Chuyện nợ nần hàng nghìn tỷ của Trường Quốc tế Mỹ AISVN

Kỳ 3: Học phí dưới vỏ bọc các gói đầu tư “khủng” và những khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng

Cần lưu ý rằng cuộc khủng hoảng cả về tài chính và pháp luật ở Trường AISVN không phải mới diễn ra năm nay mà đã kéo dài nhiều năm nay.

Phụ huynh “ngồi trên đống lửa” trước những động thái “hứa lèo” của bà chủ trường

Trường AISVN đặt tại huyện Nhà Bè được thành lập theo Quyết định số 432 ngày 30/1/2019 của UBND TP Hồ Chí Minh, được phép hoạt động giáo dục theo Quyết định số 1473 ngày 13/6/2019 của Sở GD&ĐT thành phố.

Tại buổi họp báo ngày 2/4, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thông tin, Trường AISVN là trường tư thục, dạy chương trình tú tài quốc tế IB. Trường từng được phụ huynh đánh giá cao, nhất là khi các học sinh của trường sau khi vào học các trường đại học trên thế giới được miễn một số môn đã học ở phổ thông. Thời điểm đó, trường có hơn 1.300 học sinh từ tiền tiểu học đến lớp 12. Trong đó, có 75 học sinh lớp 12 chỉ còn một kỳ kiểm tra nữa để được cấp bằng tú tài IB.

Kỳ 3: Học phí dưới vỏ bọc các gói đầu tư “khủng” và những khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng -0
Phụ huynh cầm băng rôn đòi nợ tại Trường AISVN vào tháng 9/2023.

Tuy nhiên, Trường AISVN cũng là một trong những trường phổ thông có mức học phí đắt đỏ nhất TP Hồ Chí Minh, với mức học phí của trường từ mầm non đến lớp 12 là từ 280 triệu - 725 triệu đồng/năm, tùy cấp học. Chưa kể còn hàng loạt khoản phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ, các chương trình hoạt động trải nghiệm học tập thực tế, các bài thi của tổ chức bên ngoài...

Phí hồ sơ đầu vào mỗi học sinh từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng tùy cấp học. Phí ghi danh dao động từ 25 đến 45 triệu đồng, khoản phí này phải đóng trước khi nhập học và sẽ không được hoàn lại. Phí chương trình phát triển Anh ngữ bổ sung, thu của học sinh lớp 1-5 là 40 triệu đồng, thu học sinh lớp 6-10 là 50 triệu đồng.

Sau khi hoàn thành chương trình học, phụ huynh được cam kết hoàn trả lại 100% khoản học phí đã đóng. Trường AISVN cũng triển khai các gói “đầu tư giáo dục” hay các chương trình “tài chính giáo dục” được mời gọi cho nhiều phụ huynh có định hướng cho con theo học tại trường.

Hình thức này được đánh giá là tiềm ẩn không ít rủi ro. Trước dịch COVID-19, Trường AISVN đã triển khai nhiều gói “đầu tư giáo dục”. Khi phụ huynh đóng trước từ 3 - 5 tỷ đồng tùy chương trình, con họ sẽ được học miễn phí trong suốt thời gian tại trường. Đến khi hoàn thành chương trình học và đủ thời gian thỏa thuận - có thể là 5, 7 hoặc 12 năm - phụ huynh sẽ được hoàn trả 100% số tiền đã đóng.

Với gói đầu tư đóng một lần, gia đình nhận lại 100% học phí sau khi học sinh hoàn thành chương trình phổ thông tại Trường AISVN và phụ huynh không phải lo về học phí trong suốt 12 năm học. Bà Út Em cho rằng trường hoạt động theo kiểu phi lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế ngược lại.

Chị Bùi Thị Minh Tú (quận 7) cho biết vợ chồng chị đang có một bé lớn đang học lớp 11 lên lớp 12 tại Trường AISVN, còn bé nhỏ chị đã cho rút hồ sơ chuyển ra học ở một trường khác. “Cách đây 13 năm, gia đình tôi đã đóng gói đầu tư 60 ngàn đô la - thời điểm ấy đủ mua một căn chung cư. Và đến năm 2023, con tôi đang học lớp 11 lên lớp 12 nhưng thực tế chỉ học được hơn 1 học kỳ (được 60%) mà chương trình IB học rất nặng. Tuy nhiên, với những lùm xùm, bất ổn của Trường AISVN thời gian qua việc học của con tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà bản thân vợ chồng tôi cũng lo lắng chẳng tập trung làm gì được”.

Theo chị Tú thì việc học của con chị cùng nhiều bé khác hơn một năm qua học không có chất lượng. Nhóm học sinh từ học lớp 11 lên 12, khi trường xảy ra bất ổn, các em cũng không thể quay về trường công. Sang trường quốc tế khác phải học lại lớp 11, còn nếu vào trường có cùng chương trình IB thì cũng phải học lại một số môn, phải đóng một số tiền rất đáng kể.

“Theo chương trình IB thì trong khi học đã phải chuẩn bị hồ sơ để nộp vào trường đại học nào đó, chậm nhất đầu năm học lớp 12 phải nộp hồ sơ vào trường đại học rồi. Vậy nhưng với tình hình này, thực sự chúng tôi không biết làm thế nào cho hợp lý”, chị Minh Tú giãi bày.

Chị Lê Cẩm Hoàng (ngụ TP Thủ Đức) cho biết vào năm 2017, gia đình đã đóng gói đầu tư 150 ngàn đô la cho đứa con nhỏ học lớp 7, còn con lớn học lớp 11 cũng đóng gói đầu tư 4 tỷ đồng vào năm 2023. Với người con lớn, sau khi thấy Trường AISVN lùm xùm, chị Hoàng đã nộp hồ sơ và đóng phí cho một trường ở Mỹ. Tuy nhiên mới đây, với những động thái mới tưởng rằng trường sẽ được khai giảng trong tháng 8 nên chị Hoàng quyết định hủy hồ sơ trường ở Mỹ để con tiếp tục học ở Trường AISVN. Chờ mãi cho đến nay Trường AISVN vẫn không có tín hiệu gì. Gia đình chị lại phải làm hồ sơ cho con qua một trường khác ở Mỹ và lại phải đóng thêm phí.

Với đứa con nhỏ, chị Hoàng cũng làm thủ tục chuyển trường cho con mình sang trường khác (dù học bạ vẫn còn ở Trường AISVN). “Cho đến nay Trường AISVN vẫn không chút động tĩnh gì và chẳng có chút trách nhiệm gì với phụ huynh và học sinh của trường”, chị Hoàng cho biết.

Phụ huynh đã quá mệt mỏi với sự thay đổi xoành xoạch của bà Út Em. Từ ngày 15/5/2024 bà Út Em hứa sẽ giải quyết ổn thỏa mọi thứ để khai giảng vào tháng 8, nhưng đến nay thì chắc chắn trường sẽ không thể khai giảng như bà Út Em “hứa lèo”.

 “Chúng tôi đã nộp cho trường hàng ngàn tỷ đồng nên có quyền được biết mọi việc…”

Các nhóm phụ huynh Trường AISVN đã gửi đơn “cầu cứu khẩn cấp” đến các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh. Phụ huynh cho biết, hơn 90% gia đình đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở Trường AISVN dưới hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư, nhưng đến nay họ vẫn chưa được nhà trường trả lại tiền, điển hình như các trường hợp chị Minh Tú và Cẩm Hoàng kể trên cùng hàng trăm phụ huynh khác.

Theo bà Út Em thì Trường AISVN đã dùng vốn của chủ đầu tư và huy động từ phụ huynh để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất. Trường đóng phí chương trình IB, vận hành xe đưa đón học sinh nhưng không thu tiền. Những khoản đầu tư nhằm đáp ứng quy mô 4.000 học sinh nhưng trường chỉ tuyển được một nửa. Mức học phí cũng chỉ vừa đủ hoặc thấp hơn chi phí đầu tư cho mỗi học sinh.

Chủ đầu tư trường khẳng định không đầu tư gì khác ngoài giáo dục. Với khó khăn trên, công ty mất thanh khoản, dẫn đến trả chậm lương của gần 260 giáo viên, nhân viên và chậm hoàn tiền hợp đồng đầu tư của phụ huynh…

Vấn đề đặt ra là số tiền, số vốn đầu tư của phụ huynh đóng vào rất lớn, tại sao Trường AISVN lại rơi vào cảnh khó khăn tài chính như vậy?

Theo một số liệu mà chúng tôi có được, tính đến ngày 17/6/2024, ngoài số tiền hơn 3.000 tỷ đồng mà phụ huynh đã nộp cho trường dưới nhiều hình thức, như hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư, thì Trường AISVN còn nợ lương hơn 85 tỷ đồng (trong đó nợ giáo viên, nhân viên người nước ngoài là hơn 65,6 tỷ đồng); nợ bảo hiểm (đến tháng 5/2024) là hơn 39 tỷ đồng…

Ngày 12/8, khoảng hơn 130 phụ huynh đã có đơn tố cáo chung gửi Công an TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan về việc bà Út Em lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của phụ huynh họcAISVN sinh.

Trong đơn, các phụ huynh cho rằng Trường AISVN không thiện chí công khai tình hình hiện tại của trường, không công khai quá trình có thực hiện tái cơ cấu hay không, làm mất thời gian, tiền bạc của phụ huynh học sinh. Không được cơ quan chức năng làm rõ lý do dẫn tới tài chính kiệt quệ của AISVN. Việc tài chính kệt quệ nhưng vẫn tung gói học phí vào tháng 6 và 8/2023 tuyển sinh hơn 200 học sinh trong năm 2023.

“Chúng tôi đã nộp cho bà Nguyễn Thị Út Em tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỷ (hơn 3.200 tỷ), chúng tôi có quyền được biết tiền của chúng tôi đã được sử dụng vào mục đích gì?... Hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Út Em cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, các phụ huynh tố cáo.

Phú Lữ / CAND