"Không thể coi nước sạch là mặt hàng thương mại"

Theo chuyên gia, nước là nhu cầu thiết yếu nhà nước phải đảm bảo. Nếu chỉ phó mặc việc sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, họ sẽ chỉ tính đến lợi nhuận. 

Ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội cấp nước Việt Nam trả lời VnExpress về những vấn đề liên quan đến an toàn nguồn nước sạch của TP Hà Nội.

- Ông đánh giá thế nào về cách làm của Công ty nước sạch sông Đà sau khi phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm dầu thải? 

- Tôi rất ngạc nhiên vì cách xử lý sự cố của nhà máy nước Sông Đà. Có thể do không hiểu hết đặc tính của dầu thải, hoặc do thiếu bình tĩnh nên họ vẫn cho vận hành hệ thống, không báo cáo kịp thời về thành phố, mặt khác lại tăng lượng Clo khử trùng. Đó là những việc làm thiếu suy nghĩ, làm cho ô nhiễm dầu thâm nhập sâu hơn vào toàn bộ hệ thống dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như chúng ta đã thấy. Chất trong dầu thải là chất độc, khi dầu thải hòa vào nước trong đường ống việc tẩy rửa không thể hết trong một vài ngày.

Điều đó cho thấy những người điều hành nhà máy nước này không có trách nhiệm, thiếu hiểu biết.

Ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội cấp nước Việt Nam. Ảnh: Anh Duy.

Tiêu chuẩn đầu tiên của nước sạch là khi quan sát trực quan, nước phải bảo đảm không mầu, không mùi, không vị. Họ vẫn khăng khăng nói rằng "nếu bảo nước ô nhiễm thì chứng cứ đâu...", trong khi hàng trăm nghìn người dân ngửi thấy nước có mùi khét. Trình độ nhận thức, cũng như đạo đức nghề nghiệp của những người đảm nhiệm một dịch vụ quan trọng của xã hội như vậy không thể chấp nhận được.

Tôi cũng ngỡ ngàng vì việc quản lý nguồn nước gần hồ chứa nước rất lỏng lẻo. Tôi còn biết xung quanh hồ chứa còn có nghĩa trang, rác thải, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước. Lãnh đạo thành phố cũng rất lúng túng, chậm xử lý, để dân dùng nước bẩn nhiều ngày rồi mới đưa ra khuyến cáo.

Giải pháp hiện nay là nhà máy phải kiểm tra toàn bộ các bộ lọc, thay hết vật liệu lọc và cọ rửa bể chứa, súc rửa đường ống, xử lý dầu đọng dưới đáy bể. Đồng thời, phải khảo sát toàn bộ hồ chứa nước để có giải pháp đồng bộ, xử lý và đảm bảo không có dầu đọng xuống hồ.

- Theo ông, nhà máy nước sông Đà cần phải làm gì để ngăn chặn những sự cố ô nhiễm tương tự?

- Hà Nội hiện nay sản xuất nước sạch từ ba nguồn chính là nước ngầm, nước mặt sông Đà và nước mặt sông Đuống. So với sông Đuống, chất lượng nước mặt sông Đà tốt hơn vì đi qua nhiều đồi núi, song quan trọng nhất là điểm lấy nước. Lấy nước tại mương hở thì phải tính đến ô nhiễm, hồ Đầm Bài hiện nay có ba dòng suối và nhiều hệ thống thải chảy vào. Hệ thống thu nước ở hồ Đầm Bài phải tách riêng với các dòng suối nhỏ khác. Đây là vấn đề bất cập, có thể do tốn kém lên người ta không thực hiện việc ngăn dòng. Do đó, nguồn ô nhiễm nước từ chất thải nông nghiệp, công nghiệp rất dễ xảy ra.

Người dân khu chung cư HH Linh Đàm xếp hàng lấy nước sạch từ xe tec, chiều 16/10. Ảnh: Giang Huy.

Về tương lai, nhà máy nước sông Đà phải giải quyết được hệ thống thu nước và có hồ điều hòa riêng để việc cấp nước được ổn định. Tuy vậy, nước mặt vẫn là nguồn có nguy cơ mất an toàn cao. Nước mặt dễ bị ô nhiễm hơn trong khi các hệ thống xử lý nước mặt hiện nay không thể xử lý được hết các chất hòa tan.

- Ông nhận thấy việc sản xuất và phân phối nước của Hà Nội đang gặp những bất cập gì?

- Vấn đề an toàn cấp nước hiện nay của Hà Nội chứa đựng nhiều rủi ro. Điều dễ thấy, những sự cố vừa qua trong hệ thống cấp nước của Hà Nội không phải do ô nhiễm nguồn nước ngầm hay nước mặt mà hoàn toàn do con ngườitạo nên như sử dụng vật liệu đường ống kém chất lượng, do vô ý thức (đổ dầu thải vào nguồn nước) hoặc quản lý kém, không biết cách xử lý khi xảy ra sự cố như đã nêu trên.

Các nước rất coi trọng an ninh nhà máy nước, ở Hà Nội việc bảo vệ nguồn nước chưa thống nhất. Khác với nhiều thành phố, hiện nay Hà Nội quản lý cấp nước theo kiểu phân mảnh với quá nhiều công ty đảm nhiệm nên nếu sự cố xảy ra, hệ thống cấp nước của công ty này không thể cấp được sang mạng lưới của đơn vị khác. Khi tư nhân tham gia sản xuất nước họ sẽ chạy theo lợi nhuận và không chịu đầu tư đổi mới công nghệ hay bảo vệ nguồn nước.

Hơn sáu triệu dân thủ đô được phân bố nước sạch như thế nào. (Bấm vào ảnh để xem đầy đủ). Infographic: Tiến Thành - Võ Hải.

Cách làm này của Hà Nội không phù hợp với một đô thị phát triển. Ví dụ, TP HCM tập trung dịch vụ cấp nước chính cho Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), đơn vị này sử dụng nguồn từ các nhà máy của mình và ký hợp đồng mua nước từ các nhà sản xuất khác để phân phối cho toàn thành phố. Chủ động trong đầu tư phát triển mạng lưới để cung cấp nước cho dân và các đơn vị khác. Nhiều thành phố khác trong nước và nước ngoài cũng theo mô hình này vì có lợi cho cả quản lý cũng như người tiêu dùng.

- Sau sự việc ô nhiễm nước, ông có thể đưa ra bài học nào cho Hà Nội? 

- Theo tôi Hà Nội cũng nên tập trung lĩnh vực phân phối nước sạch vào một đầu mối còn sản xuất nước có thể nhiều thành phần đầu tư xây dựng và cung cấp nước thông qua đơn vị phân phối bằng các hợp đồng chặt chẽ bảo đảm các yếu tố cho nước sạch đô thị và đúng quy chuẩn nhà nước đã ban hành.

Hà Nội cần quản lý tập trung dịch vụ cấp nước cho một đơn vị sẽ có biện pháp như hệ thống mạng vòng, đối phó khi có sự cố xảy ra. Đối với các đơn vị  thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cần xem xét từ hệ thống thu, truyền dẫn bằng máy móc thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn ngành nước. Các nhà máy phải ổn định cấp 24/24, chất lượng, áp suất đảm bảo, ký hợp đồng ràng buộc chặt chẽ.

Nước ngầm cũng đối mặt với các nguy cơ như cạn kiệt và bị biến dạng. Hà Nội đang xây nhiều chung cư, đóng cọc sâu làm biến dạng mạch nước ngầm và làm giảm mức nước. Hà Nội không thể bỏ phí hệ thống nước ngầm hơn 1 triệu m3, phải có biện pháp duy trì, dự trữ, coi là nguồn chiến lược của mình.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu, phải là dịch vụ công ích, không được coi là mặt hàng thương mại. Nước ảnh hưởng đến sức khỏe con người về lâu dài. Có những gia đình nghèo không có tiền mua nước thì nhà nước phải cấp miễn phí. Nếu doanh nghiệp quản lý, họ sẽ chỉ tính đến lợi nhuận, không có việc hỗ trợ người nghèo.

Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy mẫu, xét nghiệm vào ngày 11/10, dự kiến có kết quả sau bảy ngày.

Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình), sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Sự việc được một số cán bộ công ty phát hiện từ sáng 9/10, nhưng không báo cáo nào với cơ quan chức năng; không ngăn chặn ô nhiễm.

Ngày 15/10, gần một tuần sau tình trạng trên, Hà Nội họp báo cho biết nước bị nhiễm độc và đưa ra khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".

Ngày 17/10, công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015. 

Đường đi của chất thải độc hại vào nguồn nước sạch sông Đà
Sốc: Dầu bẩn đổ vào nước sạch sông Đà được dùng để... bẫy chuột!
“Lãnh đạo công ty nước sạch Sông Đà thiếu trách nhiệm thì phải thay thế”

 

/ vnexpress.net