Kiểm toán Nhà nước: Chuyển hồ sơ cho công an điều tra vụ doanh thu nghìn tỷ, lãi chỉ vài trăm triệu

Kiểm toán Nhà nước vừa chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Bình Phước để điều tra về dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp xảy ta tại Công ty Cao su Bảo Long và Công ty Thành Phước.

Kiểm toán Nhà nước: Chuyển hồ sơ cho công an điều tra vụ doanh thu nghìn tỷ, lãi chỉ vài trăm triệu - Ảnh 1

Trụ sở Công ty Bảo Long tại huyện Chơn Thành. Ảnh: Thanh Niên

Thông qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh của 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Cụ thể, theo nguồn tin của báo Thanh Niên, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước để điều tra làm rõ về dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn trái phép của 2 doanh nghiệp chuyên kinh doanh mua bán cao su, mủ cao su trên địa bàn tỉnh này.

Hai công ty có dấu hiệu vi phạm là Công ty TNHH MTV Bảo Long (Công ty Bảo Long) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước (Công ty Thành Phước), cùng có trụ sở tại huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Theo hồ sơ, Công ty Bảo Long được thành lập ngày 10/3/2014, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là mua bán cao su, mủ cao su.

Kiểm tra hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế huyện Chơn Thành, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường tại doanh nghiệp này.

Theo đó, Công ty Bảo Long có doanh thu rất lớn và tăng mạnh trong 2 năm 2018, 2019 (năm 2017 doanh thu chỉ có 182 tỷ đồng, năm 2018, doanh thu tăng lên 1.668 tỷ đồng, năm 2019 doanh thu là 2.447 tỷ đồng).

Nợ vay thấp nhưng lợi nhuận của Công ty Bảo Long lại rất thấp hoặc lỗ (lợi nhuận năm 2018 là 5,8 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 156 triệu đồng). Khi mua bán mủ cao su, DN này thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng nhưng đa số được rút ngay bằng tiền mặt trong ngày.

Trong 2 năm 2018 và 2019, Công ty Bảo Long đã mua bán khoảng 70.000 tấn mủ cao su, nhưng không có kho hàng, phương tiện vận chuyển; hàng hóa chủ yếu được ký gửi và thuê kho nhưng chi phí ký gửi, thuê kho hàng tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Tra cứu hệ thống quản lý thuế của ngành thuế, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Công ty Bảo Long đã kê khai hóa đơn đầu vào của 4 công ty đã tạm dừng kinh doanh, 3 công ty không kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và 1 công ty đã bị thu hồi giấy phép hoạt động.

"Có khả năng Bảo Long đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và hợp thức hóa chi phí đầu vào, làm giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp ngân sách Nhà nước", Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Năm 2019, Công ty Bảo Long ký hợp đồng mua mủ cao su của Công ty Thành Minh Khang (địa chỉ ở Mỹ Tho, Tiền Giang) với tổng giá trị khoảng 800 tỷ đồng, tương ứng 25.000 tấn mủ cao su, sau đó bán lại cho Công ty TNHH Vạn Lợi với địa chỉ giao hàng tại cảng Cát Lái, TP.HCM.

Hợp đồng giữa Công ty Bảo Long và Công ty Thành Minh Khang quy định địa chỉ giao hàng tại kho của Công ty Bảo Long ở Phú Giáo (Bình Dương), trong khi theo sổ sách thì Công ty Bảo Long không có kho hàng ở đây.

Theo hợp đồng mua bán giữa 2 bên thì chi phí bốc xếp hàng mỗi bên chịu một đầu, nhưng sổ sách phía Kiểm toán Nhà nước tiếp cận được cho thấy Công ty Bảo Long không phát sinh chi phí bốc xếp với lượng hàng hóa này, là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng việc mua bán cao su theo các hợp đồng nêu trên là không có thật và Công ty Bảo Long sử dụng các hóa đơn mua hàng của Công ty Thành Minh Khang để khấu trừ thuế.

Với trường hợp Công ty Thành Phước, doanh nghiệp này có vốn điều lệ khoảng 10 tỷ đồng nhưng doanh thu lớn và tăng mạnh trong 2 năm 2018 và 2019 với tổng cộng gần 2.400 tỷ đồng.

Dù doanh thu nghìn tỷ nhưng Công ty Thành Phước khai báo lợi nhuận rất thấp thậm chí thua lỗ.

Tiền Phong đưa tin, qua kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện doanh nghiệp này khi xuất bán mủ cao su không xuất hóa đơn cho từng chuyến xe mà xuất hóa đơn chung theo giá trị của từng hợp đồng mua bán.

Các xe khi xuất hàng cũng không có phiếu cân hoặc phiếu xuất kho để xác định trọng lượng hàng hóa của từng chuyến xe và trách nhiệm của lái xe về khối lượng hàng hóa vận chuyển, không có biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng; trọng lượng hàng hóa trên các hóa đơn luôn là số chẵn theo đơn vị chục, trăm tấn là không phù hợp với thông lệ vận chuyển, kinh doanh mặt hàng mủ cao su.

Bên cạnh đó, năm 2019, Công ty Thành Phước mua hàng của 2 công ty đã tạm dừng kinh doanh, 1 công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

Ngoài ra công ty còn ký hợp đồng với 2 đơn vị vận chuyển những đơn giá vận chuyển cố định 300.000 đồng/tấn không gắn với cự ly vận chuyển là không phù hợp với hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Theo Kiểm toán Nhà nước, đây là bằng chứng cho thấy việc mua bán cao su nhiều khả năng là không có thật, là dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Bạch Hiền (T/h)

Công ty Nhôm Toàn Cầu có dấu hiệu chuyển giá hàng nghìn tỉ đồng Công ty Nhôm Toàn Cầu có dấu hiệu chuyển giá hàng nghìn tỉ đồng
Kiểm toán hàng loạt Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong năm 2020 Kiểm toán hàng loạt Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong năm 2020

/ www.doisongphapluat.com