Dừa đến ga Hàng Cỏ. Gạch ngói đổ vỡ ngổn ngang, nhiều ngôi nhà vẫn đang cháy, khói bụi bốc cao ngút.
Trong khung cảnh tang thương im lìm đó, thỉnh thoảng vang lên tiếng khóc. Những đôi tay rách bươm rớm máu bới đống đổ nát tìm thi thể người thân. Ông Cầu bàng hoàng khi thấy căn hầm trú ẩn cho người dân bị trúng một quả bom tấn. Gần 50 người của một khối phố trú trong đó không ai còn sống. Vợ ông bị bom cắt làm đôi, còn cậu con trai mới 11 tuổi chết vùi trong căn hầm đổ. Em trai ông Cầu mất tích, phải đến gần hai tháng sau mới tìm thấy xác do bị vùi sâu trong gạch đá.
Máy bay B-52 bị dân và quân Hà Nội bắn rơi đêm 26-12-1972
Các khu vực bị trúng bom nhiều nhất trong buổi tối bi thương ấy là An Dương, Bạch Mai, Ô Chợ Dừa, ga Hàng Cỏ. Không ai ngờ, một khu vực đông dân thường như thế, một khu vực không hề có một cơ sở quân sự, chính trị quan trọng lại là điểm tập kích dữ dội của B-52. Những con ngõ mang những cái tên thân thuộc như ngõ Hòa Bình, ngõ Đại Đồng, ngõ Đoàn Kết... đã gần như bị san phẳng. Các khối phố 42, 43, 45, 47 chỉ còn là đống gạch vụn.
Nhà dân, cửa hàng, nhà trẻ, trạm y tế… đổ nát hoàn toàn. Bom đạn Mỹ đã làm sập 611 ngôi nhà, 1.624 ngôi nhà khác bị hư hỏng, 2.601 gia đình và 14.562 người dân không còn chỗ ở. Bom đạn cũng cướp đi 287 sinh mạng, trong đó có 43 cụ già, 37 trẻ em, 88 phụ nữ và làm bị thương 290 người (đa phần là phụ nữ và trẻ em). Nhiều gia đình có 4 hoặc 5 người chết... Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố sâu, 7 người trong gia đình ấy không ai sống sót.
Cùng với việc phá hủy nhà dân, giết chết dân thường, B-52 cũng phá hủy các công trình văn hóa, lịch sử của khu phố. Chính quyền thành phố sau đó dựng khu nhà tạm đằng sau rạp Dân Chủ cho các hộ dân mất nhà cửa ở qua mùa đông lạnh giá. Phải đến cuối năm 1975, những ngôi nhà bị phá hủy mới lác đác được xây dựng lại.
Hà Nội không cúi đầu
Không khuất phục trước sự uy hiếp của giặc Mỹ, người dân Hà Nội biến đau thương thành sức mạnh, trí thông minh và lòng quả cảm, ngẩng cao đầu, hiên ngang đáp trả. Càng đánh, Hà Nội càng vững vàng. Càng đánh, Hà Nội càng thắng lớn. Trong đêm 26-12, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên thắng lớn, 8 chiếc máy bay Mỹ đã bị quân và dân miền Bắc bắn rơi. Riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ.
Từ sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các đơn vị lập công và ra lời hiệu triệu: “Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ bị thất bại hoàn toàn. Nhưng chúng vẫn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B-52 nữa, hãy giáng cho quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội, Thủ đô thân yêu của chúng ta”.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu từ 18 đến 29-12, Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 24 chiếc B-52, 2 chiếc F-111; diệt và bắt sống hàng chục giặc lái. Trận “Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành cụm từ mà báo chí phương Tây ngày ấy “giật tít” như để khẳng định sự thất bại của cuộc tấn công chiến lược do Mỹ cùng các đồng minh tiến hành ở miền Bắc Việt Nam. Và cùng với những thắng lợi trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ngày 27-1-1973 ở thế của kẻ thua trận.
Phố Khâm Thiên sau đêm 26-12-1972
45 năm đã qua, tàn tích của chiến tranh, bom đạn không còn nữa, Khâm Thiên ngày nay là một trong những khu phố đông dân cư, sầm uất, náo nhiệt bậc nhất Hà Nội. Nhưng các thế hệ lớn lên từ con phố Khâm Thiên này không được phép quên sự hủy diệt ngày ấy. Người dân Khâm Thiên vẫn giữ thói quen lấy ngày 21-11 Âm lịch (ngày 26-12-1972) để tổ chức giỗ. Ngày giỗ của 287 người dân vô tội, ngày giỗ của cả phố.
45 năm đã là quá khứ, Hà Nội ngày nay đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Những dấu vết của chiến tranh chỉ trong bảo tàng, ở một vài đài tưởng niệm và trong tâm trí của những người đã lớn tuổi. Nhưng không một ai, không một điều gì về những ngày tháng đó bị lãng quên.
Nó sẽ vẫn luôn sống động trong ký ức mỗi người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung. Những dòng hồi tưởng của cụ Cầu không phải để bi lụy với quá khứ mất mát, đau thương. Đó là lời nhắc nhở thế hệ trẻ rằng cha ông ta đã sống và hy sinh như thế để bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước; rằng phải sống sao cho xứng đáng và tự hào với dòng máu đang chảy trong huyết quản mỗi người Việt Nam chúng ta.
Bốn vạn tấn bom trút xuống Hà Nội
Trong chiến dịch “Linebacker II” - một chiến dịch oanh tạc bom lớn nhất trong lịch sử, Mỹ đã huy động tới 193 máy bay B-52 trong số 200 chiếc dùng cho chiến tranh Đông Dương, kết hợp với 30 máy bay F-111 “cánh cụp cánh xòe”, toàn bộ máy bay ném bom chiến thuật ở Đông Nam Á (1.000 chiếc) và sử dụng 5 liên đội tàu sân bay đậu ở ngoài khơi Vịnh Bắc bộ; 50 máy bay KC-135 tiếp dầu trên không... với mục đích “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Riêng Hà Nội trong 12 ngày đêm, chúng đã huy động 1.000 lần máy bay ném bom, trong đó gần 500 lần là máy bay B-52, trút 4 vạn tấn bom phá hủy nhiều khu dân cư, làm 2.380 người chết và 1.355 người bị thương.
[Infographic] Phạm Tuân, MiG-21 cùng cú bấm nút thế kỷ khiến B-52 bùng cháy
MiG-21 do Liên Xô chế tạo nhưng những phi công Việt Nam mới góp phần làm nên huyền thoại của Cánh én bạc MiG-21. Cho ... |
Bên trong hầm chống bom nguyên tử ở Hoàng thành Thăng Long
Hầm chỉ huy tác chiến (T1) có thể chống được sức công phá của bom tấn và tên lửa, trụ được qua một vụ tấn ... |
Quá khứ đâu có dễ quên
Từ đêm 18-12-1972, không quân Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch Linebecker II đưa siêu pháo đài bay B52 ném bom rải thảm các ... |