Mỗi ngày có khoảng 10 đứa trẻ chết vì đuối nước. Một con số khủng khiếp chỉ sau tai nạn giao thông và là nỗi ám ảnh của tất cả những ai có con nhỏ.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2011-2015, mỗi năm có đến 2.800 đứa trẻ chết vì đuối nước. Năm 2017, con số đáng buồn trên lại tăng lên hơn 3.500 trẻ. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới vì số trẻ đuối nước. Số trẻ đuối nước tại Việt Nam cao gấp gần chục lần so với các nước phát triển. Một "kỷ lục" đáng buồn, đầy thương tâm cứ được chứng thực qua từng ngày, trong khi các biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em gần như chẳng có.
Nước ta là quốc gia giáp biển toàn bộ chiều dài đất nước, nhiều ao hồ, sông rạch làm tăng nguy cơ về đuối nước ở trẻ em. Hằng năm, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra nhiều tháng. Miền Trung và miền Bắc thường xuyên xuất hiện thiên tai, lũ quét, mưa bão. Ngay cả những bể chứa nước, hố công trình ở thành phố, giếng nước, hố vôi, mương… ở nông thôn cũng tiềm ẩn những nguy cơ đuối nước với trẻ em.
Vấn đề trẻ đuối nước đã được đặt ra từ những năm cuối của thế kỷ trước. Các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF... luôn mong muốn hợp tác với các địa phương tổ chức dạy bơi trong trường học, kỹ năng ứng phó khi thiên tai. Thế nhưng những kinh nghiệm quý giá của các tổ chức trên đã không được đón nhận tương xứng và triển khai trên diện rộng. Hàng loạt khó khăn đã được các địa phương viện dẫn như: không có tiền xây bể bơi, không tìm được nguồn giáo viên, phụ huynh học sinh chưa đồng tình... để lảng tránh mối nguy hiểm luôn chực chờ những đứa trẻ.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã có Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nhưng việc triển khai không hiệu quả. Mục tiêu đặt ra của chương trình là giảm tỉ lệ tử vong do đuối nước xuống khoảng 15% nhưng đến nay thất bại hoàn toàn. Thậm chí, số trẻ đuối nước còn tăng cao hơn cả trước khi có chương trình. Cứ lấy lý do kinh phí hạn chế nên có 30/63 tỉnh, thành phải lồng ghép với các chương trình khác. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay, các địa phương cũng chưa có báo cáo việc thực hiện cụ thể dù đã qua hơn 2 năm.
Sự bất hạnh của bất cứ đứa trẻ nào cũng là nỗi thương tâm của toàn xã hội. Hàng ngàn đứa trẻ chết mỗi năm là niềm đau thương khôn cùng của cả quốc gia. Không lý do gì các địa phương dè dặt hoặc chối bỏ công tác chăm lo an toàn cho trẻ em. Cao hơn, lãnh đạo các cơ quan trung ương phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc chậm chạp triển khai và triển khai kém hiệu quả công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em. Đây là trách nhiệm lớn lao liên quan đến tất cả mọi người và ngành giáo dục càng không thể đứng ngoài cuộc.
Các cơ quan chức năng hãy thôi thờ ơ với sinh mạng của những đứa trẻ. Những cái chết thương tâm này là nỗi đau của bao bà mẹ, của bao gia đình. Ai cũng có con trẻ, tai nạn thì chẳng chừa một ai và nó sẽ đến vào những lúc không ngờ nhất.
Cứu bạn rơi xuống hồ, 4 học sinh chết đuối thương tâm
Một học sinh bị trượt chân rơi xuống hồ, 5 em còn lại trong nhóm nhảy xuống cứu, nhưng không may 4 em tử vong, ... |
Quảng Ngãi: Rủ nhau tắm biển, 2 học sinh tử vong
5 học sinh rủ nhau tắm biển và bị sóng cuốn ra xa khiến 2 em tử vong. |
Hồ Phi