Kiều hối chiếm 7% GDP: Điều Việt Nam chưa làm được

Lâu nay, Việt Nam cứ nghĩ kiểu hối là cái gì như giống nước, không khí mà chúng ta được hưởng, trong khi đó lại quá tập trung vào FDI.  

Báo cáo "Di cư để tìm kiếm cơ hội" trong khu vực ASEAN vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho biết, năm 2015, các nước trong khối ASEAN đã nhận tổng cộng 62 tỷ USD kiều hối từ lao động di cư. Trong đó, kiều hối chiếm 7% GDP tại Việt Nam, 10% GDP tại Philippines, 5% GDP tại Myanmar…

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển khẳng định, trong nhiều năm kiều hối là nguồn lực rất quan trọng của Việt Nam và trong mấy năm trở lại đây lượng kiều hối gửi về ngày càng tăng.

Kiều hối là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam

"Dù chiếm chỉ 7% GDP không phải là nhiều nhưng nó là số tiền ròng. Nếu coi GDP là doanh thu thì kiều hối chính là lợi nhuận. Nguồn tiền này vừa bổ sung cho nguồn vốn của nền kinh tế, hơn nữa đó lại là nguồn vốn ngoại tệ nên rất có giá trị.

Bởi thế, kiều hối dù để tiêu dùng cá nhân hay đầu tư bất động sản, góp vốn làm ăn... cũng đều tốt vì đó là một nguồn lực nước ngoài đưa vào trong nước bằng ngoại tệ, số tiền đó lại không phải vay mượn mà để người trong nước sử dụng nên nó càng quan trọng.

Có nhiều chuyên gia nói, kiều hối phải luân chuyển vào sản xuất mới tốt nhưng tôi cho rằng, dù người nhận được kiều hối dùng tiền đó tiêu xài hay mua nhà cũng đều tốt vì việc làm đó tạo ra một nguồn cầu trong nước mà Việt Nam rất cần tăng tổng cầu lên.

Khi tổng cầu nội địa tăng thì sẽ tạo cho sản xuất, kinh doanh, việc làm phát triển", TS Đinh Thế Hiển phân tích.

Dù kiều hối đóng vai trò quan trọng như vậy, nhưng vị chuyên gia chỉ ra một thực tế, đó là kiều hối được đối xử hoàn toàn khác với cách Việt Nam đối xử với FDI.

Nếu kiều hối là khoản thu ròng, là nguồn tiền không hoàn lại thì FDI là sự đầu tư nhằm mục đích kinh doanh, kiếm lời, và cuối cùng sẽ chuyển trả về nước ngoài.

"Lâu nay, Việt Nam cứ nghĩ kiều hối là cái gì giống nước, không khí mà chúng ta được hưởng, còn FDI là sự toan tính của một doanh nghiệp nước ngoài "đầu có sạn" và họ tìm nơi nào thấy làm ăn tốt thì mới vào. Do đó, Việt Nam phải cố gắng tạo điều kiện cho FDI vào, nếu không họ sẽ chọn quốc gia khác.

Còn kiều hối chẳng chọn gì hết, vì nó được người lao động gửi cho gia đình, người thân ở Việt Nam. Bởi coi kiều hối là cái gì đương nhiên nên nhiều khi chúng ta không thấy nó quá quan trọng, chưa tôn vinh nó một cách xứng đáng, trong khi quá tập trung vào FDI.

Lẽ ra người nào gửi kiều hối về nhiều, phía Việt Nam có thể tặng quà hay bằng khen, dẫu của một tổ chức nào đó.

Dù người lao động gửi kiều hối về gia đình nhưng họ cũng sẽ thấy rằng Nhà nước thừa nhận đóng góp của họ, kiều hối là yêu nước... thì sẽ tốt hơn", TS Đinh Thế Hiển chỉ rõ.

Trả lời câu hỏi kiều hối đã phát huy được hiệu quả tốt nhất hay chưa, TS Hiển cho biết, do đặc thù của Việt Nam nên kiều hối có hai dạng:

Một là dạng kiều hối mà Việt Nam chưa làm được như Philippines, đó là xuất khẩu lao động chuyên nghiệp. Dù là lao động thấp như giúp việc, công nhân thì họ cũng rất chuẩn mực, có khóa huấn luyện riêng trước khi xuất khẩu.

Lực lượng này khi ra nước ngoài lao động gửi về lượng tiền về rất lớn. Đó là thu nhập từ xuất khẩu lao động gửi về và cái này Việt Nam làm chưa tốt.

Dạng thứ hai là kiều hối hộ gia đình.

Bởi lượng kiều hối từ xuất khẩu lao động tự nguyện gửi về còn chiếm tỷ lệ nhỏ nên Việt Nam muốn tăng lên phải phát triển các lực lượng lao động xuất khẩu chuyên nghiệp.

"Kiều hối là tự nguyện và gắn với gia đình, người thân nên việc Việt Nam cần làm là phải khiến cho thủ tục ngày càng thuận lợi hơn, các phí chuyển kiều hối chính thức ngày càng dễ dàng. Một khi thủ tục thuận tiện và hợp pháp, người ta càng thoải mái, thuận lợi trong việc chuyển về.

Đánh giá kiều hối là tốt thì phải có ghi nhận, đóng góp để tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài chuyển tiền về thuận lợi.

Cách tốt nhất vẫn là phải làm sao cho doanh nghiệp, doanh nhân trong nước phát triển", TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

WB: Kiều hối chiếm 7% GDP Việt Nam

Kiều hối chiếm 7% GDP của Việt Nam, Myanmar là 5% GDP, Campuchia là 3% và nước đạt mức cao nhất là Philippine 10%.

Vĩ mô ổn định, sức hút kiều hối trở lại

Nhiều điều kiện cả về vĩ mô cũng như các chính sách, điều hành, dịch vụ ngân hàng đang hỗ trợ tốt và thuận lợi ...

3 tỷ USD mua nhà Mỹ từ kiều hối: Tiền dội ngược?

Đến thời điểm này chưa có một số liệu hay bằng chứng cụ thể về việc kiều hối sau khi vào Việt Nam bị đưa ...

(http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/kieu-hoi-chiem-7-gdp-dieu-viet-nam-chua-lam-duoc-3344980/)

/ Theo Thành Luân/Đất Việt