UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Ban tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ LĐTBXH về tình hình thực hiện chính sách tiền lương từ năm 2004 đến nay, kiến nghị điều chỉnh chế độ hưởng lương của cán bộ, công chức, viên chức để thu hút nhân tài.
Lương tối thiểu "còm" và tăng thuế VAT: Gánh nặng chồng gánh nặng... |
Lương công chức có đủ sống? |
Để thu nhập của công chức tăng cao, ổn định và bền vững, thì phải tính đến kế sách vẹn toàn hơn. Ảnh: Báo Đầu tư |
Lương công chức quá thấp so với mặt bằng sinh hoạt nhưng công chức vẫn phải sống, đa số phải thắt lưng buộc bụng cho phù hợp với đồng lương.
Trong môi trường đó, hoặc là tiêu cực để tồn tại, hoặc là sống thiếu thốn, liệu cách sống đó có tốt không? Chắc chắn là không.
Người có thái độ tích cực nhất là lãn công, tranh thủ làm ngoài để kiếm thêm thu nhập. Ít ra những người này cũng không động đến tiền của Nhà nước hay nhũng nhiễu người dân.
Một hệ thống gồm những công chức hoặc tham nhũng, hoặc làm ngoài, hoặc bóp bụng qua ngày thì không thể là hệ thống lành mạnh.
Và dứt khoát hệ thống đó không thể thu hút được người tài. Không ít người nhiệt huyết, muốn cống hiến, nhưng làm việc được một thời gian ngắn là phải ra ngoài đi làm cho doanh nghiệp. Họ không thể sống với đồng lương quá thấp, nhưng họ không thể làm điều trái lương tâm.
Từ thực tế đó, TPHCM kiến nghị tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức ít nhất phải bằng tiền lương thấp nhất của người lao động đã qua đào tạo làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Nếu được như vậy, trung bình lương công chức tăng gần gấp đôi hiện nay.
Nếu TPHCM được như vậy thì các địa phương khác cũng sẽ lên tiếng, công chức của nhà nước nơi khác cũng không đủ sống. Cho nên, đề xuất của TPHCM là đúng đắn, nhưng để thu nhập của công chức tăng cao, ổn định và bền vững, thì phải tính đến kế sách vẹn toàn hơn.
Kế sách đó chính là tinh giản tối đa bộ máy Nhà nước.
Tinh giản bằng cách giảm đi các ban, cơ quan, hội đoàn hưởng lương ngân sách. Năm 2016, ngân sách chi cho các hội là 14.000 tỉ đồng, còn tính tài sản của các tổ chức hội là 68.000 tỉ đồng.
Còn các ban, cơ quan khác, sự tồn tại của các tổ chức này quá hình thức, chưa kể là chồng chéo, cản trở các cơ quan khác trong hệ thống. Chưa kể phải chi cho việc vận hành như trụ sở, phương tiện, chi khác như điện nước, tiếp khách, công tác.
Một cách tinh giản biên chế khác là dẹp bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đây là cơ hội bỏ đi các bộ phận và nhân lực dư thừa trong các bộ.
Bỏ được tất cả các cơ quan và tổ chức trên, sẽ có đủ tiền để tăng lương cho công chức chuyên nghiệp và giỏi giang. Quan trọng hơn là lành mạnh bộ máy hành chính.
Quyết tâm là làm được. Làm ngay, dân sốt ruột lắm rồi.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-the-co-nen-hanh-chinh-lanh-manh-khi-luong-cong-chuc-khong-du-song-564692.ldo