Theo PGS - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, vở kịch “Tấm Cám” sẽ không phải đạo diễn người Việt Nam dàn dựng mà được dàn dựng bởi đạo diễn người Singapore – Chua Soo Pong khiến nhiều khán giả tò mò và bất ngờ.
Sáng 25.3, vở kịch "Tấm Cám" do đạo diễn Singapore – Chua Soo Pong dàn dựng đã được sân khấu Lệ Ngọc công bố với báo chí.
Đạo diễn người Singapore - Chua Soo Pong và nghệ sĩ Quang Vinh chia sẻ tại buổi họp báo vở kịch "Tấm Cám". Ảnh: Huy Hoàng
Vở kịch "Tấm Cám" được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể từ câu chuyện cổ tích "Tấm Cám" và cố vấn kịch bản là PGS - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái.
Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc như: NSND Lệ Ngọc, Tạ Tuấn Minh, Thu Hà… cùng nhiều diễn viên trẻ khác.
Theo PGS - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, "Tấm Cám" là vở diễn hướng tới khán giả thiếu nhi. Đây là một vở diễn bắt đầu từ câu chuyện cổ tích, nhưng kịch bản của vở diễn đã đi xa khỏi cốt lõi của bản gốc. Kịch bản mới đã được lược bỏ đoạn Tấm làm mắm Cám và gửi cho dì ghẻ ăn. Bởi đây là sự tàn bạo, man rợ không còn phù hợp với thời đại bây giờ. Hơn nữa, vở diễn lại hướng tới là trẻ em nên không thể để nguyên theo bản gốc.
Chia sẻ tại buổi công bố, đạo diễn người Singapore – Chua Soo Pong cho biết: "Tôi rất vui khi được trở lại Việt Nam, trở lại Nhà hát Kịch Việt Nam, được gặp gỡ các nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng. Tôi đã làm việc với Đại học Sân khấu điện ảnh Việt Nam, được làm việc với các nghệ sĩ, với Sĩ Hoàng. Với hoạ sĩ Doãn Bằng, tôi được xem nhiều vở của hoạ sĩ đã làm. Tôi nhận ra rằng hoạ sĩ Doãn Bằng là người làm về sân khấu, có thể nâng các vở diễn lên. Hoạ sĩ Doãn Bằng là hoạ sĩ rất thông minh".
Theo vị đạo diễn Singapore chia sẻ, "Tấm Cám" là vở kịch hướng tới khán giả thiếu nhi, nên lời thoại rất giản dị, dễ nhớ, đồng thời sân khấu được tăng thêm về phần hát và múa cho vui nhộn. Tuy nhiên đừng nghĩ vở diễn dành cho thiếu nhi thì dễ, mà ngược lại, vở kịch làm cho thiếu nhi nên không hề đơn giản. Thậm chí còn là vở kịch rất rất khó xây dựng. Bởi đây là câu chuyện dí dỏm và hài hước, tuy nhiên cũng có những tình tiết không thật và làm thế nào để kể cho các em tin là thật. Và làm sao tạo được sự hài hước, nhưng thuyết phục được trẻ em tin tưởng.
“Để xây dựng vở diễn, tôi đã thông qua phiên dịch để hiểu câu chuyện "Tấm Cám". Ngoài ra tôi cũng tự nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị văn hoá Việt Nam và cũng cố gắng tạo sự khác biệt chứ không muốn rập khuôn theo các vở kịch đã làm trước đó. Cái mà chúng tôi muốn đưa vào trong vở diễn cho trẻ em và khán giả là giá trị văn hoá Việt thông qua những bài hát, âm nhạc, hành động, trang phục vở diễn, đặc biệt là múa. Giá trị văn hoá Việt ở đây là đạo đức của người mẹ đối với con của mình, đó là văn hoá Việt. Chúng tôi muốn truyền tải tới khán giả, làm thế nào để mỗi người phụ nữ Việt Nam có thể cảm nhận và hiểu được thông điệp đó”, ông Chua Soo Pong cho biết.
Trước câu hỏi vở diễn "Tấm Cám" khác xa với bản gốc, bỏ những phần tàn bạo, đạo diễn Chua Soo Pong cho hay, ông đồng ý với nhà văn Nguyễn Hiếu khi thay đổi kịch bản so với bản gốc của "Tấm Cám". Bởi chúng ta đang hướng tới những điều thiện, không thể đưa nguyên những hành vi quá tàn bạo lên sân khấu, nhất là đối tượng khán giả mà chúng ta đang hướng tới là trẻ em. Nên nhớ rằng, chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, khác xa với thế kỷ 15-16.
“Câu chuyện chắc chắn sẽ có những thay đổi cho phù hợp với khán giả hôm nay. Hơn nữa khi làm đạo diễn, không phải cứ làm theo bản gốc, mà mỗi đạo diễn sẽ có cách nhìn, dàn dựng khác nhau. Vì vậy câu chuyện mà tôi muốn đưa lên trên sân khấu cho các em sẽ là câu chuyện có cái kết nhân văn. Đây là mục đích của tôi cũng như của toàn bộ êkíp”, vị đạo diễn người Singapore nói.
Nhà văn Nguyễn Hiếu - người viết kịch bản cho vở diễn "Tấm Cám" đã giải thích về việc vì sao lại chọn mẹ của Tấm thay vì ông Bụt như trong bản gốc Tấm Cám.
"Trong kịch bản này tôi ko muốn chọn ông bụt mà tôi lấy vai trò mẹ của Tấm làm ông Bụt. Bởi người mẹ sẽ luôn là người xuất hiện trong mọi lúc, mọi nơi khi người con cần đến mẹ. Tình yêu thương của người mẹ như một phép thần, tạo cho con tất cả những điều kỳ diệu trên trái đất này.
Ý đồ của tôi, điều này về mặt kỹ thuật mà nói là tiết kiệm cho đoàn. Còn về thông điệp, tôi luôn luôn đề cao tình mẫu tử, tình mẹ. Người mẹ lúc nào cũng là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho người con. Người mẹ luôn luôn che chở, bảo vệ con dù người con đó có thể nào. Dù mẹ có mất thì người mẹ sẽ vẫn luôn đi theo che chở, bảo vệ con", nhà văn Nguyễn Hiếu cho hay.
Theo NSND Lệ Ngọc, dự kiến vở diễn Tấm Cám sẽ ra mắt vào ngày Tết thiếu nhi 1.6 và sẽ được diễn cả trong nước và nước ngoài.
Biên kịch nổi tiếng chỉ trích gay gắt Địch Lệ Nhiệt Ba, Ngô Diệc Phàm Biên kịch "Nằm gai nếm mật" tuyên bố không bao giờ hợp tác với Địch Lệ Nhiệt Ba, Ngô Diệc Phàm hay Thái Từ Khôn. |