- Nhiều nước cấm xuất khẩu, cơ hội tốt cho lúa gạo Việt
- Cách nào lội ngược dòng xuất khẩu cho ngành gỗ, dệt may và da giày?
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,5 tỷ USD, giảm hơn 10%, chiếm hơn 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,23 tỷ USD, giảm gần 11%, chiếm gần 74%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 7 tháng qua gồm: nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,4 tỷ USD; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 164,8 tỷ USD; nhóm hàng nông sản, lâm, thủy sản ước đạt 18,17 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hầu hết nhóm hàng đều giảm từ 10 đến hơn 30% gồm: công nghiệp chế biến; nhiên liệu và khoáng sản; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; cao su...
Ngược lại, xuất khẩu các mặt hàng nông sản diễn biến khả quan với kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng hơn 68%, ước đạt 3,23 tỷ USD; gạo tăng gần 30%, ước đạt 2,58 tỷ USD; cà phê tăng 6%.
Trong đó có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 91% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm hơn 57%).
Trong tháng 7, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai kể từ tháng 11/2022 đến nay (chỉ thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của tháng 3/2023, đạt 29,71 tỷ USD).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng ước đạt 194,73 tỷ USD (Ảnh minh hoạ).
Đáng chú ý, nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 7/2023 chững lại so với tháng trước (giảm 0,9%), nhưng vẫn tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng vẫn đạt mức tăng trưởng cao như: rau quả tăng 122,5%, hạt điều tăng 15%, cà phê tăng 37%, gạo tăng hơn 14%...
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD, giảm gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường EU ước đạt 25 tỷ USD, giảm gần 10%; ASEAN ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 9,6%; Hàn Quốc giảm gần 9%, ước đạt 12,9 tỷ USD; Nhật Bản ước đạt 13,03 tỷ USD, giảm 3,5%. Riêng thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 31,57 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về nhập khẩu hàng hóa, do nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, nhờ những tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 7 nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,73 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,8 tỷ USD, giảm 1%.
Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm hơn 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,4 tỷ USD, giảm hơn 17%.
https://vtc.vn/kim-ngach-xuat-khau-hang-hoa-7-thang-uoc-dat-194-73-ty-usd-ar810476.html