Tăng dần chất lượng để kịch Tết không chỉ diễn đúng 7 ngày. Hướng những câu chuyện kịch Tết chuyển tải những thông điệp giá trị nhân văn
Từ trạng thái lo lắng chuyển sang thảnh thơi trước sức hút của thị trường kịch Tết không còn nhiều vở cũ được tái dựng như năm ngoái, kịch Tết năm nay với 12 vở mới đã lần lượt được phúc khảo mà theo nhận định của các nhà chuyên môn, sức hấp dẫn có được nhờ quyết tâm đạt hiệu quả nghệ thuật, không để tiếng cười dễ dãi chi phối một cách ngẫu nhiên.
Thay đổi tư duy
Theo NSƯT Thành Lộc - "người nhạc trưởng lĩnh xướng" của sân khấu IDECAF, năm nay sàn diễn của anh chỉ dựng 2 vở Tết, một số vở chưa đủ chất thì dời lại qua Tết, để đầu tư thêm về mặt kịch bản chứ không vội. Có thể nói, các sàn diễn khác cũng vậy, hướng đến chất chứ không chạy theo số lượng.
Cảnh trong vở kịch "Giấc mộng vàng son" của Sân khấu Hoàng Thái Thanh
Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nói: "Sân khấu kịch TP HCM đã trải qua một năm 2017 đầy biến động và khó khăn nhưng dịp Tết nguyên đán sắp tới sẽ mang đến cho khán giả nhiều vở mới đủ chất và đủ tầm. Không còn những vở "có cũng được, không có cũng được", thay vào đó là các câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc, kỳ vọng sẽ sống hết tháng giêng và những tháng sau đó, vì vấn đề đặt ra không chỉ dành cho Tết".
Sân khấu IDECAF có 2 vở diễn mới là "Thám tử si tình" và "Bởi vì ta yêu nhau". Đạo diễn Vũ Minh đã lồng ghép trong vở diễn mang màu sắc trinh thám, hành động để câu chuyện hài đả phá nạn bạo hành trong gia đình có sức hấp dẫn. Còn "Bởi vì ta yêu nhau" mang thông điệp tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi. Sân khấu Kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân có vở nổi trội: "Ngọc Lan trong gió". Đây là câu chuyện về nỗi niềm sâu kín của những đứa con sinh ra trong gia đình không hạnh phúc. Kịch Phú Nhuận còn có các vở: "Bốn nàng độc thân", "Rambi", "Con của chồng tôi" và "Căn nhà im lặng".
Sân khấu Hoàng Thái Thanh có 2 vở mới "Sài Gòn có một ngã tư" (cảm tác từ truyện ngắn Ừ đi, Ừ! của nhà văn Trần Kim Trắc với nhóm tác giả kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh) chuyển tải những ước mong giữ được cốt cách của người dân Sài Gòn trước những đe dọa do đời sống hội nhập. Vở "Giấc mông vàng son" của tác giả Quang Thảo, lại mang hơi hướng câu chuyện dân gian nhưng "biến tấu" khác đi, để người xem cùng khóc cười với nhân vật Cuội và Bưởi.
Cười nhưng không nhạt
Đa số các vở diễn hài của mùa Tết năm nay đều xây dựng những tình huống hài nhưng không nhạt nhẽo, hời hợt mà trái lại sẽ theo chân khán giả về nhà đón Xuân. Cụ thể, các vở diễn của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, thương hiệu vừa được nhận giải Vở diễn được yêu thích nhất Giải Mai Vàng 2017, khán giả có thể cười không ngớt với vở: "Bao giờ mẹ lấy chồng", "Thiên hà hội tụ", "Thiên thần, cân luôn". Tiếng cười của ba vở diễn này mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nhà hát Bến Thành năm nay, nhóm nghệ sĩ Trần Bùm đã đầu tư 2 vở hài: "Sui gia đối mặt" (tác giả: Phi Nga, đạo diễn: Tiết Cương) và "Người lạ ơi! Mình cưới nhé!" (tác giả: Châu Phương Quân, đạo diễn: Lê Văn Tĩnh - Cát Phượng). Hai vở diễn đều đề cập vấn đề gìn giữ nhân cách sống, truyền thống văn hóa, tập tục thuần Việt, nhưng lồng ghép vào đó là những trái ngang của các cặp yêu nhau nhưng vì môn đăng hộ đối đã không thể sống bên nhau. Điều đặc biệt, 2 vở này quy tụ dàn diễn viên hài "khủng": NSND Ngọc Giàu, NSƯT Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Nhật Cường, Hoàng Sơn, Cát Phượng, Kiều Minh Tuấn, Lê Giang, Tiết Cương…
Kịch Sài Gòn đã dựng 3 vở: "Trai nhảy", "Mảnh đất nhiều ma" và "Oan hồn bên suối" do NSND Trần Ngọc Giàu, nghệ sĩ Hữu Nghĩa dàn dựng. Nhà hát kịch TP HCM có 2 vở diễn Tết: "Hẻm nhỏ Sài Gòn" và "Kỳ án xứ mặt trời", diễn ở rạp Công Nhân, hứa hẹn thu hút khán giả.
Kịch Trịnh Kim Chi có các vở hài khai thác những vấn đề khiến con người xung đột vì bảo vệ lẽ phải và truyền thống văn hóa, nổi bật là vở: "Game ơi là show", đánh thẳng vào những tiêu cực của thế giới game show. Ngoài ra còn có: "Thầy giáo ma", "Chuyến đi tử thần", "Hồn nữ mơ hoang". Đặc biệt, vở "Thầy giáo ma" (tác giả: Thanh Bình Nguyên - Minh Vy, đạo diễn: Nhựt Huy - Phúc Thiện) là câu chuyện về ngày Xuân nhưng khá chạnh lòng trước mối quan hệ thầy trò bị rạn nứt ở học đường…
Kịch Rubik của bà bầu Đại Ngọc Trâm với 2 vở Tết: "Một nửa cầu hôn" và "Sài Gòn là vậy đó!", hết sức duyên dáng, gieo nhiều cảm xúc mới lạ cho khán giả.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, từ giữa cuối năm 2017 và bước sang năm 2018, sân khấu TP HCM đang có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng các vở diễn chính là niềm tin để thu hút khán giả.
Cải lương chạy đua với Tết
Để có vở diễn và chương trình chào đón mùa Tết, các nghệ sĩ cải lương đã quay về sàn diễn, bỏ các sô diễn khắp nơi để có vở mới phục vụ khán giả tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo) và Trung tâm Văn hóa Bình Thạnh - Sân khấu Lê Hoàng.
NSƯT Tú Sương và NS Lê Thanh Thảo trên sân khấu rạp Hưng Đạo
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tăng tốc trong những ngày cận Tết để kịp ra mắt 2 vở: "Ngày ấy chúng tôi đều còn trẻ" và "Tình yêu và tướng cướp". NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Giám đốc nhà hát, cho biết: "Nỗ lực của các nghệ sĩ thuộc 3 đoàn của nhà hát là để sáng đèn mỗi tuần một đến hai suất, theo kế hoạch. Từ khi tiếp nhận Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đến nay chúng tôi đã duy trì hoạt động này suốt gần 4 tháng. Kế hoạch diễn Tết cũng được các đoàn dồn sức tập luyện để có 2 vở mới, phục dựng 3 vở cũ đã từng được khán giả yêu thích".
Ngoài 2 vở mới, 3 vở cũ được tái dựng với phiên bản mới, hứa hẹn thu hút khán giả gồm: "Đại chiến phá sông Ngân" (mùng 4 Tết), "Phước Lộc Thọ" (mùng 7 Tết), "Truyền thuyết Hồ đoạt mệnh" (mùng 10 Tết) và chương trình Nghệ sĩ mừng Xuân với nhiều trích đoạn nổi tiếng từng được khán giả yêu thích sẽ diễn vào tối mùng 2 Tết.
Riêng vở "Tình yêu và tướng cướp" (tác giả: Tài Bửu Bửu, đạo diễn: Điền Trung) sẽ diễn tối mùng 5 và vở "Ngày ấy chúng tôi đều còn trẻ" (tác giả: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Trung Thảo) diễn tối mùng 3.
Với thủ pháp dàn dựng mới mẻ, tiết tấu sinh động, cả 2 vở mới này tạo cảm xúc chân thật qua tài năng ca diễn của đội ngũ diễn viên đã gắn bó với nhà hát nhiều năm qua, như: NSƯT Trọng Phúc, Tú Sương, Thu Vân, Lê Hồng Thắm, Mỹ Hằng, Lê Tứ, nghệ sĩ Tâm Tâm, Võ Minh Lâm, Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Hà Như… hứa hẹn sẽ là đòn bẩy để tạo đột phá cho sàn diễn cải lương sau Tết nguyên đán.
Tại Sân khấu Lê Hoàng, Tết này dàn dựng vở cải lương tuồng cổ "Tứ tử đậu tân khoa" và chương trình cải lương tuồng cổ "Long Phụng mừng Xuân". Cả hai quy tụ đội ngũ nghệ sĩ nổi tiếng: Chí Linh, Vân Hà, Chiêu Hùng, Tú Sương, Bình Tinh, Kim Ngân, Võ Minh Lâm, Hoàng Đăng Khoa, Thúy My, danh hài Mỹ Chi…
"Tôi tin khán giả sẽ đến với các vở diễn cải lương mùa Tết năm nay, vì số lượng vé được bán đã cho thấy khả quan. Nhất là kiều bào năm nay từ các nước về ăn Tết ở quê nhà đông, họ rất muốn được xem nghệ thuật cải lương, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu Lê Hoàng là điểm hẹn của những khán giả mộ điệu bộ môn nghệ thuật sắp tròn 100 tuổi này" - nghệ sĩ Chí Linh lạc quan.
Hoài Linh đeo khẩu trang, đi dép lào trên thảm đỏ ra mắt phim
Nam danh hài cho biết mải tập kịch Tết, anh không kịp chuẩn bị trang phục nên đến dự ra mắt phim khá xuề xòa. |