Kiến nghị cho phép thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu với nhau

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu cho phép thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau thì tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu sẽ cao hơn, từ đó có lợi cho người tiêu dùng.

Kiến nghị xem xét lại nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu

Kiến nghị xem xét lại nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu

Nên cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, nhằm thay thế các Nghị định hiện hành.

Góp ý cho dự thảo, VCCI nêu, điều 17 của dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, trong đó không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.

Theo cơ quan soạn thảo, nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao.

“Lập luận này không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường. Các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. Giả sử có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn”- VCCI nêu quan điểm.

Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định hệ thống phân phối 1:1, tức là thương nhân bán lẻ buộc phải phụ thuộc vào thương nhân phân phối. 

Trong trường hợp đó, nếu thương nhân phân phối tăng giá bán, thương nhân bán lẻ không thể đổi sang nhà cung cấp khác, nên buộc phải chịu giá cao. Tuy nhiên, từ Nghị định 80/2023/NĐ-CP đã cho phép thương nhân bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn tăng lên nên tình trạng trên đã không còn diễn ra.

Một số ý kiến cho rằng việc cho phép các thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau có thể khiến số liệu báo cáo về tình hình dự trữ xăng dầu không chính xác. Tuy nhiên, theo dự thảo, nghĩa vụ dự trữ lưu thông chỉ áp dụng cho thương nhân đầu mối, không áp dụng cho các thương nhân phân phối.

Dự thảo cũng đã bổ sung quy định tại Điều 9.5 về việc thương nhân đầu mối phải kết nối mạng với Bộ Công Thương báo cáo dữ liệu về kho chứa xăng dầu, tồn kho xăng dầu. Do đó, vấn đề dữ liệu tình hình dự trữ xăng dầu đã được xử lý.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.

Khi nào được sử dụng xăng dầu dự trữ?

Điều 29 của dự thảo quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu. Về nguyên tắc, khi đã có dự trữ hàng hoá thì phải có quy định về việc sử dụng hàng hoá đã dự trữ. Nếu không, hàng hoá dự trữ chỉ gây tốn kém chi phí xã hội mà không mang lại lợi ích thực tiễn nào.

Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định về việc sử dụng xăng dầu dự trữ. VCCI đặt vấn đề: Xăng dầu dự trữ sẽ được sử dụng trong trường hợp nào? Khi có chiến tranh, thiên tai, địch hoạ, tình trạng khẩn cấp; hay khi đứt gãy nguồn cung xăng dầu (sản xuất và nhập khẩu); hay khi có biến động giá xăng dầu cao bất thường?

Xăng dầu dự trữ được sử dụng vào mục đích nào? Doanh nghiệp được quyền bán ra hay phải giao cho Nhà nước sử dụng? Lưu ý, xăng dầu dự trữ lưu thông vẫn là tài sản của doanh nghiệp, nên nếu phải giao cho Nhà nước sử dụng thì phải theo cơ chế trưng mua, trưng dụng. 

Ai có thẩm quyền quyết định việc sử dụng xăng dầu dự trữ?

“Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cơ chế Nhà nước điều hành lượng dự trữ lưu thông. Ví dụ, khi đứt gãy nguồn cung khiến xăng dầu trong nước thiếu hụt trong ngắn hạn, cơ quan quản lý có thể quyết định hạ mức dự trữ xuống 50% bình thường. Khi đó sẽ có thêm lượng xăng dầu được cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đến khi nguồn cung xăng dầu được khôi phục, cơ quan quản lý có thể nâng mức dự trữ lên 100% như bình thường”- VCCI góp ý.

Đề xuất 2 phương án tính giá xăng dầu

VCCI cho biết, dự thảo đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu, theo đó, doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần tại Điều 34. Theo cơ chế được đề xuất, cơ quan nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan nhà nước công bố giá trần.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu. Công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu.

Vì thế đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc 2 phương án tính giá xăng dầu:

Phương án 1: cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán (không có giá trần), đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá để người tiêu dùng lựa chọn như: niêm yết giá ở vị trí cao, to rộng, rõ ràng để người đi đường có thể nhìn rõ mà chưa cần phải chuyển hướng rẽ vào cây xăng;

Kê khai giá trên một cổng thông tin chung và được công khai ngay lập tức để người tiêu dùng có thể so sánh giá giữa các cây xăng một cách trực tuyến. Cơ quan nhà nước theo dõi diễn biến thị trường thường xuyên để phát hiện các trường hợp vi phạm Luật Cạnh tranh như lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh (giá bán cao bất hợp lý, Điều 27 Luật Cạnh tranh) hoặc thoả thuận hạn chế cạnh tranh (bắt tay làm giá, Điều 11 Luật Cạnh tranh).

Phương án 2: bỏ thủ tục kê khai giá, hoặc miễn thủ tục này khi doanh nghiệp bán hàng đúng bằng giá trần theo quy định tại Điều 34 của Nghị định này.

https://www.anninhthudo.vn/kien-nghi-cho-phep-thuong-nhan-phan-phoi-duoc-mua-ban-xang-dau-voi-nhau-post584701.antd

Hà Linh / ANTĐ