Kinh nghiệm của PVEP trong việc ứng phó với biến động thị trường năng lượng

Trải qua thời kỳ đầy biến động từ nhiều yếu tố trong năm 2022, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã đẩy mạnh công tác quản trị biến động, tập trung xây dựng dự báo và giải pháp cụ thể để ứng phó với những biến động từ thị trường năng lượng trong nước và thế giới.

Sau 2021 đầy biến động, khó khăn, PVEP bước vào triển khai hoạt động SXKD năm 2022 trong điều kiện rất thách thức khi nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái do tình hình lạm phát tăng phi mã lan rộng trên toàn thế giới do ảnh hưởng của các xung đột địa chính trị gây nên những tác động tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất và kéo giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Cùng với đó là khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu khó lường; sản lượng khai thác tiếp tục suy giảm tự nhiên. Ngoài ra, vấn đề về thủ tục đầu tư còn gặp nhiều khó khăn là rào cản khiến hoạt động tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng cũng như công tác phát triển các mỏ mới gặp nhiều hạn chế. Song song với đó, xu hướng chuyển đổi năng lượng trên thế giới cũng đã và đang tác động rõ rệt tới ngành Dầu khí trên thế giới.

Giàn Xử lý trung tâm mỏ Sư Tử Vàng

Trong bối cảnh đó, ngay từ những ngày đầu tiên của năm, PVEP đặt ra mục tiêu “quản trị biến động, thích ứng linh hoạt” đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh trong các hoạt động sản xuất, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD, phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả và quản lý hiệu quả danh mục đầu tư, kiểm soát chi phí.

Nhờ nỗ lực phấn đấu, quyết liệt triển khai hàng loạt các giải pháp kịp thời và hiệu quả ngay từ đầu năm 2022, PVEP đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2022. PVEP đã triển khai an toàn mọi mặt hoạt động, về đích trước kế hoạch 57 ngày chỉ tiêu tổng sản lượng khai thác dầu khí năm 2022, cùng với đó xuất sắc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính (doanh thu, nộp ngân sách nhà nước…).

Gia tăng trữ lượng trong nước phần PVEP đạt 0,64 triệu tấn quy dầu, tương đương 113% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác năm 2022 của PVEP là 3,66 triệu tấn quy dầu, đạt 115% kế hoạch năm, trong đó: sản lượng dầu và condensate là 2,48 triệu tấn, đạt 106% kế hoạch năm; sản lượng khí xuất bán là 1.185 triệu m3, đạt 143% kế hoạch năm.

Song song với kết quả sản lượng khai thác vượt mức kế hoạch và giá dầu duy trì trung bình ở mức khả quan, PVEP đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu theo kế hoạch tài chính năm 2022 do Tập đoàn giao: Tổng doanh thu ước tính là 44.500 tỷ đồng, đạt 174% kế hoạch năm; Nộp NSNN ước đạt 15.270 tỷ đồng, đạt 213% kế hoạch năm.

Lãnh đạo PVEP kiểm tra hoạt động trên giàn Đại Hùng 01

Từ thực tiễn hoạt động năm 2022, PVEP đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với biến động thị trường năng lượng, lạm phát, tỷ giá, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm…

Đối với thị trường năng lượng, PVEP nhận định việc tăng, giảm giá dầu phụ thuộc vào kiểm soát/gia tăng nguồn cung, sự ổn định của chính trị và các nền kinh tế, việc rút khỏi/tham gia đầu tư mới vào ngành dầu mỏ cũng như sự phát triển của các ngành năng lượng thay thế. Do đó, bên cạnh các giải pháp về sản xuất, PVEP cần tập trung duy trì quản trị biến động, quản trị chi phí, các giải pháp thị trường.

Trong mỗi giai đoạn giá dầu tăng cao làm giá cả leo thang, lạm phát và kéo theo sau đó là giai đoạn kinh tế suy giảm, thậm chí là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Vì vậy, sau các giai đoạn tăng cao của giá dầu thường là các giai đoạn giá suy giảm. Theo thống kê các năm gần đây, chu kỳ biến động giá dầu có biên độ ngắn hơn 05 năm. Do đó, PVEP cần tập trung đầu tư theo mục tiêu/chiến lược dài hạn để tạo đà phát triển, đồng thời nghiên cứu xu thế biến động thị trường để triển khai hoạt động khai thác phù hợp, đặc biệt chớp cơ hội gia tăng dòng tiền/lợi nhuận tại các thời điểm giá dầu cao.

Đối với yếu tố lạm phát, tỷ giá, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã có các chính sách điều hành theo hướng thắt chặt tiền tệ, kiểm soát lạm phát… và những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của PVEP như: chi phí tài chính gia tăng do lãi suất huy động tăng; giới hạn tăng trưởng tín dụng sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn cho các dự án dầu khí; biến động tỷ giá và nhu cầu ngoại tệ. Do đó, PVEP sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp hạn chế biến động về giá mua vật tư thiết bị/chênh lệch tỷ giá quá lớn.

Đối với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, PVEP sẽ chủ động bám sát biến động kinh tế vĩ mô, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, diễn biến thị trường, đưa ra mục tiêu, giải pháp cho từng lĩnh vực để có những quyết sách kịp thời trong chỉ đạo, điều hành; tập trung điều hành khai thác với mục tiêu tiếp tục duy trì sản lượng; có chiến lược, sách lược để thúc đẩy hoạt động đầu tư cho năm 2023.

Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2022, định hướng bám sát kế hoạch 05 năm và các xu thế dự báo của thị trường trong nước và thế giới, PVEP xác định sẽ tập trung cho công tác thăm dò trong nước với mục tiêu bám sát kế hoạch gia tăng trữ lượng năm 2023 cao hơn dự kiến trong kế hoạch 05 năm được duyệt. Đồng thời, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ phát triển để đưa các mỏ vào khai thác theo Kế hoạch phát triển mỏ 05 năm. Đảm bảo ổn định sản xuất nhằm đạt được sản lượng khai thác từ các dự án hiện tại và từ các giếng khoan đan dày, sửa giếng dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2023.

Song song với những công tác về hoạt động sản xuất, PVEP sẽ tập trung triển khai các công việc đảm bảo các mục tiêu tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cũng như công tác quản trị của Tổng Công ty. Cùng với đó, thực hiện xuyên suốt nhất quán đồng bộ các giải pháp tối ưu tiết kiệm đã triển khai hiệu quả từ các năm trước nhằm nâng cao chất lượng quản lý điều hành, tối ưu nguồn lực.

Những kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra trong năm 2022 sẽ là nền tảng quan trọng cho hoạt động năm 2023 và cho giai đoạn phát triển tiếp theo của PVEP.

http://www.pvep.com.vn/tin-pvep-91/kinh-nghiem-cua-pvep-trong-viec-ung-pho-voi-bien-dong-thi-truong-nang-luong-3410.html

PV / Cổng thông tin điện tử PVEP