Các căng thẳng ở Biển Đông sẽ phủ bóng chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Bắc Kinh sắp tới.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến thăm Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 8, ông sẽ nêu những vấn đề liên quan đến các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông và phán quyết từ Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Manila đang sẵn sàng áp dụng đường lối cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Bắc Kinh nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng. Đây là một bước thay đổi đáng chú ý bởi kể từ khi trở thành Tổng thống Philippines, Duterte đã cho thấy nỗ lực làm thân với Bắc Kinh và ông Tập trên phương diện cá nhân.
Bước thay đổi lập trường khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu "sự ưu ái" mà Duterte công khai dành cho Trung Quốc trước đây đang bắt đầu phai nhạt hay có phải thời kỳ trăng mặt giữa Manila và Bắc Kinh đang kết thúc?
Họ cho rằng tình hiện hiện nay khác biệt rõ so với chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Duterte vào năm 2016 khi ông muốn tìm kiếm sự hỗ trợ phát triển kinh tế từ Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm ba năm trước, Duterte đã dự và phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Bắc Kinh. Sau khi lời tuyên bố "chia tay với Mỹ" của ông nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt, Duterte ngỏ lời: "Tôi đến đây và muốn nói rằng tôi không xin miễn phí nhưng liệu Trung Quốc có sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi lúc chúng tôi cần, rồi chúng tôi sẽ ghi nhớ ơn của các bạn mãi mãi".
Trung Quốc hân hoan trước thái độ của ông Duterte. Chủ tịch Tập gọi chuyến thăm là một cột mốc quan trọng, xem hai nước là "hàng xóm", nhân dân hai bên là "dân tộc anh em kết nghĩa".
Chuyến thăm đã giúp xóa bỏ tình trạng thù địch trong mối quan hệ giữa hai nước sau khi tổng thống Benigno Aquino, người tiền nhiệm của Duterte, kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) để phản đối các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
4 ngày sau khi Duterte rời Bắc Kinh về nước, Trung Quốc thông báo cung cấp một loạt biện pháp hỗ trợ tài chính cho Philippines, gồm các thỏa thuận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thương mại trị giá 15 tỷ USD, các khoản cho vay lãi suất thấp trị giá 9 tỷ USD và một hạn mức tín dụng trị giá ba tỷ USD.
Để nhận được các cam kết trị giá 27 tỷ USD kể trên, Duterte hiểu rằng ông sẽ phải bỏ qua phán quyết của PCA bác bỏ tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông dựa theo đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc.
Tháng 4 năm nay, khi Duterte đến Trung Quốc để dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao, lòng ngưỡng mộ của ông dành cho Bắc Kinh vẫn không thay đổi. "Chỉ đơn giản là tôi yêu quý Tập Cận Bình. Ông ấy hiểu vấn đề của tôi và ông ấy sẵn lòng giúp đỡ", Duterte nói với các phóng viên tại sự kiện.
Nhưng hai tháng sau, gió đã đổi chiều. Dù Duterte vẫn quả quyết "Tôi yêu mến Trung Quốc", sau khi quân đội Philippines cảnh báo các tàu cá Trung Quốc đang bao vây quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Philippines chiếm giữ, ông bắt đầu tỏ ra bất an.
"Trung Quốc đã giúp đỡ chúng ta ít nhiều. Nhưng chúng ta có lý khi chất vấn liệu có đúng đắn khi một nước tuyên bố chủ quyền với toàn bộ một đại dương", Tổng thống Duterte nói, ám chỉ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông.
Thuyền của ngư dân Trung Quốc tiếp cận tàu cá Philippines trên Biển Đông. Ảnh: Reuters. |
Quan hệ Trung Quốc - Philippines thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn khi một tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đâm vào tàu cá nhỏ hơn của Phillippines và bỏ mặc 21 ngư dân Philippines giữa biển trước khi được một tàu cá Việt Nam giải cứu hồi đầu tháng 6. Các quan chức nội các của Duterte cũng chỉ trích Trung Quốc ngày càng gay gắt trong những tuyên bố của họ.
Hồi năm ngoái, tướng quân đội về hưu Hermogenes Esperon, cố vấn an ninh quốc gia của Duterte, cảnh báo dòng du khách Trung Quốc 1,2 triệu người đổ đến Philippines mỗi năm và 138.000 người lao động Trung Quốc tại Philippines phải được xem như mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng.
"Chúng ta muốn các cơ hội đầu tư lành mạnh. Chúng ta muốn có thêm du khách nhưng đồng tiền luôn có hai mặt. Chúng ta không thể mất cảnh giác", Esperon nói.
Hồi tháng 7, quân đội Philippines thông báo hai du khách Trung Quốc bị bắt quả tang chụp ảnh một đồn hải quân trên đảo Palawan của Philippines ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng công khai hối thúc Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr gửi công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi báo động về trường hợp một tàu nghiên cứu Trung Quốc vi phạm giao thức khi liên tiếp đi vào vùng biển của Philippines mà không thông báo trước, đồng thời tắt hệ thống tự động nhận dạng và phớt lờ hiệu lệnh từ các cơ quan thực thi pháp luật Phillippines.
Locsin sau đó xác nhận trên Twitter rằng ông sẽ gửi công hàm phản đối Trung Quốc về sự việc trên.
Tuần trước, Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, vẫn nhấn mạnh "vì Philippines và Trung Quốc là bạn bè, chúng ta phải đối xử với nhau bằng sự nhã nhặn của tình bạn".
Panelo cho biết chính phủ Philippines có thể hủy những hợp đồng thương mại đã trao cho các công ty Trung Quốc để thuê và phát triển ba hòn đảo của Philippines bởi quân đội Philippines đã cảnh báo chúng liên quan đến các rủi ro an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Ernesto Pernia bày tỏ thất vọng trước tình trạng Trung Quốc chậm giải ngân các khoản vay viện trợ phát triển chính thức (ODA). Trong số 9 tỷ USD các khoản vay ODA mà Trung Quốc cam kết dành cho Philippines, chỉ có khoản vay trị giá 62 triệu USD cho một dự án bơm nước tưới tiêu ở sông Chico được thực hiện và phát huy hiệu quả.
Theo Jan Carlo Punongbayan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Kinh tế Đại học Philippines, tính đến tháng 3/2019, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1,8% tổng các khoản vay ODA dành cho Philippines.
Về cam kết dành 15 tỷ USD cho các thỏa thuận FDI và thương mại ở Philippines, Ngân hàng Trung ương Philippines cho hay chỉ có 693 triệu USD vốn FDI của Trung Quốc đại lục và Hong Kong được giải ngân trong giai đoạn 2017 - 2018.
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một của Philippines trong năm 2017 nhưng mức tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương chủ yếu có lợi cho Trung Quốc. Bộ Công thương Philippines ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 6,4 tỷ USD vào năm 2016 lên 8,8 tỷ USD vào năm ngoái. Song kim ngập nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng lên 22 tỷ USD vào năm ngoái.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề mô tả cam kết về các khoản vay ODA của Trung Quốc giống như "hỏa mù". Nguồn tin này cho biết Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) vẫn là một cản lực đối với những khoản FDI lớn.
"Bạn không thể giải ngân trừ khi NDRC tán thành dự án, không giống như ở Philippines, nơi các công ty tư nhân có thể mang tiền ra nước ngoài đầu tư", nguồn tin nói.
Hôm 6/8, vấn đề phán quyết của PCA về Biển Đông bất ngờ được đề cập trở lại. Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, cho hay ông Duterte sẽ viện dẫn phán quyết này khi ông gặp Chủ tịch Tập vào cuối tháng trong chuyến thăm cấp nhà nước thứ 5 đến Trung Quốc kể từ khi sau khi đắc cử tổng thống năm 2016. Hôm sau, Tổng thống Duterte cũng xác nhận.
Đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa đã tìm cách làm dịu căng thẳng khi tuyên bố trước các phóng viên: "Tôi không nhớ Tổng thống Duterte có nói rằng ông ấy sẽ dùng từ 'viện dẫn' liên quan đến phán quyết PCA. Tôi nhớ chính xác là ông ấy nói sẽ đề cập nó theo cách thân thiện và không đối đầu".
Đại sứ Triệu cho biết lập trường bác bỏ của Trung Quốc đối với phán quyết này vẫn không thay đổi, song thêm rằng "Trung Quốc sẽ tiếp tục là bạn tốt, hàng xóm tốt và người bà con gần gũi của người dân Philippines. Các bất đồng về vấn đề Biển Đông chỉ chiếm 1% mối quan hệ tổng thể của chúng ta".
Theo Panelo, Tổng thống Duterte cũng sẽ thảo luận với Chủ tịch Tập về đề xuất thăm dò dầu khí chung trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.
"Chúng ta phải đạt được điều gì đó từ mối quan hệ hữu nghị này. Tôi nghĩ đề xuất thăm dò dầu khí chung sẽ là điều tốt vì thực tế chính phủ Trung Quốc đang chào mời thỏa thuận hợp tác phân chia với tỷ lệ 60:40", Panelo nói.
Cả Panelo lẫn Duterte đều không giải thích 60:40 ám chỉ đến mức phân chia chi phí, lợi nhuận hay phần trăm cổ phần ở một doanh nghiệp liên doanh đảm nhận thực hiện thỏa thuận thăm dò chung.
Hiến pháp Philippines quy định khi đề cập đến thăm dò, phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên, chính phủ Philippines chỉ có thể ký kết "những thỏa thuận liên doanh, cùng khai thác hoặc phân chia sản lượng khai thác" với các công dân hoặc doanh nghiệp có 60% cổ phần do phía Philippines nắm giữ.
Một nguồn tin giấu tên cho hay cả hai nước vẫn cố gắng tìm phương án tốt nhất để bồi đắp mối quan hệ. "Mối quan hệ với Trung Quốc chưa lạnh nhạt. Chúng đang trở nên chín chắn hơn và có sự kết hợp cân bằng hơn về tính nguyên tắc và chủ nghĩa thực dụng. Philippines không muốn trở thành nước lệ thuộc hay một tỉnh của Trung Quốc, cũng không muốn trở hành một thuộc địa mới của Mỹ hay là quân cờ tốt trong tính toán địa chính trị của Mỹ. Philippines muốn duy trì sự độc lập và sự tự chủ chiến lược", nguồn tin nói.
Người này đồng thời khẳng định Manila sẽ tiếp tục gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc và nêu ra các vấn đề trong những cuộc đàm phán song phương khi cần thiết. Nhưng đồng thời, Manila sẽ quản lý các bất đồng giữa hai nước thông qua con đường ngoại giao và hòa bình, không cho phép chúng biến thành một cuộc khủng hoảng hoặc tác động xấu đến mối quan hệ tổng thể.
"Chính phủ Trung Quốc đôi lúc có thể không hiểu hoặc thậm chí bối rối trước một số hành động hay tuyên bố của Philippines nhưng bất cứ hiểu lầm hoặc bối rối nào cũng sẽ được làm sáng tỏ và giải quyết qua tham vấn song phương và các cuộc trao đổi ngoại giao", nguồn tin nhấn mạnh.
Hồng Vân (Theo South China Morning Post)